Nhập Khẩu 50.000 Tấn Muối

Trong lúc cuộc sống của nhiều diêm dân khốn khó vì không tiêu thụ được muối thì thông tin Bộ Công Thương cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu thêm 50.000 tấn muối như một gáo nước lạnh đối với họ. Tuy nhiên, tại cuộc giao ban báo chí diễn ra vào sáng nay (13/9), ông Nguyễn Nam Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, Bộ Công Thương vẫn chưa chính thức phân giao nhập khẩu 50.000 tấn muối mà mới chỉ đang xem xét, quyết định.
Theo ông Hải, việc Bộ Công Thương xem xét việc cho nhập khẩu 50.000 tấn muối trên cơ sở
thống nhất của Bộ Nông nghiệp và PTNT mà một trong những lý do được Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra là “các doanh nghiệp sản xuất muối công nghiệp trong nước có thể sản xuất muối đạt chất lượng theo yêu cầu của ngành hóa chất. Tuy nhiên, hiện nay, đã bước vào cuối vụ sản xuất 2011 nên các doanh nghiệp muối công nghiệp không thể đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng của các doanh nghiệp sản xuất hóa chất và đã lên kế hoạch sản xuất muối phục vụ các ngành khác”.
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT thống nhất với Bộ Công Thương phân giao đợt 2 lượng hạn ngạch nhập khẩu muối còn lại của năm 2011 là 50.000 tấn cho các doanh nghiệp.
Trên cơ sở này, Bộ Công Thương mới đang xem xét, quyết định việc phân giao đợt 2 lượng hạn ngạch nhập khẩu muối còn lại để phục vụ sản xuất hóa chất trên nguyên tắc phân giao đúng đối tượng là doanh nghiệp trực tiếp sử dụng muối cho sản xuất hóa chất, không được phép trao đổi kinh doanh thương mại và sử dụng cho các mục đích khác. Và cho đến nay, Bộ Công Thương chưa chính thức phân giao 50.000 tấn muối thuộc hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đợt 2.
Liên quan đến vấn đề chất lượng muối nhập khẩu, ông Nguyễn Nam Hải cho biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT với chức năng quản lý chuyên ngành sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan soạn thảo và chuẩn bị ban hành thông tư hướng dẫn kiểm tra.
Sản lượng muối sản xuất trong nước cả năm 2011 dự kiến khoảng 800.000 tấn - giảm khoảng 200.000 tấn so với dự báo.
Được biết, ngày 13/7, Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tại cuộc họp này, các doanh nghiệp sản xuất hóa chất phản ánh tình trạng không mua được muối trong nước có chất lượng phù hợp mặc dù đã liên hệ với các doanh nghiệp sản xuất muối, đã gửi công văn đề nghị nhưng các doanh nghiệp này hoặc không trả lời hoặc trả lời không có khả năng cung cấp muối theo yêu cầu. Vì vậy, doanh nghiệp sản xuất hóa chất tiếp tục đề nghị Bộ Công Thương xem xét phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối đợt 2 để bảo đảm nguyên liệu cho sản xuất theo kế hoạch.
Cũng theo ông Hải, trước đó, ngày 6/6/2011, Bộ Công Thương đã có công văn trao đổi với Bộ Nông nghiệp và PTNT về tình hình sản lượng, chất lượng muối năm 2011 để tiến hành phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối đợt 2 cho các doanh nghiệp hóa chất. Tại văn bản trả lời ngày 14/6, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đánh giá sản lượng muối sản xuất trong nước năm 2011 dự kiến khoảng 800.000 tấn (giảm 200.000 tấn so với dự báo cuối năm 2010), tồn kho muối khoảng 235.000 tấn, bằng 51% so với cùng kỳ năm 2010. Do lượng muối tồn kho trong diêm dân và một số doanh nghiệp còn tương đối lớn và tháng 6, 7 là những tháng cao điểm của sản xuất muối ở phía Bắc và miền Trung, vì vậy, để tạo điều kiện cho người sản xuất tiêu thụ được với giá hợp lý, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị chưa phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối đợt 2, ít nhất là trong tháng 6 và 7.
Theo Thông tư số 45/2010/TT-BCT, lượng hạn ngạch thuế quan muối nhập khẩu năm 2011 là 102.000 tấn (gồm 100.000 tấn muối công nghiệp sản xuất hóa chất và 2.000 tấn muối tinh khiết cho y tế). Nhằm hỗ trợ việc tiêu thụ muối sản xuất trong nước, các Bộ đã thống nhất phân giao làm 2 đợt. Đợt 1 đã phân giao 50.000 tấn vào đầu năm và đợt 2 còn lại 50.000 tấn.
Có thể bạn quan tâm

Nhà vườn ở miền Tây đang mùa trái chín bắt đầu “thấm đòn” trước tác động kép: Hàng tiêu thụ chậm nay lại gặp thêm “nhà xe” tăng phí vận chuyển. Thương lái, nhà vựa thu mua trái cây cầm chừng, trái cây rớt giá sâu.

Ông Nguyễn Công Thừa, chủ nhiệm Hợp tác xã rau Anh Đào (Đà Lạt, Lâm Đồng), cho biết do ảnh hưởng của thời tiết, mưa nhiều và nguồn cung giảm, chưa kể chi phí vận tải cũng tăng, khiến giá nhiều mặt hàng rau tăng từ 100-200%.

Vụ tôm đầu năm nay, tỉnh Bình Định thả nuôi gần 2.200 ha diện tích mặt nước. Song nhiều vùng nuôi trọng điểm mới thả giống được 1 tháng rưỡi thì tôm đã lăn đùng ra chết hàng loạt khiến người nuôi hoang mang.

Vụ nuôi tôm xuân – hè 2014, huyện Hoằng Hóa phấn đấu nuôi thả 1.359 ha tôm; trong đó, diện tích thả tôm sú là 1.351 ha, tôm he chân trắng là 8 ha. Từ đầu tháng 4 đến nay, do thời tiết ấm áp, các chủ đầm nuôi tôm đã đấu mối với các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa để lấy nguồn giống bảo đảm chất lượng vào nuôi thả.

Không phụ thuộc vào con tôm, nhiều năm qua, hội viên Cựu chiến binh (CCB) ấp Truyền Huấn, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn (Cà Mau) áp dụng thành công mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm.