Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Cá + Lúa Ở Vùng Ngập Lũ

Tỉnh Tiền Giang đang nhân rộng mô hình cá + lúa trên ruộng tại các huyện đầu nguồn phía Tây: Cai Lậy, Cái Bè... Đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, đạt lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha đồng thời mở ra hướng khả thi trong thực hiện mục tiêu “chung sống với lũ” bền vững, giúp nông dân an cư lạc nghiệp.
Mô hình cá + lúa được bà con áp dụng đầy sáng tạo, với những đối tượng nuôi đa dạng, chủ yếu là các loại cá đồng đặc hữu: rô đồng, trê lai, sặc rằn, mè, trắm, rô phi dòng gifl... tại hầu hết các địa bàn ngập lũ sâu của tỉnh; trong đó nổi tiếng nhất là khu vực các xã Tân Hội, Nhị Mỹ (Cai Lậy); Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B, Hậu Mỹ Trinh, Mỹ Tân, Mỹ Trung (Cái Bè)... Nổi bật nhất là mô hình ương dưỡng cá giống trên ruộng lúa trong nội đồng vùng Đồng Tháp Mười thuộc địa bàn xã Hậu Mỹ Bắc A (Cái Bè) – nơi được coi là cái nôi của việc đưa con cá giống lên nhân trên ruộng lúa, mở ra tương lai tươi sáng cho bà con vùng ngập lũ một thời đầy khó khăn trước đây.
Theo mô hình này, trong vụ đông xuân, nông dân trồng lúa chất lượng cao, các vụ còn lại ương dưỡng và nhân cá giống trên chân ruộng. Riêng cá giống có thể quay 3 – 4 vòng/năm với các loại cá nước ngọt được ưa chuộng: mè, chép, trôi, trắm cỏ, lóc, trê lai, rô đồng. Nhờ mô hình này, Hậu Mỹ Bắc A xây dựng được cánh đồng 100 triệu đồng/ha/năm trên qui mô xã. Riêng về cá giống mỗi năm Hậu Mỹ Bắc A đạt sản lượng hàng tỉ con cá bột, trên 400 tấn cá giống các loại.
Để hỗ trợ bà con nhân rộng mô hình mới “chung sống với lũ" này, tỉnh đã triển khai dự án kiện toàn hạ tầng vùng nuôi thủy sản theo mô hình cá + lúa tại Hậu Mỹ Bắc A với qui mô 100 ha; kinh phí đầu tư khoảng 7 tỉ đồng tập trung kiện toàn giao thông, thủy lợi, kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Hiện nay, các huyện ngập lũ đầu nguồn Tiền Giang đã mở rộng diện tích nuôi thủy sản nội đồng lên trên 3.200 ha; trong đó riêng sản xuất cá bột đạt đến trên 75 triệu con giống các loại. Để nhân rộng phong trào, theo ông Mai Thành Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang, từ nguồn kinh phí Khuyến nông quốc gia, trong năm 2012, Tiền Giang triển khai dự án cá + lúa tại xã Mỹ Trung (Cái Bè) với diện tích gần 10 ha thí điểm nuôi cá sặc rằn và các loại thủy sản nước ngọt có giá trị khác. Ngoài ra, bằng vốn ngân sách của huyện, Cái Bè cũng đầu tư xây dựng vùng nuôi thủy sản theo mô hình cá + lúa tại xã Mỹ Đức Đông có qui mô 20 ha nhằm phát triển mô hình sản xuất mới phù hợp với đặc điểm vùng đất khó trước đây.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) phát triển mạnh mô hình trồng dừa Xiêm (DX), bởi hiệu quả kinh tế của loại cây này rất cao. Trong tương lai, DX có thể trở thành loại cây chủ lực của xã nếu người dân biết đầu tư mở rộng sản xuất cũng như được sự quan tâm của các ngành, các cấp. Đó là chia sẻ của ông Phạm Thúc - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Ích.

Tại Việt Nam nói chung và tỉnh Long An nói riêng, cá trê vàng lai đã được nuôi nhiều nơi từ nhiều năm qua. Trong khi đó cá trê vàng có giá trị kinh tế cao hơn nhiều, lại khan hiếm chủ yếu dựa vào tự nhiên. Gần đây, quy trình sản xuất giống cá trê vàng đã thực hiện thành công ở các Viện, Trường đại học, chưa được nhân rộng cho các trại giống cũng như nông hộ. Do vậy nguồn giống cá trê vàng rất khan hiếm, diện tích nuôi cá trê vàng là rất ít không đáng kể.

Ở ấp Bắc 3, xã Hòa Long (TP.Bà Rịa) ông Nguyễn Huỳnh Kiến là người đầu tiên dám đầu tư, phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC) ở vùng đất trũng bỏ hoang, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp gia đình ông ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.

Sáng ngày 23/10/2012, Trạm Khuyến nông Cần Giờ thuộc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM tổ chức hội thảo đầu bờ “Mô hình nuôi cua thương phẩm bằng giống nhân tạo” tại Ấp An Phước, xã Tam Thôn Hiệp, TP. HCM.

Nhằm giúp nông dân vùng sâu, vùng xa cải thiện đời sống, thoát nghèo, Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Tuy Phong triển khai mô hình nuôi gà tàu vàng cho bà con ở xã Phong Phú.