Nhân Rộng Mô Hình Dùng Chế Phẩm Sinh Học Biovac Và Rơm Rạ Để Sản Xuất Phân Hữu Cơ

Cán bộ Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh hướng dẫn các hộ dân ở xã Đông Văn (Đông Sơn) dùng chế phẩm sinh học biovac và rơm, rạ để sản xuất phân hữu cơ.
Thời gian gần đây, về một số làng quê trong tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi thấy bà con nông dân đang sử dụng rơm rạ thành phân hữu cơ, điều này không những giúp tận dụng được nguồn phế phẩm, bảo vệ môi trường mà còn giúp họ tiết kiệm được chi phí sản xuất, nâng cao giá trị trong nông nghiệp.
Về xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, nơi đang nổi lên phong trào dùng chế phẩm sinh học để tự sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ, chúng tôi được những hộ dân có nhiều kinh nghiệm cho biết: Quy trình để sản xuất 1 tấn phân hữu cơ từ chế phẩm sinh học và rơm rạ khá đơn giản, trước hết cần chuẩn bị 1, 2 tấn rơm rạ (tương đương với 4 sào lúa), 200 kg phân trâu bò tươi hoặc 200 lít nước thải từ hầm biogas, 15 kg phân lân nung chảy, 0,5 kg chế phẩm sinh học biovac và 0,5 lít chất xúc tác sinh học bicat.
Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu, tiến hành theo 3 bước, bước 1 là phối trộn khô, đem rơm rạ khô chặt khúc khoảng 10 - 15 cm rồi đem trộn khô với lân nung chảy và chế phẩm sinh học biovac; bước 2 là phối trộn ướt, hòa 0,5 lít chất xúc tác bicat với 50 - 100 lít nước thải hầm biogas hoặc nước phân trâu bò tươi, sau đó vừa tưới vừa đảo đều lên nguyên liệu khô đã được trộn sẵn ở bước 1.
Sau khi đã phối trộn ướt, bà con nông dân thực hiện bước 3, đem toàn bộ khối lượng nguyên liệu nén chặt, phủ ngoài bằng đất bùn hoặc rơm rạ, cứ 15 - 20 ngày đảo đống ủ 1 lần, sau 50 - 60 ngày ủ sẽ cho ra sản phẩm phân hữu cơ vi sinh. Dùng phân này để bón cho lúa hoặc các cây trồng khác đều giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, đặc biệt hạn chế được bệnh vàng lá sinh lý cho lúa, tăng khả năng chống đổ tốt.
Do hiệu quả, quy trình thực hiện đơn giản, lại ít tốn kém, nên trong vụ xuân 2013, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Sơn đã phối hợp với Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh hỗ trợ công nghệ và chế phẩm sinh học cho các hộ dân xã Đông Văn, Đông Tiến, huyện Đông Sơn để sản xuất phân bón hữu cơ làm từ rơm rạ.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Mai, xã Đông Văn, huyện Đông Sơn thì việc dùng chế phẩm sinh học để sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ đem lại cho bà con nông dân nhiều lợi ích. Trước đây, lượng rơm rạ sau khi thu hoạch xong đều được người dân đốt bỏ, sau khi được cán bộ phụ nữ huyện và Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh phổ biến, bà con nông dân đã biết tận dụng lượng phế phẩm từ nông nghiệp để tự chế ra phân hữu cơ, giúp giảm khá nhiều chi phí mua phân về bón cho cây trồng.
Ngoài việc tận dụng được phế phẩm nông nghiệp thì việc dùng chế phẩm sinh học biovac để sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ còn đem lại lợi ích về kinh tế. Theo tính toán của các hộ dân, hiện nay giá bán các loại phân hữu cơ vi sinh học trên thị trường khoảng 2 triệu đến 3,5 triệu đồng 1 tấn, nhưng dùng chế phẩm sinh học bivac và rơm rạ để sản xuất 1 tấn phân hữu cơ thì chỉ mất khoảng 600.000 đến 650.000 đồng, giảm từ 4 đến 6 lần so với các loại phân thông thường.
Không những đem lại lợi ích về kinh tế, việc dùng chế phẩm sinh học và rơm rạ để sản xuất phân hữu cơ còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường do thói quen đốt rơm rạ ở nhiều vùng quê, giảm tình trạng tắc nghẽn dòng chảy của các công trình thủy lợi do rơm rạ gây nên. Việc sản xuất và sử dụng phân hữu cơ còn giúp đất tơi xốp, trả lại độ phì nhiêu cho đất canh tác.
Từ hiệu quả dùng chế phẩm sinh học và rơm rạ để sản xuất phân hữu cơ, cần được nhân rộng ra nhiều địa phương nhằm hướng đến nền kinh tế xanh trong nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm

Từ năm 2011 đến nay, các ngành chức năng thị xã La Gi và UBND các xã đã lập biên bản, xử lý 93 trường hợp đào ao nuôi tôm trái phép trên 23 ha đất tại các xã Tân Phước, Tân Bình, Tân Tiến, Tân Hải, với tổng số tiền phạt 937,7 triệu đồng, trong đó UBND tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định xử phạt 10 trường hợp, UBND thị xã La Gi ra quyết định xử phạt 23 trường hợp, UBND các xã ra quyết định xử phạt 60 trường hợp.

Tóm lại, việc ứng dụng BFT trong nuôi thâm canh cá rô phi thương phẩm đã đạt kết quả rõ rệt, thể hiện qua việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của cá nuôi, năng suất nuôi đạt cao, hiệu quả sử dụng thức ăn được cải thiện, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhóm nghiên cứu, mô hình này phù hợp với những cơ sở nuôi có khả năng đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ.

Chiều 30-12, UBND TX Quảng Yên phối hợp với Công ty CP nuôi trồng thủy sản công nghiệp Tân An, tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình nuôi thử nghiệm hàu cửa sông thương phẩm tại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung Đông Yên Hưng- TX Quảng Yên (Quảng Ninh).

Ngày 8/8/2014, 9 con cá ngừ đại dương của ngư dân tỉnh Bình Định được vận chuyển bằng đường hàng không đã chào bán tại Trung tâm đấu giá hải sản Nhật Bản. Kết quả thật bất ngờ, phần lớn cá ngừ được người Nhật mua với giá 1.200 Yên, tương đương 220.000 đồng/kg. Có con bán với giá 420.000 đồng/kg và duy nhất một con cá bán với giá thấp khoảng 250 Yên, tức chỉ 50.000 đồng/kg.

Trước tiên, hãy xem xét các điều kiện hạ tầng phục vụ có bảo đảm cho việc nuôi tôm, nhất là khi muốn nuôi tôm công nghiệp (NTCN) như: nguồn nước, đường điện, giao thông thuỷ bộ, đồng vốn, kiến thức quản lý và khả năng nắm bắt thông tin về thị trường vật tư, tình hình dịch bệnh…