Nhân Rộng Mô Hình Chăn Nuôi Gia Cầm An Toàn

Nhờ áp dụng tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tổng hợp quy mô xã nên đàn gia cầm ở xã Liên Sơn, huyện Tân Yên (Bắc Giang) luôn được bảo vệ an toàn.
Phong trào chăn nuôi gia cầm ở xã Liên Sơn phát triển mạnh nhiều năm nay với tổng đàn thường xuyên hơn 100 nghìn con. Thế nhưng, trước đây nhiều hộ chưa chú trọng áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.
Trước thực tế này, tháng 5-2013, bằng nguồn kinh phí của Trung ương hỗ trợ, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh xây dựng mô hình "Phòng chống dịch bệnh cho gia cầm quy mô xã” tại Liên Sơn. Khác với nhiều mô hình trước đây chỉ triển khai ở 1-2 thôn với ít hộ tham gia, mô hình lần này thực hiện đồng loạt ở nhiều thôn trong xã.
Để mô hình đạt hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư phối hợp với UBND xã chọn hộ, chọn điểm. Theo đó, tham gia mô hình có 150 hộ ở 5 thôn: Chấn Sơn, Húng, Đỉnh, Cả và Chung 1, bảo đảm các điều kiện như: có chuồng trại kiên cố, tách biệt với nhà ở, quy mô nuôi từ 300 con gà thương phẩm trở lên. Đồng thời tổ chức 4 lớp hướng dẫn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học cho bà con. Các hộ được hỗ trợ giá vắc-xin, thuốc kháng sinh tổng hợp, thuốc diệt ký sinh trùng, vôi bột, thuốc sát trùng để vệ sinh chuồng trại; cấp miễn phí 1 quyển nhật ký ghi chép, 1 biểu thông tin về quy trình chăn nuôi an toàn sinh học treo trước cửa chuồng để thuận tiện áp dụng. Ngoài ra, Trung tâm cử 1 cán bộ chuyên môn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho bà con theo hướng "cầm tay, chỉ việc”.
Ông Hoàng Văn Giang, thôn Chấn Sơn cho biết: "Gia đình tôi nuôi khoảng 2 nghìn con gà/lứa. Do được cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật chọn giống, nuôi dưỡng và phòng bệnh nên đàn gà phát triển tốt. Vừa qua, tôi xuất chuồng lứa gà thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Năm tới, tôi tăng đàn lên 2,5-3 nghìn con/lứa”.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch UBND xã thì mô hình phòng, chống dịch bệnh tổng hợp cho gia cầm quy mô xã đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với phương pháp nuôi truyền thống. Đàn gia cầm của tất cả các hộ tham gia mô hình đều lớn nhanh, không bị dịch bệnh, tỷ lệ sống đạt 98%. Sau 4-5 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng 2,2-2,5 kg/con. Đặc biệt, thông qua mô hình này người dân nắm chắc quy trình chăn nuôi an toàn sinh học áp dụng vào sản xuất, tăng thu nhập và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 12/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Phân bón VN phối hợp với Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội thảo quốc gia “Thực trạng thị trường phân bón Việt Nam và thế giới, định hướng tái cơ cấu hệ thống SX kinh doanh phân bón”.

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh nông dân bị mất mùa lúa năm 2015 do sâu đục thân, xảy ra ở địa bàn huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Sau 18 tháng triển khai dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, tỉnh Bến Tre đã thực hiện được 2.380/3.600 công trình khí sinh học (biogas) loại từ 50 m3 trở xuống.

Với khát vọng “nâng tầm tôm Việt” nhằm nâng cao vị thế ngành tôm Việt Nam trên thị trường thế giới, Tập đoàn Việt Úc đã nghiên cứu, ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao, siêu năng suất.

Cuối tháng 10 này, mẻ lúa J02 đầu tiên trồng tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngược tàu ra Bắc báo hiệu một xu hướng mới "Nam sản, Bắc tiêu" cho hạt gạo Nhật.