Nhãn Lồng Ông Kháy

Chúng tôi đến thăm vườn nhãn lồng của gia đình ông Hứa Văn Kháy ở thôn Chùa, xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đúng lúc ông đang thu hoạch.
Xởi lởi tiếp khách tại khu vườn rộng hơn 0,7 ha, có 200 cây nhãn lồng sai trĩu quả ông Kháy nhanh tay bẻ những chùm nhãn chín mọng, quả to tròn, tỏa mùi hương thơm nức mời mọi người thưởng thức. “Hai hôm trước, tôi hái đợt đầu được gần 1,5 tấn, bán tại vườn với giá 24 nghìn đồng/kg, thu 35 triệu đồng. Năm nay, gia đình ước thu được 8 tấn quả, tăng 3 tấn so với năm 2012”.
Vườn nhãn nhà ông Kháy ra quả chùm rất sai, có chùm nặng đến 4 kg. Đây là giống nhãn chín sớm, quả to đều, hạt nhỏ, cùi dầy ăn ngọt và có hương thơm đậm đà nên được khách hàng ưa chuộng. Vì thế đã 5 - 6 năm gần đây, cứ đến vụ thu hoạch là có người đến tận vườn đặt giá thu mua nên gia đình ông không phải chở đi bán.
Nhiều người đến tham quan vườn nhãn, cán bộ Viện nghiên cứu Rau quả trung ương cũng đến tìm hiểu và xin giống về nghiên cứu… Còn người dân địa phương thì quen gọi là nhãn lồng ông Kháy.
Được biết, năm 1975, tình cờ ông Kháy mua chùm nhãn ở chợ Chũ về ăn rồi lấy hạt trồng ngay gần cổng nhà với mục đích lấy bóng mát. Sau này thấy quả ăn ngày càng ngon nên năm 1993, ông Kháy đã chiết cành và nhân rộng ra thành vườn nhãn 200 cây.
Không những vậy, mỗi năm ông Kháy còn chiết và bán từ 800 đến hơn 1.000 cành nhãn giống (giá 30 nghìn đồng/cành) mà vẫn không có đủ để cung cấp theo nhu cầu của người trồng trong và ngoài huyện.
Là tiểu thương đã thu mua nhãn lồng của ông Kháy từ nhiều vụ để đưa đi tiêu thụ, chị Vi Thị Thủy ở xã Phì Điền (Lục Ngạn) chia sẻ: “Giống nhãn chín sớm, cùi dầy, ăn ngọt và có hương thơm đậm đà này rất được người dân ở Hà Nội và Quảng Ninh ưa chuộng.
Vào đầu vụ, giá bán lẻ tại Quảng Ninh có thể đạt từ 50 – 70 nghìn đồng/kg. Hiện chúng tôi đã đặt cọc mua cả vườn nhãn nhà ông Kháy theo giá thị trường, mỗi đợt thu mua một xe ô tô từ 1 - 1,5 tấn quả”.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiên Thành cho biết, hiện xã có hơn 70 ha nhãn, trong đó có khoảng 20 ha được bà con nhân từ giống nhãn nhà ông Kháy đã cho thu hoạch và được thị trường rất ưa chuộng. Hội Nông dân xã đang tích cực chỉ đạo hội viên tiếp tục chuyển đổi diện tích vải thiều kém chất lượng, nhất là ở những nơi gần bờ suối để mở rộng diện tích trồng nhãn.
Cây nhãn lồng từ lâu đã được xác định là cây ăn quả chủ lực sau vải thiều nên xã Kiên Thành phấn đấu mở rộng diện tích đạt từ 100 - 150 ha nhãn vào năm 2015.
Có thể bạn quan tâm

Sau 10 năm vất vả làm ăn, trồng đủ loại cây mà kinh tế gia đình vẫn khó khăn. Anh khăn gói vào Nam làm ăn và tìm hiểu những kinh nghiệm trồng cây TLRĐ ở tỉnh Tiền Giang. Năm 2009, anh trở về và đầu tư gần 150 triệu đồng làm đường, đưa các cột bê tông lên khu vườn, kéo điện, đường nước bắt đầu trồng thử nghiệm cây TLRĐ.

Có thể kể thêm câu chuyện tương tự với thịt gà nhập khẩu, cho dù sản phẩm gia cầm nhập khẩu ít được bàn tán hơn. Và vế còn lại là câu chuyện thịt heo, được dự báo sẽ diễn ra tương tự với thịt bò và thịt gà, khi mà châu Âu đang có những bước chuẩn bị tích cực để thâm nhập thị trường Việt Nam.

Chuối mô là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm chuối mô cho thu hoạch một lần. Năng suất trồng chuối trên địa bàn xã Bản Cầm đạt 30 – 32 tấn/ha. Hiện, chuối mô trên địa bàn xã chủ yếu được tư thương Trung Quốc thu mua, tổng giá trị thu về hơn 21 tỷ đồng.

Các chính sách tín dụng của Nhà nước để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi là tam nông) đã thật sự là “dòng chảy trong lành”, tưới mát và làm khởi sắc những vùng quê.

Sau khi Báo Cao Bằng đăng tải bài viết ra ngày 9/7/2014 “Nhiều diện tích ngô ra bắp nhưng không có hạt” tại tổ 10 phường Hòa Chung (Thành phố), chúng tôi tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân vì sao có tình trạng giống ngô NK 4300 xảy ra hiện tượng cây ra nhiều bắp nhưng không có hạt hoặc kết hạt kém...