Nhân Giống Lúa, Lợi Nhuận Gấp Đôi Ở An Giang

Nông dân Trần Thái Hưng (tư Hưng, ấp Mỹ Thành, xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là người đã thành công với mô hình nhân lúa giống xác nhận 1 và thu lợi nhuận gấp đôi so với việc sản xuất lúa hàng hóa.
Tư Hưng nói đã làm mô hình nhân lúa giống 8 năm (trên 20 vụ) nhưng hiệu quả kinh tế cao nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây, kể từ khi tham gia “Dự án hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân làm mùa” do Công ty CP SX-TM-DV Ngọc Tùng triển khai tại địa phương. Vụ thu đông này, tư Hưng làm 8 héc-ta, gồm ba bộ giống OM 4218, OM 4900 và IR 50404. Năng suất giống IR đạt 6,4 tấn và giống OM đạt 6,3 tấn/héc-ta.
Hiện thời, thương lái mua lúa tươi từ 5.300 - 5.400 đồng/kg và lúa khô từ 6.300 – 6.400 đồng/kg, nhưng giống xác nhận 1 của tư Hưng cung ứng cho cộng đồng được 7.500 đồng/kg, cao hơn giá lúa hàng hóa 1.200 đồng/kg. Tổ nhân giống lúa ấp Mỹ Thành có 20 thành viên với trên 20 héc-ta chuyên nhân giống (ba bộ giống chủ lực là OM 4218, OM 4900 và IR 50404) với sản lượng khoảng 120 tấn lúa/vụ, chủ yếu cung ứng trong cộng đồng. Trong số 20 thành viên nhân giống, tư Hưng có diện tích lớn nhất nên giữ vai trò chủ lực, ông mạnh dạn đầu tư máy cày, máy suốt, lò sấy, kho bảo quản…
Tư Hưng giải thích nguyên nhân lúa giống do mình sản xuất bán chạy (địa bàn huyện Thoại Sơn và Châu Thành, một phần bán cho nông dân vùng sản xuất ở tỉnh Kiên Giang) là chất lượng giống đạt độ thuần, tỷ lệ nảy mầm cao. Tuy nhiên, giá bán thấp hơn so với các công ty chuyên sản xuất lúa giống từ 3.500 – 4.500 đồng/kg, do mình chưa xây dựng thương hiệu, không xử lý bằng máy tách hạt, giá thành sản xuất thấp nên bán giá “mềm” cho bà con dễ sử dụng.
Cách làm của tư Hưng là mua giống nguyên chủng của Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống Bình Đức (Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang) về kéo hàng 120 kg/héc-ta). Khử lẫn trước và sau khi lúa trổ bông, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, sấy khô theo tiêu chuẩn làm giống và vô kho bảo quản. Nguồn giống sản xuất vụ thu đông 2012 nhưng có thể dự trữ sản xuất vụ hè thu 2013. Tư Hưng khuyến cáo nông dân khi mua giống của mình, phải xử lý bỏ hạt lừng (không no gạo) trước khi ngâm và ủ giống gieo sạ, hạt chắc có độ nẩy mầm cao, cây phát triển khỏe mạnh.
Tư Hưng nhẩm tính đã tham gia dự án của Công ty CP SX – TM - DV Ngọc Tùng được 5 vụ lúa. Chi phí sản xuất vụ thu đông, bao gồm: Giống lúa nguyên chủng, làm đất, gieo sạ, phân, thuốc, công phun xịt, bơm nước, cắt, sấy… khoảng 25 - 26 triệu đồng/héc-ta. Năng suất 6,3 - 6,4 tấn/héc-ta, giá bán 7.500 đồng/kg, trừ các khoản chi phí sản xuất, lợi nhuận trên 30 triệu đồng/héc-ta, cao hơn gấp đôi so với bà con nông dân cùng địa phương sản xuất lúa thịt. Theo tư Hưng, lợi nhuận cao là nhờ hiệu quả sản xuất mà dự án đã hỗ trợ nông dân.
Chẳng hạn, các loại phân hỗn hợp UDP giúp lúa cứng cây, không đổ ngã, chất lượng đảm bảo nên cây lúa phát triển tốt; các sản phẩm nông dược cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của các kỹ sư phụ trách dự án đã góp phần xử lý tốt dịch bệnh. Ông tâm đắc, hàng tuần đều được kỹ sư thăm đồng và tư vấn kỹ thuật chăm sóc lúa, bón phân, phun xịt thuốc xử lý dịch hại lúc cần thiết. Nhờ vậy, đã giảm đáng kể số lần phun xịt thuốc phòng ngừa bệnh, giảm chi phí sản xuất, năng suất tăng thêm 300 - 400 kg/héc-ta.
Qua 5 vụ lúa tham gia dự án, tư Hưng rút ra kinh nghiệm: “Nhất giống, nhì phân, tam cần…”. Theo ông, cái “cần” ở đây không phải cần cù mà cần kỹ thuật, bởi nó quyết định sự thành bại trong sản xuất. Ông dẫn chứng một cách ví von, người bệnh cần có bác sĩ giỏi mới chẩn đoán đúng bệnh và kê toa đúng thuốc uống mới lành. Ruộng lúa bị dịch hại cũng vậy, phải cần có kỹ sư tư vấn, hướng dẫn phun xịt đúng cách, đúng thuốc và đúng liều lượng…
Có thể bạn quan tâm

Cuối tháng 10-2012, thực hiện chuyển giao mô hình sản xuất cấp huyện, Hội Nông dân huyện Ninh Sơn ký kết hợp đồng kinh tế với ông Cao Ngọc Sinh Yên (Phan Rang – Tháp Chàm) triển khai thí điểm mô hình trồng hoa lan (loại Dendro) tại khu phố 6, thị trấn Tân Sơn. Sau gần 7 tháng thực hiện, mô hình đã mang lại nhiều tín hiệu vui cho người trồng.

Ngày 21/6, UBND huyện Bảo Lâm phối hợp với Công ty TNHH Sygenta Việt Nam tổ chức hội thảo đầu bờ giới thiệu mô hình trình diễn giống ngô lai F1 NK 54.

Sản xuất tôm giống, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng giống đang phát triển mạnh tại tỉnh ta. Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) tỉnh khẳng định: Là nơi tạo ra con giống chất lượng cao, Ninh Thuận vẫn đứng vị trí số 1 trong nước về sản xuất tôm giống. Điều đó có thể thấy rõ khi các chủ trang trại nuôi tôm phía Nam đang có xu hướng đến Ninh Thuận tìm mua hoặc đầu tư nuôi giống.

Ngày 4-10, UBND huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) kết hợp Sở Công thương tổ chức triển khai chương trình bao tiêu thanh long hữu cơ giữa Công ty cổ phần Nông nghiệp GAP và nông dân 2 xã Mỹ Tịnh An và Quơn Long.

Những năm gần đây, tỉnh Bến Tre đã triển khai nhiều mô hình trồng xen, nuôi xen hiệu quả trong vườn dừa, với việc lựa chọn cây trồng xen, vật nuôi xen thích hợp với đặc điểm tự nhiên của từng vùng trong tỉnh.