Nhà vườn Mỹ Tú phấn khởi vì cam nghịch mùa bán được giá cao

Ông Trần Hoàng Liêm ở ấp Phương An 3, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng có gần 1 ha trồng 650 gốc cam xoàn hơn 3 năm tuổi. Khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, từ tháng 11/2014, ông đã chủ động xử lý cam cho trái nghịch vụ vì bán được giá cao hơn nhiều so với cam mùa thuận;
Theo Ông Liêm bí quyết của cách làm này là phải nắm vững kỹ thuật trong xử lý cho cây ra hoa và đậu trái, trong đó nước và phân là 2 yếu tố quyết định; Hiện mỗi cây cam xoàn của ông Liêm cho khoảng 20 - 25 kg trái, bán được trên 42.000 đ/kg, cao hơn 20.000 đ/kg so với mùa thuận, sau khi trừ chi phí ông còn lời trên 600 triệu đồng/ ha. Ông Hoàng Liêm chia sẻ: “Làm mùa nghịch chi phí đầu tư cao, công chăm sóc nhiều hơn, năng suất không cao như mùa thuận nhưng bán có giá, tính ra lời hơn trồng cam mùa thuận nhiều.”
Huyện Mỹ Tú có trên 1.300 ha trồng cây có múi, tập trung ở các xã Mỹ Hương, Long Hưng nhiều nhất là Hưng Phú với trên 620 ha. Cam chính vụ ở Mỹ Tú thường thu hoạch rộ vào tháng 9 đến tháng 10 âm lịch, nhưng hiện nay trên 70% diện tích nhà vườn đã xử lý cam ra trái nghịch vụ vào khoảng tháng 4 tháng 5 âm lịch; Một trong những nguyên nhân khiến giá cam tăng cao là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu nước cam tươi giải khát ở thị trường rất cao và đang là mùa nghịch nên sản lượng không nhiều.
Riêng ở huyện Mỹ Tú, bệnh vàng lá gân xanh trên cam quýt lây nhiễm trên 145 ha ở xã Hưng Phú và Long Hưng nên năng suất giảm đáng kể. Do khan hiếm về nguồn cung nên thương lái từ các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang chủ động tìm đến tận vườn để mua.
Tuy nhiên để cam cho trái nghịch mùa đạt năng suất và hiệu quả cao, nhà vườn phải biết bón phân, tưới nước sao cho hợp lý. Ông Nguyễn Văn Đầy- trưởng trạm bảo vệ thực vật huyện Mỹ Tú lưu ý: “Đối với cam cho trái nghịch vụ bà con không nên lạm dụng hóa chất làm ảnh hưởng đến cây, làm cho cây kiệt quệ sau khi cây cho trái sẽ không phục hồi được, bà con chỉ nên siết nước và sử dụng 1 số loại phân nhiều kali, nhiều lân để kích thích cây ra hoa chứ không nên sử dụng hóa chất.”
Nhà vườn Mỹ Tú phấn khởi vì các loại trái cây có múi vào mùa nghịch giá tăng cao, cho thu nhập cao hơn 4 - 5 lần so với trồng lúa, vì thế diện tích cây có múi ở Mỹ Tú đang phát triển mạnh ; Tuy nhiên bà con cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và các khuyến cáo của ngành chuyên môn về việc xử lý ra hoa để vườn cây phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn giao thông trên biển và tạo không gian thông thoáng cho các môn thể thao dưới nước, năm 2014 UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục cấm các hoạt động bẫy bắt tôm hùm con trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 9.

Không được học hành qua trường lớp nào nhưng ông Nguyễn Trí Công nổi tiếng là người đi đầu trong áp dụng công nghệ thông tin và du nhập tiến bộ khoa học kỹ thuật của nước ngoài vào nghề chăn nuôi heo. Ông Công cũng là Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai.

Trước thông tin cá tra Việt Nam tạm ngừng xuất khẩu vào Liên bang Nga vì lý do không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, hiện có đến 400 xí nghiệp của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu cá tra vào những thị trường khó tính và đòi hỏi chất lượng cao.

Đến giai đoạn này, lúa không phải là cây trồng độc tôn nữa. Chỗ nào trồng lúa tốt thì cứ trồng. Còn chỗ nào trồng lúa không tốt hoặc trồng lúa mà bán không được giá thì ta được phép chuyển đổi. Nhiều nơi đã đưa cây ăn quả vào.

Khoảng hơn 1 tháng nay, trong khi gà tiêu thụ chậm do người dân sợ dịch cúm gia cầm, thì lượng thịt lợn bán ra lại tăng đáng kể.