Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhà vườn cây giống vào mùa

Nhà vườn cây giống vào mùa
Ngày đăng: 13/06/2015

Khởi động kém vui

Là một trong những hộ đầu tiên “bén duyên” với nghề ươm cây giống tại khu vực tổ 9 (phường Yên Thế, TP. Pleiku), chị Thơm đã tròn 20 năm gắn bó với nghề này. Trại cây giống của chị trở thành địa chỉ uy tín của nhiều nhà vườn ở Chư Pah, Ia Grai, tỉnh bạn Kon Tum, nhiều công ty sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

“Mấy năm nay, trại giống mọc lên nhiều quá, cung vượt cầu nên giá giảm, trong khi giá hạt, cây giống đầu vào và công cán, phân bón, nguyên phụ liệu đều tăng. Người ươm cây giống năm nay lời lãi chẳng là bao”-chị Thơm cho biết.

Theo chị, thời tiết khô hạn khiến một số khu vực phải loay hoay tìm nước tưới nhưng bù lại, cây non sinh trưởng và phát triển tốt. Chỉ có điều, nhiều hộ đổ xô đi ươm cây hồ tiêu giống đã đẩy giá hom tiêu lên cao, năm trước chỉ 10-15 ngàn đồng/kg thì vụ vừa rồi, giá hom tiêu tăng lên tới 40-45 ngàn đồng/kg. Chất lượng hom tiêu giống không cao, nhiều người ham lợi cắt cả dây non bán khiến tiêu giống đem về ươm bị chết hoặc phát triển yếu ớt… “Nhà tôi chủ động sớm vì mối quen bao năm nay nên không mua phải dây hom tiêu non. Năm nay, tôi ươm 15 vạn hom tiêu, 3 vạn cây cà phê, hầu hết khách đến đặt hàng từ đầu vụ”-chị Thơm chia sẻ.

Nhìn chung, giá các loại cây giống năm nay đều giảm. Giá tiêu giống bán tại các trại giống dao động trong khoảng 3 ngàn đồng/dây đơn và 5-6 ngàn đồng/dây đôi (năm ngoái 5-10 ngàn đồng/dây đơn hoặc đôi); giá cây cà phê giống 2-3 ngàn đồng/cây trồng 1 năm và 7-10 ngàn đồng/cây trồng 2 năm (năm ngoái 15-20 ngàn đồng tương ứng loại 1 và 2 năm)…

Cũng theo chị Thơm, nhu cầu của người trồng cà phê cũng đang dần có sự đổi chiều. Vài năm trước, người trồng thích mua cà phê giống 2 năm để rút ngắn giai đoạn kiến thiết cơ bản, nhanh cho thu hoạch thì năm nay, họ lại quay trở về tìm cây giống ươm 1 năm vì họ ngại bộ rễ cây giống 2 năm hạn chế, chậm phát triển. Giá các loại cây ăn trái như sầu riêng, mít, bơ… cũng giảm đáng kể do sự cạnh tranh giữa các trại giống. “Cây ăn trái hầu hết được nhập về từ Bến Tre, Buôn Ma Thuột. Nhìn chung giá cây giống này giảm khoảng 20-30% dù chi phí vận chuyển tăng do quy định kiểm soát tải trọng xe; dao động khoảng 25-60 ngàn đồng/cây giống, trong đó cây bơ Booth được tìm mua nhiều nhất”-chị Thơm nói.

Với những vườm ươm quy mô nhỏ hơn và ươm các loại cây trồng có kỹ thuật ươm đơn giản như bời lời, bạch đàn… tình hình cũng không khả quan hơn. “Tôi ươm hơn 11 vạn bời lời, chi phí đầu tư hơn 20 triệu đồng và công làm đất, chăm bón từ tháng 9 năm ngoái tới nay mà bán có 450-500 đồng/cây loại I, lãi không bao nhiêu”-anh Nguyễn Tăng Thống (tổ 9, phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho biết.

Còn nhiều bất cập

Không thể phủ nhận, các vườn ươm cây giống trên địa bàn tỉnh đã cung cấp cho thị trường Gia Lai và các tỉnh lân cận hàng triệu cây giống mỗi năm. Nhờ đó, hàng ngàn hộ dân, không loại trừ người làm nghề ươm cây giống có thu nhập và thậm chí làm giàu. Có cầu ắt có cung, tuy nhiên, công tác quản lý đối với lĩnh vực này vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Ông Võ Mạnh Hùng-Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, cho rằng: Hiện tại để đưa ra con số chính xác có bao nhiêu cơ sở ươm cây giống trên địa bàn tỉnh là rất khó. Chúng tôi bắt đầu triển khai rà soát các cơ sở sản xuất trong lĩnh vực này để có cơ sở quản lý cũng như chuyên môn.

Theo tìm hiểu của P.V, một số địa phương trọng điểm về sản xuất cây giống thì số lượng cơ sở được cấp phép đăng ký kinh doanh vẫn còn rất khiêm tốn so với thực tế: Chư Pah (trên 20 đơn vị), Chư Sê (12 đơn vị)… Riêng quản lý chất lượng giống cây trồng thì vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hậu quả không ai khác sẽ chính là người mua.

Nhiều hộ dân làm nghề ươm cây giống đều e ngại khi nhắc đến thủ tục pháp lý liên quan đến lĩnh vực mình đang sản xuất. Có rất nhiều lý do được họ đưa ra, như: do sản xuất nhỏ lẻ, thuế, thủ tục rườm rà, mất thời gian… Tuy nhiên, nếu tự phát và thả nổi như hiện nay thì kiểm soát như thế nào trong khi sản xuất cây giống là khâu không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

Ngăn Chặn Virus Cúm Gia Cầm Xâm Nhập Vào Việt Nam Ngăn Chặn Virus Cúm Gia Cầm Xâm Nhập Vào Việt Nam

Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), nguy cơ những chủng virus cúm hiện đang xuất hiện tại Trung Quốc, xâm nhập vào Việt Nam qua các hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới trong thời gian tới là rất cao.

23/01/2014
Giá Hồ Tiêu Vẫn Cao Giá Hồ Tiêu Vẫn Cao

Hiện Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới với sản lượng chiếm 50% thị trường. Giá hồ tiêu xuất khẩu năm 2013 bình quân là 7 ngàn USD/tấn. Năm 2014, giá hồ tiêu có thể sẽ tăng nhẹ so với năm 2013.

23/01/2014
Thị Trường Tiêu Thụ Nấm Rơm Chưa Ổn Định Thị Trường Tiêu Thụ Nấm Rơm Chưa Ổn Định

Vụ nấm rơm đông xuân năm nay, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) xuống giống hơn 35ha, tập trung ở các xã ven sông Hậu như: Tân Thành, Vĩnh Thới, Tân Hòa, Định Hòa... Trong đó, xã Tân Hòa là nơi có diện tích trồng nhiều nhất, nông dân ở đây trồng nấm rơm quanh năm.

23/01/2014
Nhân Rộng Mô Hình Làm Giàu Từ Cây Ăn Quả Giá Trị Cao Nhân Rộng Mô Hình Làm Giàu Từ Cây Ăn Quả Giá Trị Cao

Xác định Đề án phát triển cây ăn quả giá trị cao của TP là hướng đi quan trọng góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các mô hình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng, tương xứng với tiềm năng của ngành nông nghiệp Thủ đô Hà Nội.

23/01/2014
Bưởi Tết Bưởi Tết "Sốt" Giá

Giá bưởi tết hiện đang ở mức cao kỷ lục. Đứng ở mức cao nhất là bưởi Tân Triều (Đồng Nai) với bưởi đường da xanh ruột hồng có giá 1,1-1,2 triệu đồng/chục; bưởi đường lá cam loại 1 có giá từ 800 - 900 ngàn đồng/chục; tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

23/01/2014