Nhà Khoa Học Muốn Thu Tiền Bản Quyền Thanh Long

Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) muốn thu tiền bản quyền đối với giống thanh long ruột tím, một sản phẩm của quá trình nghiên cứu, lai tạo của viện này, khi đưa ra thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng SOFRI, cho biết thông tin trên bên lề sự kiện công bố dự án nông nghiệp trị giá 4 triệu đô la Mỹ do Chính phủ New Zealand hỗ trợ diễn ra ngày 7-8 ở TPHCM.
Ông Châu cho biết, một trong hai hoạt động hợp tác chính trong khuôn khổ dự án là SOFRI sẽ cùng với Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand phát triển và thương mại hóa giống thanh long ruột tím mà SOFRI đã mất 10 năm nghiên cứu nhưng chưa đưa được ra thị trường.
Theo ông, đối tác sẽ giúp thương mại hóa giống thanh long này, sau đó trả tiền sử dụng giống, giúp nâng cấp giống đã có và hợp tác tạo ra giống mới.
“Phí bản quyền” theo ông Châu sẽ chiếm khoảng 2% đến 5% tổng doanh thu xuất khẩu tùy theo nhu cầu sản phẩm.
“Sau giống thanh long ruột đỏ nghiên cứu thành công năm 2005, thanh long ruột tím là sản phẩm gần đây nhưng chúng tôi gặp nhiều khó khăn với việc đưa sản phẩm ra thị trường vì không có vốn, không có kinh nghiệm xuất khẩu. Chúng tôi muốn làm theo các mô hình quốc tế, tức là viện làm ra giống, giao giống cho một công ty tổ chức sản xuất, đóng gói, xuất khẩu rồi họ sẽ trả bản quyền, tiền nghiên cứu cho viện”, ông nói.
Ông Châu cho biết SOFRI đã liên hệ nhiều doanh nghiệp thanh long ở Việt Nam nhưng thất bại.
Ông cũng tiết lộ, theo thỏa thuận với đối tác New Zealand thì thanh long ruột tím do doanh nghiệp New Zealand xuất khẩu sang thị trường nào thì doanh nghiệp Việt Nam “đến sau” sẽ không được bán vào thị trường đó.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, một trong những doanh nghiệp thanh long lớn nhất nước, cho biết rất khó phân biệt thanh long ruột tím với thanh long ruột đỏ đã ra thị trường rất lâu trước đó. Bên cạnh màu sắc là pha trộn giữa thanh long ruột trắng và ruột đỏ, thanh long ruột tím chỉ có khác biệt là ráo nước hơn ở lát cắt, khi ăn có cảm giác dai hơn...
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Toàn quyền New Zealand, Trung tướng Jerry Mateparae từ ngày 3 đến 8-8, Chính phủ nước này đã công bố một dự án hỗ trợ nông nghiệp tại tỉnh Tiền Giang, Việt Nam.
Theo thông cáo báo chí của Đại sứ quán New Zealand, được tài trợ thông qua Chương trình viện trợ New Zealand, dự án trị giá 4 triệu đô la Mỹ này sẽ được thực hiện trong năm năm tới. Dự án sẽ do Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) và Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch phối hợp thực hiện. Mục tiêu chính của dự án là nhằm cung cấp một mô hình mẫu cho các hoạt động chọn tạo và thương mại hóa các giống trái cây tại Việt Nam.
Dự án sẽ sử dụng các công nghệ và kinh nghiệm của Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand trong việc phát triển và thương mại hóa các giống trái cây giá trị cao bao gồm trái kiwi Zespri, trái kiwi vàng, và táo Jazz.
Dự án sẽ tạo ra một giống thanh long mới và xây dựng mô hình sản xuất, sau thu hoạch và thương mại hóa hiệu quả nhất nhằm tăng thu nhập cho nông dân cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào quá trình sau thu hoạch và thương mại hóa.
Có thể bạn quan tâm

Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh mới gieo trồng được 10.419 ha/31.594 ha các loại cây trồng vụ thu đông, đạt 33% so với kế hoạch đề ra.

Theo ông Trung, để giúp nông dân canh tác đúng quy trình kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, nhất là thị trường khó tính như Mỹ, Cục Bảo vệ thực vật tập trung hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương, nông dân ở các vùng chuyên canh trồng vải và nhãn về chăm sóc và kỹ thuật.

Trạm Thú y thành phố còn cấp phát thuốc Benkocid cho lực lượng thú y cơ sở tiến hành phun thuốc tiêu độc sát trùng, vệ sinh chuồng trại, khu vực giết mổ... Từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố không có ổ dịch cúm gia cầm xảy ra.

Những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, trong đó có hỗ trợ về nhu cầu máy nông nghiệp. Tuy nhiên, tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh, sản phẩm trên thị trường máy nông nghiệp vẫn chủ yếu là hàng Trung Quốc, một phần máy của Nhật Bản, Hàn Quốc, sản phẩm “made in Vietnam” chỉ chiếm 15-20% thị phần.

UBND tỉnh vừa có có văn bản giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện/thành phố/thị xã khẩn trương triển khai theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đối phó với ảnh hưởng của El Nino.