Nguyễn Phúc Lợi Làm Kinh Tế Giỏi

Thôn Ánh Mai 3 (xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc) được nhiều người quen gọi là “Xóm Ao”. Bởi tại đây có rất nhiều nông hộ đang triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình thả cá kết hợp chăn nuôi, với khoảng 10ha diện tích ao hồ. Trong số đó có anh Nguyễn Phúc Lợi.
Sinh năm 1967 ở Hà Tây, vào lập nghiệp trên đất Lâm Đồng từ năm 1997, đến năm 2007, anh Nguyễn Phúc Lợi chọn Bảo Lộc làm nơi định cư, lập nghiệp, cùng quyết tâm lao động thoát nghèo để vươn lên làm giàu.
Là người đã có ít nhiều kinh nghiệm trong nghề chăn nuôi, thả cá, anh Lợi tìm hiểu điều kiện nguồn nước, khí hậu, môi trường để vào đời theo cách riêng của mình. Anh Nguyễn Phúc Lợi chọn thôn Ánh Mai 3 để lập trang trại thả cá kết hợp chăn nuôi có quy mô 7ha.
Trong đó, anh sử dụng 4,5ha với 21 ao hồ sử dụng nuôi cá; diện tích còn lại, anh xây dựng chuồng trại nuôi heo giống và heo thịt. Anh Lợi chia sẻ: “Với điều kiện thuận lợi như hiện nay, sản phẩm cung không đủ cầu và có nhiều thương lái đặt hàng thường xuyên, tôi dự định mở thêm 1 mô hình vườn - ao - chuồng với diện tích 2ha”.
Đất ở khu vực này có độ pH thấp, thuận lợi cho cá nước ngọt phát triển. Các loại cá anh Lợi nuôi đang phát triển khá tốt, với nhiều loại đang bán rất chạy trên thị trường, như rô phi đơn tính, cá trê, cá chép...
Với uy tín đã được gây dựng trong nhiều năm chăn nuôi, khách hàng đến với trang trại của anh Lợi hoàn toàn yên tâm về giá cả, chất lượng. Vì vậy, khách hàng đến giao dịch mua bán mỗi ngày một đông hơn. Hiện nay, cá của anh không những có mặt tại thị trường Bảo Lộc mà còn xuất bán ra cả thị trường Di Linh, Đà Lạt, Đăk Nông.
Anh K’Huân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Châu, cho biết: “Anh là người chịu khó học hỏi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật và đã sớm thành công với mô hình nuôi cá kết hợp chăn nuôi heo. Anh là nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền của xã”.
Không dừng lại ở những việc đã làm được, anh Nguyễn Phúc Lợi đang tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi cá, kết hợp chăn nuôi heo và làm vườn. Hiện nay, đàn heo của anh đã có 40 heo nái đang trong thời kỳ sinh sản, cùng với hơn 250 heo thịt; dự kiến sau một thời gian nữa, sẽ phát triển đàn lên 100 heo nái và 500 heo thịt theo phương pháp nuôi công nghiệp.
Có thể bạn quan tâm

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, nắng hạn đang diễn biến gay gắt, độ mặn cao đã gây bất lợi xuất hiện dịch bệnh cho mùa vụ nuôi tôm tại Cà Mau. Qua hai tháng đầu năm, nhất là từ sau Tết Quý Tỵ đến nay, toàn tỉnh đã có gần 140 ha diện tích ao đầm nuôi tôm sú công nghiệp bị dịch bệnh chết trắng, gây thiệt hại lớn cho người sản xuất.

Công ty Công nghệ sinh học TransGenada ở Arizona đã được Viện Thực phẩm và Nông nghiệp Quốc gia (NIFA) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) tài trợ cho hoạt động nghiên cứu dành cho các doanh nghiệp nhỏ.

Việc phát triển mạnh cây keo lá tràm góp phần làm thay da đổi thịt vùng đất Thạnh Phú (xã Đại Chánh, Đại Lộc, Quảng Nam), tạo điều kiện để người dân nơi đây có cuộc sống ổn định.

Thông tin từ lãnh đạo Phòng Nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến cuối tháng 5-2012, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt 72/130 ha, tương đương với lượng tôm giống được di ương về là 72 triệu con.

Hiện nay, nhiều nông dân ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) áp dụng mô hình “3 giảm 3 tăng” không những tiết kiệm được chi phí sản xuất mà còn tăng lợi nhuận giá thành sản phẩm, nhất là hiện nay, khi giá lúa nằm ở mức thấp, việc áp dụng mô hình “3 giảm 3 tăng” sẽ mang lại hiệu quả thiết thực đối với nông dân.