Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nguy Cơ Ruộng Thành Nghĩa Trang

Nguy Cơ Ruộng Thành Nghĩa Trang
Ngày đăng: 22/11/2014

Khi bắt đầu tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi không khỏi đắn đo, bởi suy nghĩ “nghĩa tử là nghĩa tận”. Nhưng có một thực tế đang diễn ra: không ít diện tích“bờ xôi ruộng mật” ở xã Thanh Luông, huyện Điện Biên được cho thuê thành nơi an táng. Nếu không có giải pháp kịp thời, chắc chắn sẽ có thêm nhiều đất ruộng trở thành nghĩa trang.

Theo phản ánh của người dân xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, gần nghĩa trang Thanh Đông của xã, trên đất ruộng của một số hộ dân xuất hiện những ngôi mộ. Tìm hiểu sự việc, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Duy Thơm, Quản trang Nghĩa trang Thanh Đông, đội 3A, thôn Cộng Hòa, xã Thanh Luông.

Ông Thơm tỏ ra ái ngại, ngập ngừng khi trả lời về phản ánh của người dân trong xã. Chúng tôi phần nào hiểu, thông cảm với người đã có 14 năm gắn bó với nghề chăm sóc, trông coi nghĩa trang nơi đây. Ông Thơm cho biết: Nghĩa trang Thanh Đông là nơi an táng của thôn: Thanh Đông, Thanh Bình, Cộng Hòa, đội 16 thuộc xã Thanh Luông, huyện Điện Biên và C4, phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ). Nhưng nhiều năm qua nơi đây tiếp nhận nhiều trường hợp ở các phường, xã khác nên quá tải.

Ông Thơm công nhận với chúng tôi trong tháng 10 vừa qua, người dân đội 3B cho người trong TP. Điện Biên Phủ thuê ruộng gần nghĩa trang làm nơi đặt mộ là hoàn toàn đúng sự thật. Gần đây nhất, nhận sự chỉ đạo từ Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Luông sắp xếp vị trí cho người khuất của phường Mường Thanh tại khu nghĩa trang Thanh Đông, ông đã cố gắng tìm một khu đất nhưng gia đình họ không đồng ý nên hợp đồng thuê lại khu đất ruộng gần nghĩa trang để chôn cất.

Ông Thơm không nhất trí, nhưng do hai gia đình bàn bạc, thống nhất, tự chịu trách nhiệm và nằm ngoài khu vực quản lý nên ông không báo cáo với UBND xã. Theo ông Thơm, khi đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã biết việc gia đình có người mất không đồng ý an táng người thân trong Nghĩa trang Thanh Đông, muốn thuê ruộng ở gần đó thì cũng không chấp nhận việc làm sai với quy định này.

Do vậy, 2 gia đình tự làm hợp đồng thỏa thuận với nhau. Ông Thơm dẫn chúng tôi lên ngôi mộ mới nằm hẳn trong diện tích ruộng và chỉ cho chúng tôi thêm một ngôi mộ gần đó có một nửa nằm trong nghĩa trang nửa thuộc diện tích ruộng.

Nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời của chính quyền xã Thanh Luông thì ruộng gần nghĩa trang Thanh Đông sẽ thành... nghĩa địa.

Trả lời việc cho thuê ruộng làm nơi đặt mộ, vợ chồng anh Lương Ngọc Hải, đội 3B cho rằng, chỉ làm hợp đồng vài năm khi cải táng lại cải tạo, cấy lúa.

Nguyên nhân một phần, anh chị  nghĩ đến tình nghĩa người khuất là người cùng làng ở   quê giúp nhau bởi “nghĩa tử là nghĩa tận” không nghĩ đến việc cho thuê ruộng lại sai phạm quy định về sử dụng đất nông nghiệp. Lý do nữa là ruộng gần nghĩa trang, nhiều chuột phá hoại nên thu hoạch kém hiệu quả, nay chuyển đổi một thời gian cho thuê vừa làm việc nghĩa và lại có thu nhập cao hơn.

Chúng tôi xem bản hợp đồng thuê đất được viết tay trong cuốn sổ của vợ chồng anh Hải với nội dung: Cho thuê 8,25 mét vuông đến khi cải táng (từ 3 – 5 năm) với giá 6 triệu đồng. Chỉ với số diện tích trên mà tiền cho thuê cao hơn hẳn so với thu nhập từ sản lượng lúa hàng năm thu được trên diện tích này.

Việc làm của vợ chồng anh Hải khiến chúng tôi băn khoăn, đặt ra câu hỏi: Mục đích chính cho thuê ruộng để an táng người khuất ở đây có đặt lên trên là tình làng, nghĩa xóm với người đã khuất? Vì sự hiểu biết hạn chế, đơn giản về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp? Hay vì lý do nào khác, dù biết sai vẫn làm ngơ, biến ruộng đang canh tác thành nghĩa trang.

Khi làm việc với chúng tôi, ông Lò Văn Ơn, Chủ tịch UBND xã Thanh Luông mới biết về sự việc nêu trên. Ông Ơn bức xúc việc gia đình anh Hải đội 3B cho thuê ruộng, nhưng không nhận được thông tin từ người có trách nhiệm, trực tiếp là người quản trang được giao quản lý, bảo vệ, trông coi nghĩa trang Thanh Đông.

Những cán bộ, đảng viên ở các thôn, đội lân cận và cán bộ địa chính xã đã không sát sao nắm bắt thông tin, để sự việc đã rồi. Nếu biết trước, xã kiên quyết ngăn chặn, không cho phép việc làm sai quy định trên – ông Ơn cho biết quan điểm. Cũng theo ông Ơn, xã sẽ thành lập đoàn kiểm tra thực tế Nghĩa trang Thanh Đông và làm việc với gia đình cho thuê ruộng.

Cách đây vài năm đã xảy ra trường hợp tương tự cũng tại Nghĩa trang Thanh Đông nhưng chỉ ½ ngôi mộ lấn chiếm ra ruộng nay tái diễn. Vì vậy, xã quyết tâm làm triệt để, không để gia đình khác làm theo vi phạm Luật Đất đai, đặc biệt là quy định về sử dụng đất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Luông khẳng định: Việc thuê ruộng làm mộ, ông không hề nhất trí vì việc làm trên sai quy định. Ông nghĩ rằng không được sự đồng ý của UBND xã thì gia đình người khuất đã từ bỏ ý định, chứ không hề biết việc hai bên đã thỏa thuận, hợp đồng và tiến hành chôn cất trên đất ruộng.

Dù sao thì sự việc đã rồi, ruộng được chuyển đổi nay đã “mồ yên, mả đẹp”. Song với, chính quyền cơ sở và những người trách nhiệm cần rút kinh nghiệm, sát sao thực tế hơn có giải pháp ngăn chặn kịp thời không để ruộng thành… nghĩa trang.

Theo quy định Điều 57 Luật Đất đai 2013 thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Mặt khác điểm b, khoản 2, Điều 2 NĐ 45/2014/NĐCP của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất thì “đất nông nghiệp có nguồn gốc được Nhà nước giao thu tiền sử dụng đất, chuyển đổi sang sử dụng làm đất ở hoặc đất nghĩa trang có thu tiền sử dụng đất”.

Nguồn bài viết: http://www.baodienbienphu.com.vn/kinh-t%E1%BA%BF/nguy-c%C6%A1-ru%E1%BB%99ng-th%C3%A0nh-ngh%C4%A9-trang


Có thể bạn quan tâm

Mường Chà Tập Trung Chăm Sóc Cây Trồng Trên Nương Mường Chà Tập Trung Chăm Sóc Cây Trồng Trên Nương

Trong đó: 2.916ha ngô; 1.510ha lúa nương; 591,9ha sắn; còn lại những loại cây trồng khác. Vụ đông xuân năm nay ở Mường Chà được mùa là động lực để bà con nông dân tích cực làm cỏ đợt 1 và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây trồng trên nương.

03/06/2014
Nhiều Hồ Tôm Ở Miền Trung Bị Dịch Bệnh Nhiều Hồ Tôm Ở Miền Trung Bị Dịch Bệnh

Chiều 2-6, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến thời điểm này, đã có hơn 56ha tôm bị dịch bệnh, chủ yếu là bệnh đốm trắng do virus gây nên, chiếm khoảng 10% diện tích hồ nuôi. Dịch bệnh xảy ra nhiều nhất ở huyện Tư Nghĩa với trên 30ha, huyện Bình Sơn gần 10ha. Tại Bình Định, theo cơ quan chuyên môn, cũng đã có hơn 70ha mặt nước nuôi tôm bị dịch bệnh phải thu hoạch sớm…

04/06/2014
Triển Vọng Phát Triển Cây Mè Trên Chân Ruộng Lúa Triển Vọng Phát Triển Cây Mè Trên Chân Ruộng Lúa

Những năm gần đây, nông dân tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ, nhất là tại quận Thốt Nốt và Ô Môn đã tích cực phát triển trồng cây mè trên chân ruộng lúa trong vụ hè thu hằng năm. Cách sản xuất luân canh giữa lúa và hoa màu này đã giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất đáng kể so với làm 3 vụ lúa trong năm …

15/05/2014
Cây Atisô Cơ Hội Thoát Nghèo Của Người Dân Quản Bạ Cây Atisô Cơ Hội Thoát Nghèo Của Người Dân Quản Bạ

Cây dược liệu Atisô đang được cấp ủy, chính quyền và người dân huyện Quản Bạ đặt nhiều kỳ vọng cho một cuộc sống mới của đồng bào các dân tộc huyện nhà: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân...

04/06/2014
Kém Hiệu Quả Với Cây Trồng “Ngoại” Kém Hiệu Quả Với Cây Trồng “Ngoại”

Vì lợi ích trước mắt, nhiều bà con đã phá bỏ vườn cây ăn trái chuyển sang trồng xoài Đài Loan. Tuy nhiên, hiện nhà vườn đang lao đao vì xoài rớt giá.

15/05/2014