Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nguy cơ mất vùng nguyên liệu mía

Nguy cơ mất vùng nguyên liệu mía
Ngày đăng: 30/11/2015

Theo quy hoạch sản xuất năm 2000, huyện Thới Bình thuộc vùng Bắc Cà Mau, là vùng sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, trong đó mía là 1 trong 2 cây trồng chủ đạo.

Từ nhiều năm trước, cây mía đã gắn bó mật thiết với nông dân nơi đây, nhiều hộ khá giả cũng nhờ cây mía, nhưng đến nay, hàng ngàn héc-ta mía của huyện chỉ còn lại hơn 710 ha.

Thực trạng buồn của cây mía

Diện tích mía chuyển đổi cơ cấu sản xuất nay lên tới hơn 5.200 ha.

Trong đó, giai đoạn trước khi phê duyệt quy hoạch sử dụng đất năm 2013, người dân đã chuyển đổi hơn 4.160 ha đất mía sang luân canh lúa - tôm.

Từ năm 2013 đến nay, tiếp tục hơn 1.000 ha đất mía được người dân "phá rào" chuyển qua trồng hoa màu (245 ha) và làm lúa - tôm (814 ha).

Nhiều năm nay, người dân huyện Thới Bình đã “xé rào” chuyển qua làm lúa - tôm.

Trước thực trạng trên, sau khi khảo sát, đánh giá tình hình chuyển dịch tự phát của người dân, Tổ Liên ngành 249 đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép huyện Thới Bình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa, mía sang luân canh lúa - tôm như hiện trạng.

Cụ thể, huyện được phép chuyển và giữ nguyên hiện trạng gần 5.000 ha đất trồng mía sang sản xuất lúa - tôm và 245 ha đất trồng mía chuyển qua trồng màu theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm.

Vậy hơn 710 ha mía còn lại sẽ như thế nào? Người đã chuyển đổi được giữ nguyên hiện trạng thì sao cản được người chưa “xé rào”.

Theo dự báo, diện tích mía còn lại tập trung tại các xã: Trí Lực, Trí Phải, Biển Bạch Ðông, Tân Bằng… sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Nguy cơ xoá sổ vùng nguyên liệu mía tại Thới Bình đang hiện hữu.

Thực trạng trên được nhận định do canh tác lâu năm, năng suất mía giảm, giá mía quá rẻ, người trồng mía không có lời.

Trong khi, nhiều người dân chuyển qua làm mô hình tự phát mang lại hiệu quả cao hơn trồng mía nhiều lần.

“Xé rào” hiệu quả

Về xã Trí Phải, Trí Lực những ngày này, chúng tôi ghi nhận hình ảnh những cánh đồng lúa trong mô hình luân canh 1 vụ lúa - tôm của bà con xanh mướt.

Những luống gừng được người dân “xé rào” cũng tươi tốt, đan xen là những vườn mía èo uột, thân cây mía tỏ ra nặng nề trông thấy khi những lá mía bám thân từ gốc đến ngọn chẳng được người dân chăm sóc, bóc tỉa.

Sự nặng nề của cây mía dường như đã phần nào thể hiện cho sự thiếu mặn mà, nản lòng của người dân.

Nhiều bà con cho biết, mía năm nay được giá 800 - 900 đồng/kg, cao hơn năm trước, nhưng tính ra 1 ha lời chỉ khoảng 10 - 20 triệu đồng mà thôi.

Nhớ lại thực trạng cây mía năm rồi, ông Trịnh Thanh Triều, xã Trí Lực, bộc bạch rằng: "Năm rồi chúng tôi thua lỗ mỗi công 1 - 2 triệu đồng, bà con quanh đây đốn mía bán tháo bán chạy, nhiều người nản quá đốt bỏ luôn, chuyển mía qua làm lúa - tôm hoặc trồng màu".

Gia đình ông Triều có hơn 7 ha đất trồng mía, gắn bó với cây mía đã lâu bỏ cũng không đành, để thì khó sống, ông mới thực hiện chuyển khoảng 3 ha sang làm lúa - tôm, phần còn lại vẫn giữ trồng mía.

Tính từ đầu năm đến nay, ông đã thu nhập gần 100 triệu đồng từ nuôi tôm, trong khi ông chỉ phải đầu tư vào đó 15 triệu đồng (không tính tiền san lấp khi thực hiện chuyển đổi).

Ngược lại, hơn 4 ha đất trồng mía, ông tính sơ, mỗi công đến nay ngốn hết khoảng 6 triệu đồng (chưa tính tiền công thu hoạch).

Cả năm vất vả cùng cây mía, bạc trăm triệu đã đổ vào, nhưng đến khi thu hoạch không biết có được bằng con tôm hay không.

Theo đánh giá, tình hình chuyển dịch sản xuất tự phát của huyện Thới Bình, lấy bình quân từ năm 2012-2014, hiệu quả của mô hình chuyên lúa khoảng 19 triệu đồng/ha/năm; cây mía cho lợi nhuận thấp nhất, khoảng 18 triệu đồng/ha/năm; mô hình “xé rào” luân canh lúa - tôm mang lại hơn 60 triệu đồng/ha/năm.

Ðặc biệt, mô hình tự chuyển dịch trồng màu có lợi nhuận lên tới hơn 400 triệu đồng/ha/năm.

Vậy nên cũng khó trách, trong hơn 2 năm qua, có đến hơn 1.000 ha đất trồng mía biến thành vuông tôm, rẫy màu.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, chia sẻ: "Rất khó cho địa phương, thực tế đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mía, nhưng đất đã bị thoái hoá do trồng mía nhiều năm liền nên năng suất liên tục giảm, giá cả bấp bênh, bà con trồng mía lợi nhuận thấp.

Ngược lại, một số mô hình tự phát mang lại hiệu quả cao hơn nhiều.

Trong đó, mô hình lúa - tôm đã được Hội đồng Khoa học Cà Mau khẳng định là mô hình bền vững".

“Về kế sách lâu dài, cùng với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng tôi đã đề xuất quy hoạch lại vùng trồng mía.

Kế hoạch sẽ thực hiện chuyển đổi phần diện tích này qua mô hình luân canh lúa - tôm và một phần chuyển qua trồng màu (chủ đạo là cây gừng)”, ông Nguyễn Hoàng Lâm nói.


Có thể bạn quan tâm

Niềm Vui Niềm Vui "Japonica" Trên Mường Quế

Những ngày này, khắp vùng Mường Nọc, Châu Kim, Tiền Phong, Tri Lễ... của huyện Quế Phong (Nghệ An), hầu như nhà nào cũng thơm lừng cơm gạo mới. Tiếng đồn về hương vị thơm ngon của thứ gạo chịu lạnh, chịu hạn đã đến với cả những vùng miền xa nhất trong huyện, làm cho nhà nhà đều muốn tìm mua để nấu nồi cơm mới mừng thành quả vụ mùa bằng thứ sản vật thơm ngon sớm “bén đất, mến người”.

20/11/2014
Thêm Vụ Mía Đắng Lòng Thêm Vụ Mía Đắng Lòng

Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho thấy thông thường khi hết mùa mía thì giá đường sẽ tăng lên nhưng năm nay ngược lại, giá đường giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do đường nhập lậu từ Thái Lan tràn sang với số lượng lớn, lên đến 400.000-500.000 tấn/năm. Trong khi nhu cầu sử dụng đường trong nước chỉ dao động khoảng 1,3-1,4 triệu tấn/năm. Tức lượng đường lậu chiếm gần 1/3 lượng đường tiêu thụ trong nước. Con số này đã tác động lớn đến các nhà máy đường và gây bức xúc cho giới chuyên môn.

20/11/2014
Thắt Chặt Liên Kết Sản Xuất Lúa Thắt Chặt Liên Kết Sản Xuất Lúa

Với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, TP Cần Thơ không ngừng tranh thủ sự hỗ trợ của Viện Lúa trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập của nông dân.

20/11/2014
Cà Phê Rộ Mùa Giá Cao Cà Phê Rộ Mùa Giá Cao

Vài năm trở lại đây, chương trình cây trồng chủ lực của tỉnh đã hỗ trợ nông dân thâm canh cây cà phê về giống, một phần kinh phí đầu tư để chuyển đổi từ giống cũ năng suất kém sang giống mới năng suất cao, chất lượng tốt. Theo đó, thu nhập của nông dân trồng cà phê trong tỉnh ngày càng cao. Đây cũng là một trong những cây trồng được Đồng Nai khuyến khích phát triển vùng chuyên canh với quy mô sản xuất lớn, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để có đầu ra bền vững.

20/11/2014
Làm Hồng Khô Phong Cách Nhật Làm Hồng Khô Phong Cách Nhật

Đà Lạt không chỉ được người sành ăn biết đến với rau ôn đới, dâu tây mà còn có những trái hồng nổi tiếng. Hồng Đà Lạt có thể ăn theo nhiều cách, hồng chín đỏ ngọt lịm, hồng giòn ngọt mát, hồng khô dẻo quánh. Những lò sấy hồng Đà Lạt đã cho ra đời những trái hồng sấy có thể để lâu, để du khách mang theo như một món quà đặc biệt.

20/11/2014