Nguy Cơ Mất Cân Bằng Hệ Sinh Thái Nước Ngọt Từ Cá Lau Kiếng

Cá lau kiếng hay còn gọi là cá dọn bể hay cá tỳ bà là loài cá nước ngọt có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sống chủ yếu ở đáy các thủy vực nước ngọt, nước lợ. Cá được nhập về Việt Nam chủ yếu từ HongKong và Singapore theo dạng cá cảnh.
Thức ăn chính là các loài rong, tảo bám trên bề mặt thực vật hoặc nền đáy, đây là loài ăn tạp, cạnh tranh thức ăn với các loài khác, sinh sản nhanh khi phát tán ra ngoài thủy vực tự nhiên.
Cá có khả năng sinh sản quanh năm, tỷ lệ cá con sống khoảng 70% và sức sống rất cao. Chúng xuất hiện tràn lan ra ao hồ sông suối do những người bán và nuôi cá cảnh phát tán bởi không cảnh giác đối với những bất cập của loài cá lạ này.
Cá lau kiếng rất dễ thích nghi với môi trường sông nước. Ở môi trường mới, một số loài cá lau kiếng có thể đạt đến kích thước 70cm trong khi ở nguyên quán kích cỡ lớn nhất của chúng chỉ khoảng 30cm.
Không chỉ ăn rong tảo và mùn bã, cá mẹ lẫn cá con đều có thể tiếp cận loài cá khác hút nhớt làm các loài cá khác giảm khả năng phát triển. Nếu các loài cá khác có khả năng thích nghi kém sẽ chết. Loài cá này còn ăn cả trứng của các loài cá khác, làm suy giảm số lượng, thậm chí làm biến mất một loài cá nào đó.
Nguy hiểm hơn, chúng lấn át sinh vật bản địa, tạo ra sự mất cân bằng sinh thái. Sau thời gian phát tán ra tự nhiên, cá lau kiếng đang trở thành loài có nguy cơ xâm hại các loài cá khác ở cùng một môi trường sống. Đây là loài cá không mang lại giá trị kinh tế, đang có chiều hướng tăng nhanh trên các sông rạch, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo các thông tin từ báo chí, hiện nay loài cá này đã có mặt trên khắp các ao, đìa, kênh rạch ở các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang,… Nhiều địa phương cũng đã có các văn bản hành chính chỉ đạo việc giám sát tình hình việc cá lau kiếng phát tán ra môi trường nước tự nhiên để có các biện pháp ngăn chặn.
Trên địa bàn huyện Ba Tri, loài cá này cũng đã xuất hiện khá rộng rãi ở các sông ngòi, kênh rạch, ao đìa dù mật độ chưa đến mức quá cao. Đáng lưu ý là kể từ lúc cá lau kiếng xuất hiện, cũng là lúc lượng cá đồng ngày càng giảm đi. Nhiều người dân vốn trước đây sinh sống hoặc tăng thu nhập bằng nghề chài lưới trên kênh thì nay gặp rất nhiều khó khăn vì khi thả lưới mắc cá lau kiếng, làm rách chài, lưới, gây thất thu cho người dân và tốn kém chi phí để mua lưới mới.
Để hạn chế và ngăn chặn sự phát triển của cá lau kiếng ra môi trường, bảo vệ cân bằng hệ sinh thái nước ngọt tại địa phương, chúng ta cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của cá lau kiếng, không nên phóng thích loài này ra môi trường nước tự nhiên; khảo sát nắm tình hình việc cá lau kiếng đã phát tán ra môi trường tự nhiên để có biện pháp quản lý; tuyên truyền, kêu gọi người dân đánh bắt, tiêu diệt từ cá con đến cá trưởng thành; tát cạn ao nuôi, dùng vôi bột để làm sạch ao nhằm tiêu diệt trứng và cá con; thịt cá lau kiếng cũng có thể chế biến để làm thức ăn cho người, gia súc, gia cầm.
Có thể bạn quan tâm

Chiều 11-7, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị quán triệt triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và tổ chức mô hình thí điểm sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị.

Với địa hình đồng đất canh tác nông nghiệp của Cẩm Khê phần lớn diện tích là vùng trũng, vùng lòng chảo, ngập úng nhiều, vào vụ mùa, năng suất lúa phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, khí hậu, do vậy từ năm 2008, sau khi thu hoạch vụ chiêm, mô hình canh tác lúa tái sinh ở Cẩm Khê được nông dân áp dụng nhiều và phát triển ra nhiều xã với diện tích lớn.

Nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng không phải ai đầu tư cũng thành công. Nó được ví là nghề nuôi “chim trời, cá bể” vì có người đầu tư hàng tỷ đồng xây nhà thu hút yến nhưng chim không về, song có nơi loài chim này tự tìm về làm tổ nơi nhà kho hay chính trong căn nhà cho người ở.

Sau hơn một năm bị mất mùa, hơn một tuần vừa qua, sứa đã bắt đầu xuất hiện trở lại trong khu vực đầm Ô Loan (huyện Tuy an), tạo cơ hội cho ngư dân ven đầm có nguồn thu nhập đáng kể.

Đó là cây chuối, sâm, keo và con bò, heo, dê. Sáu loại cây trồng, vật nuôi này có nguồn tiêu thụ mạnh, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng miền núi, đem lại thu nhập cao và nhất là dễ thực hiện khi mà tập tục sản xuất của người dân còn lạc hậu. Đầu tư mạnh cho 3 cây, 3 con này sẽ tạo điều kiện cho các hộ dân ở Nam Trà My thoát đói nghèo.