Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nguy Cơ Bùng Phát Vàng Lùn - Lùn Xoắn Lá

Nguy Cơ Bùng Phát Vàng Lùn - Lùn Xoắn Lá
Ngày đăng: 12/05/2012

Nhiều diện tích lúa hè thu (HT) sớm ở ĐBSCL đã bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) với tỷ lệ gây hại từ 10-30%. Nếu không có biện pháp quản lý tốt thì nguy cơ dịch bệnh lây lan sang diện tích lúa HT chính vụ (xuống giống trong tháng 5, 6) là rất lớn.

“Xé rào” xuống giống, dính bệnh

TS. Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Kiên Giang cho biết, đến thời điểm này nông dân trong tỉnh đã xuống giống được 128.238/283.500 ha lúa HT, chủ yếu tập trung ở các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành, Hòn Đất, Giang Thành… Phần lớn diện tích lúa đang trong giai đoạn mạ và đẻ nhánh, tuy nhiên có một số diện tích nông dân xuống giống trước lịch thời vụ ở hai huyện Giồng Riềng (gần 9.000 ha) và Tân Hiệp (4.700 ha) đang ở giai đoạn đòng trổ. Toàn tỉnh hiện có 1.684 ha lúa bị sâu bệnh, trong đó 197 ha bị bệnh VL-LXL gây hại với tỷ lệ trung bình từ 5-10%; chủ yếu xuất hiện trên trà lúa từ đẻ nhánh đến đòng trổ.

Riêng ở xã Tân Thành (Tân Hiệp) có 30 ha bị nhiễm bệnh VL-LXL với tỷ lệ lên đến 30%. Theo điều tra cho thấy, đa số diện tích bị nhiễm bệnh VL-LXL là do nông dân không tuân thủ lịch thời vụ, gieo sạ ngay vào đợt rầy nâu di trú nên bị rầy tấn công, truyền bệnh.

Tại Hậu Giang, trong tổng số trên 67.000 ha lúa HT được nông dân xuống giống cũng đã có trên 500 ha bị bệnh VL-LXL gây hại. Mặc dù mức độ thiệt hại thấp nhưng diện tích bị bệnh lây lan rất nhanh. Ông Võ Minh Phúc, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục BVTV Hậu Giang cho biết, tuần qua toàn tỉnh có 204 ha bị nhiễm bệnh VL-LXL, nâng tổng số diện tích bị nhiễm từ đầu vụ lên 539,5 ha; tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành A và TP Vị Thanh. Trong đó, có 52,5 ha bị nhiễm nặng với tỷ lệ từ 10-15% ở huyện Châu Thành A, còn lại nhiễm nhẹ. Theo ông Phúc, diện tích bị nhiễm bệnh chủ yếu là do nông dân gieo sạ không đúng lịch khuyến cáo của ngành.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó GĐ Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục BVTV Cần Thơ cho biết, đến nay cơ bản nông dân đã xuống giống dứt điểm lúa HT, với tổng diện tích là 80.000 ha. Trong đó đã có 300 ha bị nhiễm bệnh VL-LXL ở mức độ tương đối nặng, chủ yếu tập trung ở quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh.

Theo bà Kiều, nguyên nhân dẫn đến bệnh VL-LXL ở vụ lúa HT năm nay là do một số nông dân chạy theo giá, xé rào xuống giống trước lịch thời vụ. Hầu hết các trà lúa bị rầy nâu tấn công, truyền bệnh đều ở giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng. Ngành đã hướng dẫn nông dân tích cực chăm sóc những diện tích đã từng bị nhiễm bệnh để lúa phát triển bình thường trở lại.Nhờ phát hiện kịp thời nên các trạm BVTV tại địa phương kết hợp với nông dân đã tiến hành nhổ bỏ lúa bị nhiễm bệnh nhằm tách ly những cây khỏe còn lại. Đến nay dịch bệnh VL-LXL trên địa bàn TP đã cơ bản được khống chế, không để xảy ra lây lan trên diện rộng, chỉ còn khoảng 10 ha đang bị nhiễm.

Né rầy, diệt rầy đúng cách

Theo ông Võ Minh Phúc, giải pháp hiệu quả nhất để khống chế bệnh VL-LXL vẫn là gieo sạ tập trung, né rầy theo khuyến cáo của ngành chức năng. Hiện nay, có nhiều nông dân trộn thuốc trừ rầy vào lúa giống trước khi gieo sạ. Tuy nhiên, phương pháp này không mang lại hiệu quả, vì khi rầy trưởng thành mang mầm bệnh di trú từ nơi khác đến, chúng sẽ chích vào cây lúa. Khi rầy bị ngộ độc chết thì chúng đã truyền bệnh rồi. Do đó, chỉ nên phun thuốc trừ rầy khi phát hiện rầy ở độ tuổi 2, 3 và mật số trên 3 con/tép lúa để tránh tình trạng lây lan từ cây lúa bệnh sang cây lúa khỏe.

Việc nông dân xé rào xuống giống trước lịch thời vụ dẫn đến lúa bị nhiễm bệnh không chỉ bản thân bị thiệt hại mà còn gây ảnh hưởng đến SX chung của khu vực.

TS. Trần Quang Giàu cho rằng, tỷ lệ rầy mang virus gây bệnh VL-LXL trên địa bàn tỉnh là 20%. Khi các trà lúa gieo sạ sớm thu hoạch sẽ làm rầy di trú, gây ảnh hưởng đến diện tích lúa HT chính vụ gieo sạ trong tháng 5 và đầu tháng 6 này. Vì hiện nay toàn tỉnh vẫn còn trên 50% diện tích chưa xuống giống.

“Trước nguy cơ bệnh VL-LXL tái bùng phát thành dịch trên diện rộng, ngành đã thông tin rộng rãi cho nông dân biết để chủ động phòng trừ, cử cán bộ điều tra khoanh vùng và hướng dẫn nông dân dập dịch. Đối với diện tích lúa ở giai đoạn đẻ nhánh, đòng, trổ, nếu phát hiện bị bệnh VL-LXL thì phải tiến hành nhổ hủy cây lúa, nếu ruộng bị nhiễm trên 30% thì phải cày vùi và tuyệt đối không phun thuốc ngừa rầy nâu khi rầy xuất hiện với mật số thấp. Còn đối với diện tích lúa HT chuẩn bị xuống giống, cần gieo sạ tập trung đồng loạt, né rầy theo đúng lịch thời vụ và áp dụng quy trình "3 giảm 3 tăng" để tránh dịch hại bộc phát”, ông Giàu khuyến cáo.

Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang cho biết, năm nay tỉnh xuống giống lúa HT trễ hơn một số tỉnh lân cận nên tránh được đợt rầy mang virus gây bệnh VL-LXL. An Giang đã xuống giống đạt 90% diện tích trong tổng số 232.000 ha lúa HT, chủ yếu là xuống giống tập trung trong tháng 4.

Theo ông An, mặc dù trên địa bàn tỉnh dịch bệnh VL-LXL xuất hiện chưa nhiều và mức độ gây hại thấp nhưng nguy cơ là rất cao. Vì vậy, ngành khuyến cáo bà con nông dân không nên chủ quan. Theo dự báo, sắp tới sẽ có đợt rầy nâu di trú gây ảnh hưởng đến diện tích lúa đã gieo sạ. Chính vì vậy, nông dân cần “né rầy” bằng cách xuống giống đồng loạt, tuân thủ gieo sạ đúng lịch thời vụ và thường xuyên thăm đồng để phát hiện và khống chế dịch bệnh kịp thời.


Có thể bạn quan tâm

​An Giang Phát Triển Vùng Trồng Dược Liệu Ở Thất Sơn ​An Giang Phát Triển Vùng Trồng Dược Liệu Ở Thất Sơn

An Giang vừa quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao, kèm theo chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và chế biến các loại dược liệu tại vùng Thất Sơn.

15/11/2014
Lãng Phí Trên 40.000 Tỷ Đồng/năm Do Thất Thoát Phân Bón Lãng Phí Trên 40.000 Tỷ Đồng/năm Do Thất Thoát Phân Bón

Như vậy, nếu ước tính hiệu suất sử dụng các loại phân bón trung bình khoảng 45-50%, có nghĩa lượng phân bón bị thất thoát ra môi trường hoặc bị cố định trong đất, cây trồng không sử dụng được chiếm 50-55% (tương đương trên 5 triệu tấn) thì mỗi năm ngành nông nghiệp đã lãng phí khoảng 40-44 nghìn tỷ đồng.

15/11/2014
Niên Vụ Càphê 2013-2014 Đắk Lắk Thành Công Niên Vụ Càphê 2013-2014 Đắk Lắk Thành Công

Niên vụ cà phê 2013 – 2014, tỉnh Đắk Lắk đã thu được những thành công nhất định, khi cả năng suất, sản lượng cà phê đều tăng cao, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng nhẹ sau 4 năm liên tục sụt giảm. Diện tích cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã vượt mốc 203.500 ha, năng suất bình quân mỗi ha xấp xỉ 2,5 tấn, tổng sản lượng cà phê nhân xô trên 460.000 tấn, tăng 50.000 tấn so với niên vụ trước.

15/11/2014
Trồng Cam, Thu Hoạch Tiền Tỉ Mỗi Năm Trồng Cam, Thu Hoạch Tiền Tỉ Mỗi Năm

Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” bước đầu bảo hộ cho các giống cam là CS1, xã Đoài lùn, xã Đoài cao và cam Canh, vốn là những giống cam được di thực ở các địa phương khác về huyện Cao Phong từ những năm 1960. Theo đó, những hộ nằm trong vùng sử dụng chỉ dẫn địa lý tại thị trấn Cao Phong và các xã Tây Phong, Bắc Phong, Dũng Phong và Thu Phong sẽ có sản phẩm cam mang tên gọi chung.

17/11/2014
Dịch Vụ Cung Cấp Lao Động Nông Nghiệp Đắt Hàng Dịch Vụ Cung Cấp Lao Động Nông Nghiệp Đắt Hàng

Là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, Đồng Nai không chỉ thu hút nguồn lao động nông thôn của địa phương mà từ rất nhiều tỉnh, thành khác về làm công nhân tại các nhà máy. Sự chuyển dịch lao động từ nông thôn vào các khu công nghiệp khiến lĩnh vực nông nghiệp ngày càng thiếu lao động.

17/11/2014