Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm

Ý thức chủ quan của người chăn nuôi và sự vào cuộc thiếu sâu sát, quyết liệt của chính quyền cơ sở trong công tác phòng chống dịch bệnh khiến nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 ở Hà Tĩnh là rất cao...
Xã Phú Lộc (Can Lộc) đã có gia cầm chết vì H5N1 nhưng chốt kiểm dịch dựng sơ sài, không có rào chắn.
Sau khi nghe phản ánh của ngành chuyên môn về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm vừa xẩy ra ở xã Phú Lộc còn nhiều hạn chế, chúng tôi tìm về thôn Đông Thịnh, nơi đàn vịt của gia đình anh Phạm Nhật Thành bị mắc bệnh, ốm chết, buộc phải tiêu hủy 380 con.
Ngay trên đường vào nhà anh Thành, biển báo “nghiêm cấm mua bán, vận chuyển gia cầm vào ra trên địa bàn” đã được gắn nhưng không thấy sào ngăn cùng người trực gác. Đi sâu vào trong, vôi bột được rắc đầy đường mà gia cầm thì vẫn “tung tăng” khắp nơi.
Ngay trước sân nhà anh Thành, một đàn chim bồ câu bay nhảy cùng đàn gà con tìm kiếm thức ăn...
Anh Thành buồn bã nói: Chiều 15/9, khi ra thăm trang trại thì phát hiện một vài con vịt bỏ ăn, đi lại khó khăn.
Nghi vịt bị dịch tả, anh vội vàng mua thuốc về tiêm nhưng chỉ một tiếng sau, nhiều con lăn ra chết. Lúc này, anh mới báo với chính quyền địa phương, ngành chuyên môn.
Đàn vịt trên được anh mua ở Đức Thọ cách đây 2 tháng và đã tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm 14 ngày trước khi xẩy ra dịch.
Tuy nhiên, anh lại không nhận được giấy chứng nhận đã tiêm phòng của cán bộ thú y. Vì vậy, 380 con ốm chết và đem đi tiêu hủy sẽ không có cơ sở xác định đã được tiêm phòng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Trần Hùng cho rằng: Theo quy định, sau khi tiêm vắc-xin cho gia súc, gia cầm, cán bộ thú y xã và huyện phải cấp giấy chứng nhận cho người dân để sau này khi dịch bệnh nguy hiểm xẩy ra có căn cứ làm thủ tục hỗ trợ cho họ.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc - Nguyễn Xuân Chương, nhận thức của người chăn nuôi trên địa bàn xã còn rất hạn chế; tỷ lệ tiêm phòng hàng năm đạt thấp.
Sau hơn 1 tháng triển khai tiêm vắc-xin định kỳ đợt II/2015, toàn xã mới tiêm được 2.000 liều trên tổng đàn khoảng 10.000 con gia cầm.
Qua đó cho thấy, ngoài ý thức của người dân thì cấp ủy, chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn.
Vừa qua, 1.000 con gia cầm của gia đình ông Võ Văn Nguyên ở thôn Bắc Trị, xã Thạch Trị (Thạch Hà) bị ốm chết và buộc phải tiêu hủy cũng chưa được tiêm phòng vắc-xin H5N1 theo định kỳ, môi trường chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh.
Vì vậy, trong thời điểm giao mùa, sức đề kháng của vật nuôi giảm nên dịch rất dễ phát sinh và lây lan.
Chi cục Thú y tỉnh đã tập trung chỉ đạo, cung ứng đầy đủ các loại vắc-xin để các địa phương triển khai tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đợt II/2015 từ 1/8 - 20/9.
Thế nhưng, theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm phòng bệnh cho gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh đạt quá thấp, chỉ mới hơn 12%. Trong đó, Can Lộc trên 3%, Thạch Hà gần 2%...
Vào thời điểm này, vật nuôi đã hết thời gian miễn dịch vắc-xin tiêm phòng đợt I/2015 nên nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trong thời gian tới rất cao.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y Phạm Thanh Bình cho biết: Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1.
Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguy cơ, tác hại và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; khẩn trương rà soát, kiểm tra tổng đàn để tổ chức tiêm phòng bao vây triệt để, đảm bảo chất lượng; phát động làm tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi.
Đặc biệt là giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện và xử lý kịp thời khi mới xuất hiện, tuyệt đối không được giấu dịch...; đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc báo cáo tình hình dịch bệnh định kỳ và đột xuất theo quy định.
Có thể bạn quan tâm

Đến thăm mô hình trang trại trồng cây ăn quả, nuôi ong lấy mật của hộ ông Hoàng Văn Tung, xóm Lý Nhân xã Bá Xuyên (T.X Sông Công - Thái Nguyên), chúng tôi cảm phục nghị lực và ý chí của người nông dân chăm chỉ này. Bằng sức lao động của chính mình, vợ chồng ông Tung đã xây dựng lên mô hình kinh tế hiệu quả cho doanh thu xấp xỉ 700 triệu đồng mỗi năm.

Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi hươu của gia đình ông Nguyễn Đức Hải ở xóm Chùa, xã Thống Nhất. Gia đình ông là một trong 3 hộ đầu tiên áp dụng mô hình nuôi hươu trên địa bàn xã. Ông Hải cho biết: Trước đây, gia đình cũng chăn nuôi lợn thả vườn. Song công việc chăn nuôi lợn vất vả, giá thức ăn tăng cao mà giá bán, đầu ra không ổn định nên ông quyết tâm chuyển đổi sang nuôi hươu.

Anh Nguyễn Tấn Khanh, ngụ ở ấp 3 - xã Bình Thới (Bình Đại - Bến Tre) là nhân viên quản lý cửa hàng Quang Minh - chuyên cung cấp thức ăn và thuốc nuôi trồng thủy sản. Tuy bộn bề công việc nhưng với sự nhạy bén, chịu khó học hỏi, anh đã mạnh dạn đầu tư trên 170 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua kỳ đà giống về nuôi.

Niên vụ trước, bước vào đầu vụ thu hoạch, giá cà phê là 42.000 đồng/kg. Song năm nay, giá đột ngột giảm 6.000-7.000 đồng/kg xuống còn 34.000 đồng/kg. Đây là mức giá cà phê thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Lãnh đạo Chi cục Thú y vừa cho biết, có 4 ao nuôi cá mú của hai hộ thuộc Hợp tác xã Diêm Hải xã Thạch Bàn huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) bị chết, nguyên nhân được xác định là do bệnh virus gây hoại tử thần kinh (Viral Betanodavirus Nervous Necrosis Viral). Ước tính thiệt hại khoảng 400 triệu đồng.