Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nguy Cơ Bùng Phát Bệnh Trên Tôm

Nguy Cơ Bùng Phát Bệnh Trên Tôm
Ngày đăng: 25/04/2012

Nông dân tiếp tục thiệt hại rất lớn vì tôm nuôi chết hàng loạt

Điều đáng lo ngại là các loại bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, nhưng ngành chức năng chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh để có hướng xử lý.

Hiện nay, nông dân nuôi thủy sản ở các tỉnh ĐBSCL, TP HCM và Ninh Thuận tiếp tục bị thiệt hại do tôm chết hàng loạt.

Theo báo cáo thiệt hại trong nuôi tôm của 7 tỉnh khu vực ĐBSCL là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre và Long An, diện tích tôm bị nhiễm bệnh khoảng 13.000 ha, chiếm 2,55% tổng diện tích thả nuôi. Tuy diện tích tôm nuôi bị nhiễm bệnh chết khá ít, nhưng lại tập trung ở các ao nuôi thâm canh nên tổn thất rất lớn. Đa phần tôm chết tầm 20 ngày tuổi, chết nhanh trong 2 ngày với triệu chứng teo gan thận. Ở một số ao nuôi ở huyện Cần Giờ, Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh cũng phát hiện tôm từ 20 - 58 ngày tuổi chết do bệnh đốm trắng.

Ông Võ Trịnh Quốc Toàn, chuyên viên phụ trách thủy sản, Phòng NN&PTNT huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho biết: “Biểu hiện của tôm bệnh là kéo đàn, bỏ ăn, tấp mé chết. Gan bị teo hoặc sưng, vỏ có đốm trắng, thân đỏ, đục thân, tôm chết ở đáy nhiều hơn ven bờ. Nói chung là bệnh đốm trắng cũng có nhưng một số bệnh về gan chưa xác định bệnh cụ thể, chưa có nguyên nhân nào rõ ràng”.

Kết quả xét nghiệm bệnh gây hại trên tôm của Cơ quan Thú y vùng 6, Bộ NN&PTNT cho thấy, mẫu bệnh trên tôm ở hầu hết các địa phương là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy. Theo ngành chức năng, hiện tượng tôm chết hàng loạt có thể do một số hộ nuôi thả ngoài thời vụ, từ tháng 1, tháng 2 đã xuống giống nên tôm dễ bị sốc do môi trường nước thay đổi đột ngột; do khâu vệ sinh ao nuôi chưa đạt và không loại trừ do thuốc diệt tạp có chứa chất Cypermethrin.

Điều làm đau đầu các nhà khoa học là bệnh hoại tử gan tụy xảy ra cả những chỗ không dùng chế phẩm Cypermethrin - đối tượng tình nghi chính gây ra bệnh này. Do chưa xác định được đầy đủ nguyên nhân gây bệnh hoạt tử gan tụy trên tôm đã gây khó khăn cho công tác phòng trừ dịch bệnh.

Trong khi các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh hoại tử gan tụy trên tôm, để giảm thiệt hại cho người nuôi tôm, chính quyền và ngành chức năng các địa phương đã triển khai các giải pháp như: tập huấn về các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản; tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về nuôi thả thủy sản; hướng dẫn người dân tuân thủ quy trình sản xuất và vệ sinh thú y ao nuôi…

Tuy nhiên, các địa phương và nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài các biện pháp trước mắt mà các tỉnh đang làm thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc để xử lý tôm giống kém chất lượng đang lưu hành thì mới đảm bảo chống dịch hiệu quả.

Ông Dương Văn Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh Long An nêu ý kiến: “Hiện nay từ Ninh Thuận, Khánh Hòa đổ dài vào đa số là chỉ kiểm tra được 1/3 trại tôm giống, 2/3 còn lại không quản lý, không kiểm dịch được nhưng người ta vẫn sản xuất, vẫn bán, giá thành thấp. Cho nên phải có tiêu chí cấp phép cho các trang trại tôm giống về chất lượng tôm giống, con giống phải qua kiểm dịch, rồi những yếu tố khác. Trại nào con giống tốt thì mới cho thành lập trại còn lại phải xử lý hết để giúp cho người nuôi đỡ bị thiệt hại”.

Theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, vấn đề tôm chết năm nay diễn biến phức tạp vì bệnh xuất hiện cả ở những diện tích nuôi công nghiệp của doanh nghiệp thủy sản và ở một số địa phương năm ngoái không có tôm nhiễm bệnh. Vì vậy, để phòng chống hiện tượng tôm chết hàng loạt gây thiệt hại lớn cho nông dân, các địa phương cần triển khai các giải pháp quyết liệt và tập trung, nếu không bệnh trên tôm có nguy cơ bùng phát và những thiệt hại tiếp tục xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Có thể bạn quan tâm

Hướng Đi Nào Cho Người Nuôi Tôm Hùm Lồng? Hướng Đi Nào Cho Người Nuôi Tôm Hùm Lồng?

Mặc dù đã di dời lồng bè về khu quy hoạch C1, nhưng hầu hết người nuôi tôm hùm vẫn không thể bám trụ, ổn định sản xuất được. Tìm hướng đi phù hợp để nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển bền vững là vấn đề nan giải hiện nay.

19/10/2013
Vì Sao Nguyên Liệu Cá Tra Thiếu Nhưng Giá Mua Ít Tăng? Vì Sao Nguyên Liệu Cá Tra Thiếu Nhưng Giá Mua Ít Tăng?

9 tháng của năm 2013, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang xuất khẩu 128 ngàn tấn, kim ngạch đạt 311 triệu USD, tăng 23,1% về lượng và 6,5% về giá trị so cùng kỳ. Dù xuất khẩu tăng, nguyên liệu thiếu nhưng giá mua cá tra của các nhà máy vẫn tăng không đáng kể.

20/10/2013
Ba Lần Xuống Giống 3 Lần Mất Ba Lần Xuống Giống 3 Lần Mất

Bão số 8 chưa khắc phục xong hậu quả, bão số 10 lại ập đến, bao mất mát, nước mắt, nghẹn đắng. Cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt sẻ chia từng ngày lương, gói mỳ thì bão số 11 tiếp tục hoành hành cướp đi sản nghiệp của hàng ngàn gia đình miền Trung. Bão lũ liên miên, miền Trung chìm trong biển nước…

20/10/2013
An Giang: Mùa Cá Đồng An Giang: Mùa Cá Đồng

Đối với các vùng nông thôn, người có đất nhiều thì sống nhờ ruộng rẫy và chăn nuôi thêm, còn gia đình ít đất hoặc không đất chỉ mong mùa nước lên. Tháng chín âm lịch, khi con nước ngập đồng thì mọi người tranh thủ khai thác thủy sản cho bữa ăn cả nhà, vừa bán đi để tạo nguồn thu nhập. Đây cũng là thời điểm cá đồng sinh sôi, kéo dài đến Tết âm lịch.

20/10/2013
Thủ Lĩnh “Cá Xen Ếch” Trên Hồ Suối Hai Thủ Lĩnh “Cá Xen Ếch” Trên Hồ Suối Hai

Quả thật, khi lên hồ Suối Hai (thuộc xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) hỏi thăm mọi người ai cũng biết đến ông Lã Đức Quảng, với bản chất tần tảo, cần cù chịu khó bám hồ suốt nhiều năm nay để phát triển nghề nuôi thuỷ sản lồng bè.

21/10/2013