Nguồn Thu Mới Từ Rau Chế Biến Ở Sơn Động (Bắc Giang)

Mạnh dạn đưa cây rau chế biến vào sản xuất vụ đông năm 2014, vừa qua, nông dân xã Long Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đã thu hoạch được hơn 30 tấn dưa chuột bao tử và đang thu hoạch những lứa ngô bao tử đầu tiên. Kết quả này khẳng định hai cây trồng trên phù hợp với tập quán canh tác, điều kiện sản xuất tại địa phương, mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân vùng cao.
Trong cái rét ngọt của thời tiết mùa đông, trên những ruộng dưa bao tử tại thôn Điệu, xã Long Sơn, bà con vẫn cần mẫn thu hoạch dưa để kịp bán cho Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C Bắc Giang (điểm cân đặt tại xã). Đôi tay thoăn thoắt hái những trái dưa bao tử tại khu ruộng 1 sào của gia đình, chị Thuận cho biết năm nay khi thấy xã thông báo triển khai trồng dưa bao tử tại cánh đồng của thôn chị và 58 hộ dân đã đăng ký trồng với tổng diện tích hơn 2 ha.
Theo chị Thuận, kỹ thuật sản xuất cây trồng này không quá khó, chỉ cần chăm bón, tưới nước hợp lý, tuy nhiên cần chú ý phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời để dưa cho quả sai. Nhờ làm chủ kỹ thuật sản xuất nên ruộng dưa của gia đình chị Thuận rất sai quả. Khi dưa được thu hoạch, chị thu hái đều đặn, một sào cho năng suất khoảng một tấn dưa thương phẩm, trong đó chủ yếu là dưa loại một. Tính toán sơ bộ, trừ chi phí, gia đình chị Thuận thu lãi 4 - 5 triệu đồng/sào.
Được biết, Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C Bắc Giang thu mua dưa đúng theo giá cam kết 9.500 đồng/kg dưa bao tử loại 1; 7.500 đồng/kg dưa loại 2 và 4.500 đồng/kg dưa bao tử loại 3. Chị Thuận phấn khởi cho biết: “Những năm trước, cứ gặt lúa mùa xong gia đình chỉ trồng ít ngô lai, bắp cải để có rau ăn và thức ăn chăn nuôi. Năm nay tham gia mô hình trồng dưa bao tử chúng tôi thấy rất vui vì có thêm việc làm lúc nông nhàn, thu hoạch sản phẩm đến đâu công ty thu mua đến đó…”
Những ngày này, trên các cánh đồng thôn Tảu, thôn Thượng, thôn Hạ và thôn Đồng Chòi của xã Long Sơn, 8,5 ha ngô bao tử cũng đang lên xanh tốt. Theo chân anh Ngọc Văn Hường, cán bộ khuyến nông xã, chúng tôi đến thăm khu ruộng trồng gần 3 sào ngô bao tử của bà Ngọc Thị Lâm. Đang thu hoạch những bắp ngô bao tử đầu tiên, bà Lâm bày tỏ: “Ngô đã bắt đầu được thu, chúng tôi hy vọng Công ty G.O.C thu mua đúng theo giá đã ký kết để bà con nông dân tin tưởng tiếp tục đưa vào gieo trồng vụ xuân 2015 tới...”.
Việc liên kết với doanh nghiệp sản xuất dưa và ngô bao tử của xã Long Sơn vụ đông năm nay bước đầu cho kết quả khả quan. Được UBND xã Long Sơn giao hướng dẫn bà con nông dân thực hiện hai mô hình cây hàng hóa này, anh Ngọc Văn Hường, cán bộ khuyến nông xã cho biết: Vụ đông này bà con đã thu hoạch được trên 30 tấn dưa thương phẩm, trừ chi phí cho thu lãi từ 5 đến 6 triệu đồng/sào.
Đối với diện tích ngô bao tử, tuy mới thu hoạch rải rác vài ngày nay do thời tiết rét đậm nhưng sản lượng đã đạt khoảng 3 tấn. Theo cán bộ chuyên môn, năng suất ngô bao tử sẽ đạt từ 130 đến 150kg/sào. Với giá thu mua của công ty là 20.000 đồng/kg, trừ chi phí người dân thu lãi hơn hai triệu đồng/sào.
Đánh giá về chất lượng dưa và ngô thương phẩm sản xuất tại xã Long Sơn, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C Bắc Giang cho biết: “Tuy là vụ đầu tiên sản xuất nhưng sản phẩm dưa và ngô bao tử của nông dân xã Long Sơn đều đạt tiêu chuẩn về kích cỡ, màu sắc, chất lượng, năng suất.
Trên cơ sở kết quả này, chúng tôi đang phối hợp với UBND huyện Sơn Động tổ chức khảo sát để tiếp tục đưa một số loại cây trồng như gừng, măng tre Bát Độ, dưa chuột Nhật vào trồng tại một số xã ngay trong vụ xuân năm 2015 nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho công ty”.
Có thể bạn quan tâm

Hải Lăng (Quảng Trị) có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn với hơn 500 ha diện tích ao hồ. Trong đó diện tích nuôi tôm trên cát ven biển ở hai xã Hải An và Hải Khê chiếm gần 100 ha. Nhiều năm qua nhờ phát triển nuôi tôm nên nhiều hộ gia đình đã trở nên giàu có, tuy nhiên do nằm sát với bờ biển nên rất dễ bị thiên tai tàn phá. Trước thực trạng đó, để đảm bảo an toàn ao hồ nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão năm 2013, huyện Hải Lăng đang tiến hành triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm giúp người nuôi tôm bảo vệ tốt tài sản của mình.

Những năm gần đây, nuôi ngao thực sự là nghề “nóng” của người dân ven biển huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay, giá bán ngao thương phẩm đang giảm mạnh, thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Người dân phát triển nuôi ngao ồ ạt, tự phát, không theo quy hoạch sẽ khó tránh khỏi những hệ lụy xấu...

Đã qua rồi thời hỗn loạn, người thì nuôi, kẻ khai thác tranh giành nguồn lợi từ con nghêu của bãi bồi Đất Mũi (Cà Mau). Sau khi sắp xếp lại một cách toàn diện, vùng nuôi nghêu bãi bồi đang dần đi vào ổn định.

Thời gian gần đây do nuôi tôm thẻ chân trắng được mùa, lợi nhuận cao nên một số hộ dân ở Bình Đại (Bến Tre) tự phát đào ao, khoan giếng nước mặn nuôi tôm biển trong vùng qui hoạch, có lúc lên đến trên 1.000 giếng khoan. Để khắc phục tình trạng trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Đại đã ban hành Chỉ thị số 05, UBND huyện Bình Đại có Kế hoạch số 2184 nhằm khắc phục những bất hợp lý vừa qua.

Giải pháp “Ứng dụng phương pháp cho ăn gián đoạn để giảm chi phí sản xuất trong chăn nuôi cá tra thương phẩm” của ThS. Phạm Thị Thu Hồng và cộng sự thuộc Chi cục Thủy sản Vĩnh Long đã đạt giải nhì trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa lần thứ IV, năm 2012- 2013.