Người trồng sắn thiệt hại nặng vì rệp sáp bột hồng

Lây lan nhanh
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, hiện rệp sáp bột hồng phát sinh gây hại trên 152ha sắn, tỉ lệ hại từ 0,1 đến 90% cây, giai đoạn cây con - phát triển thân lá. Trong đó, các huyện Đồng Xuân bị gây hại 66ha, Sông Hinh 63ha, Tuy An 4,5ha, Phú Hòa 2,5ha, Tây Hòa 3ha, Sơn Hòa 7,9ha, TX Sông Cầu 5ha...
Trước đó, đầu tháng 5, rệp sáp bột hồng gây hại 60ha sắn tại các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Tuy An và TX Sông Cầu, nay lây lan ra các huyện Phú Hòa, Tây Hòa và Sơn Hòa. Ông Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, cho biết 152ha sắn bị rệp sáp bột hồng gây hại là diện tích nông dân trồng gần đường, cán bộ ngành Nông nghiệp đi khảo sát phát hiện được. Đối với diện tích nông dân trồng trong vùng hẻo lánh thì chưa thống kê được. Điều đáng lo là năm nay rệp sáp bột hồng xuất hiện vào thời điểm sắn còn non và vào mùa nắng, nên khả năng lây lan nhanh.
Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Đồng Xuân, đầu tháng 3 vừa qua, rệp sáp bột hồng xuất hiện gây hại 0,8ha sắn ở các xã Xuân Quang 1, Xuân Lãnh. Đến nay, rệp sáp bột hồng lây lan gây hại 66ha ở các vùng trồng sắn của xã Xuân Quang 3, Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2. Ông Bùi Văn Tứ, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Đồng Xuân, cho biết: Năm ngoái, tại các xã Xuân Quang 1, Xuân Lãnh, rệp sáp bột hồng xuất hiện gây hại cuối tháng 9; lúc đó đang bước vào mùa mưa, mà đặc điểm của rệp sáp bột hồng là mùa mưa chúng tự chết. Còn hiện nay, chúng xuất hiện đầu mùa nắng nên khả năng lây lan nhanh. Hơn nữa, năm ngoái thời điểm đó, sắn đã cho củ, còn năm nay sắn non nên khả năng mất trắng năng suất rất lớn.
Còn tại các huyện Tây Hòa, Phú Hòa và TX Sông Cầu, năm nay lần đầu tiên người dân “chứng kiến” rệp sáp bột hồng gây hại sắn. Tại vùng trồng sắn bị rệp sáp bột hồng gây hại ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), cây sắn trồng 3 tháng tuổi nhưng cao không quá 3 gang tay người lớn.
Thiệt hại tiền tỉ
Dọc theo tuyến đường qua các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Ea Bar, Ea Bá (huyện Sông Hinh), nhiều diện tích sắn bị rệp sáp bột hồng gây hại còi cọc, chậm phát triển. Theo thống kê của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Sông Hinh, hiện rệp sáp bột hồng gây hại hầu hết các vùng trồng sắn trong huyện.
Còn tại xã An Hải (huyện Tuy An), đây là năm thứ hai người trồng sắn thiệt hại do rệp sáp bột hồng gây hại. Ông Biện Văn Xuân ở xã An Hải, trồng 5 sào sắn đều bị rệp sáp bột hồng làm cho còi cọc, kém phát triển nên phải tiêu hủy hết số diện tích. “Sắn tôi trồng vùng gò đồi gần nhà, hai năm liền sắn bị nhổ, đốt và tiêu hủy toàn bộ nên tôi phủi tay, thiệt hại không sao kể hết”, ông Xuân nói.
Theo tính toán của nhiều người trồng sắn, nếu sắn phát triển bình thường đến vụ thu hoạch, sau khi trừ chi phí lãi 20 đến 25 triệu đồng/ha. Như vậy với số diện tích sắn bị rệp sáp bột hồng gây hại với trên 152ha, người trồng sắn bị thiệt hại hàng tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hạ, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật Miền Trung, cho biết: Nông dân khi làm đất trồng sắn cần phải triệt để tàn dư cây sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng. Trồng sắn với mật độ hợp lý, bón phân đầy đủ, cân đối để cây sắn phát triển khỏe mạnh tăng khả năng chống chịu rệp, đồng thời luân canh cây sắn với các cây trồng khác như đậu, lúa nước… để giảm nguy cơ xuất hiện rệp sáp bột hồng. Cũng theo ông Hạ, khi sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng thì cây còi cọc chậm phát triển, không cho năng suất, người trồng sắn thiệt hại lớn về kinh tế. Để ngăn chặn rệp sáp bột hồng gây hại, địa phương cần vận động nhân dân không vận chuyển hom giống sắn từ khu vực đã bị nhiễm rệp sáp bột hồng đến các vùng khác. Khi sắn đã bị rệp sáp bột hồng gây hại thì tiến hành tiêu hủy nhằm cắt đứt nguồn lây lan, đặc biệt là không sử dụng cây sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng làm giống trong vụ trồng mới.
Có thể bạn quan tâm

Theo báo cáo sơ bộ từ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, mưa to kéo dài suốt một tuần qua đã làm cho nhiều ao đầm nuôi tôm, cá của người dân bị ngập, tôm, cá tràn ra ngoài. Nhiều hộ dân đã bị mất trắng từ đầu vụ nuôi.

Tổng Công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (SABECO) vừa tổ chức trao tặng biểu trưng hỗ trợ ngư dân bám biển cho hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi với số tiền 12 tỷ đồng (mỗi tỉnh 6 tỷ đồng). Số tiền này sẽ được đầu tư trang bị tàu đánh cá mới để ngư dân có công cụ vươn khơi bám biển.

Sau khi Công an Hà Nội bắt giữ vụ giống lúa BC15 của Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình (TSC) bị làm giả, lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) và đại diện doanh nghiệp khẳng định, việc giống giả không liên quan đến lúa BC15 lép ở một số tỉnh.

Công ty TNHH trái cây Long Khánh (TX.Long Khánh - Đồng Nai) chuyên cung cấp hàng cho các hệ thống siêu thị lớn, như: BigC, Co.opMart với doanh thu mỗi tháng đạt cả tỷ đồng. Giám đốc công ty là anh Huỳnh Văn Hải, người đã bỏ nhiều công sức xây dựng thương hiệu cho trái cây đặc sản của địa phương.

Rau nhút là loại chỉ ưa sống và phát triển tốt ở vùng nước sạch sẽ. Người trồng rau nhút cũng không cần sử dụng nhiều phân, thuốc nên loại rau này còn được xem là thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Đó là điều kiện thuận lợi để mô hình trồng rau nhút được nhiều hộ dân ở ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú - An Giang) nhân rộng.