Người Trồng Sắn Thiệt Hại Nặng Vì Rệp Sáp Bột Hồng

Mới đây, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên phối hợp với huyện Tuy An tiến hành tiêu hủy vùng sắn đã bị rệp sáp bột hồng gây hại nặng nhằm cắt đứt nguồn lây lan sang diện rộng. Lần đầu tiên rệp sáp bột hồng xuất hiện gây hại, người trồng sắn thiệt hại kinh tế hàng trăm triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Xin ở xã An Hải (huyện Tuy An) trồng 4 sào sắn bị rệp sáp bột hồng gây hại, cho hay: “Năm ngoái, đến mùa thu hoạch sắn tôi thu được 12 triệu đồng. Năm nay sắn bị nhổ, đốt và tiêu hủy toàn bộ nên tôi phủi tay về không, chưa kể tiền thuê công làm cỏ, phân thuốc tốn cả triệu”.
Ruộng sắn của bà Xin trồng 6 tháng tuổi nhưng cao không quá 2 gang tay người lớn. Ban đầu thấy lá sắn bị vàng bà Xin tưởng là do nắng hạn thiếu nước. Khi trời mưa xuống, đất ướt bà bón phân mà lá vẫn không xanh. Cứ nghĩ bị rầy nên gia đình phun thuốc nhiều lần mà sắn vẫn bị xoăn đọt.
Dọc theo tuyến đường ven biển đoạn qua xã An Hải, nhiều diện tích sắn cũng đã được tiêu hủy do bị rệp sáp bột hồng gây hại. Ông Biện Văn Xuân trồng 8 sào sắn đều bị rệp sáp bột hồng gây hại làm cho còi cọc, kém phát triển nên phải tiêu hủy hết số diện tích.
“Sắn tôi trồng vùng gò đồi gần nhà, thường mấy năm trước thu hoạch trước tết bán kiếm tiền sắm sửa, chi tiêu trong gia đình. Không ngờ năm nay bị rệp sáp bột hồng đu bám làm cho sắn quắn đọt, đến thời điểm này cây sắn trồng đã hơn nửa năm nhưng chỉ cao trên đầu gối” - ông Xuân nói.
Theo thống kê của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tuy An, niên vụ sắn 2014 - 2015, toàn huyện trồng 550 ha sắn, trong đó xã An Hải 40 ha, hiện bị rệp sáp bột hồng gây hại phải tiêu hủy 15 ha. Theo tính toán của nhiều người trồng sắn, đến vụ thu hoạch, sau khi trừ chi phí lãi 20 đến 25 triệu đồng/ha (tùy theo trồng ở vùng đất gò đồi hay triền soi). Như vậy với số diện tích sắn bị rệp sáp bột hồng gây hại đã tiêu hủy, người trồng sắn bị thiệt hại trên 300 triệu đồng.
Ông Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, cho biết, khi sắn bị rệp sáp bột hồng thì cây còi cọc chậm phát triển, không ra củ hoặc củ rất nhỏ nên không cho năng suất.
Sở NN-PTNT vừa có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan phối hợp với trạm bảo vệ thực vật và trạm khuyến nông tiến hành tổng điều tra rệp sáp bột hồng trong toàn địa phương nhằm xác định, đánh giá vùng gây hại của rệp sáp bột hồng để có biện pháp quản lý kịp thời.
“Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên triển khai tập huấn cho nông dân các vùng trồng sắn về tác hại và biện pháp quản lý dịch rệp sáp bột hồng. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt để kiểm tra và phát hiện rệp sáp bột hồng ở các địa phương nhằm phòng ngừa sự lây lan gây thiệt hại kinh tế người trồng sắn” - ông Mạnh nói.
Có thể bạn quan tâm

Trong thời gian qua, giá cá tra thương phẩm tại Đồng Tháp và An Giang liên tục sụt giảm khiến người nuôi thua lỗ, kéo theo các cơ sở sản xuất cá tra giống cũng gặp không ít khó khăn.

Những năm gần đây, việc xuất khẩu tôm nguyên liệu ngày càng khó khăn, khi chất lượng tôm nguyên liệu và chế biến trong nước đang bị đe dọa bởi tình trạng lạm dụng hóa chất trong quá trình nuôi và hành vi bơm chích tạp chất trong khâu sơ chế và chế biến. Hành vi này cần được ngăn chặn triệt để, để bảo đảm chất lượng tôm xuất khẩu và trên hết là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Từ đầu tháng 5/2015 đến nay, hàng trăm hộ nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau gặp khó bởi vụ tôm này gần như mất trắng.

Tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng của TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình 6 tháng đầu năm 2015 đạt trên 6.000 tấn các loại, trong đó khai thác 5.724 tấn, nuôi trồng hơn 300 tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ, bằng 58,44% kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất thủy sản 158 tỷ đồng.

So với các địa phương trong vùng biển Gio Linh (Quảng Trị) thì thị trấn Cửa Việt là địa phương có lợi thế phát triển kinh tế biển và dịch vụ du lịch với đơn vị hành chính được thành lập sau khi chia tách một số thôn của xã Gio Hải và Gio Việt có vị trí thuận lợi nhờ vào cảng biển và cửa lạch, đồng thời cư dân ở thị trấn Cửa Việt có bề dày kinh nghiệm về đánh bắt hải sản...