Người Trồng Mía Lao Đao Vì Giá Thấp Ở Thanh Hóa

Thời gian gần đây, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (đóng trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), thu mua mía của các hộ dân tại xã Thọ Hải, Thọ Xuân với giá thấp, khiến nhiều hộ có nguy cơ lỗ nặng. Do đó, nhiều người dân đã chặn đường, không cho xe vào bốc mía chở về công ty.
Được biết, xã Thọ Hải là vùng trồng mía nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy Mía đường Lam Sơn. Năm 2012, xã Thọ Hải trồng trên 150ha mía, số diện tích này được nhà máy ký kết với 34 chủ hợp đồng ở địa phương. Trước đây, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn thu mua giá mía nguyên liệu đạt 10 chữ đường tại xã Thọ Hải với mức giá sàn 1.050.000 đồng/tấn và giá 1,2 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên, sang năm 2012, giá mua của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn hạ xuống mức giá sàn là 900.000 đồng/tấn và 950.000 đồng/tấn. Đặc biệt, từ 1-1-2013, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn ra thông báo số 701 với nội dung: không mua mía của người dân Thọ Hải với mức giá sàn nữa mà chỉ chấp nhận mua theo mức giá 10 CCS.
Thực tế cho thấy không phải ruộng mía nào cũng đạt chỉ số CCS 10 chữ đường. Có những ruộng chỉ có 4,5, nhưng trung bình là 7,8. Nên thông báo này đã không nhận được sự đồng thuận của người dân trồng mía
Theo phản ánh của người dân: chi phí đầu tư trồng 1 hecta mía mất khoảng 40 triệu đồng. Nếu nhà máy không áp dụng giá sàn người dân sẽ lỗ nặng. Ông Lê Văn Độ ở thôn Hải Khoát, xã Thọ Hải cho biết, nhà ông có 6,5ha. Dự tính sau khi thu hoạch, gia đình ông lỗ gần 100 triệu đồng nếu như nhà máy áp dụng mức giá mới.
Nguyện vọng của người dân trồng mía xã Thọ Hải là nhà máy thu mua theo giá sàn như tháng 12-2012. Nhiều hộ gia đình đã chặt mía, nhưng khi biết giá thấp, thì nhất định không chịu bán cho nhà máy. Nên càng để lâu thì sản lượng và chất lượng càng giảm.
Trước nguyện vọng của người dân trồng mía xã Thọ Hải, ngày 9-1-2013, lãnh đạo Công ty Mía đường Lam Sơn đã có buổi họp với người dân xã Thọ Hải. Tuy nhiên, những vấn đề của người dân đặt ra vẫn chưa được phía công ty chấp thuận.
Ông Lê Minh Đức, Phó ban trực chỉ đạo mía đường xã Thọ Hải khẳng định: với mức giá thu mua của công ty đưa ra hiện nay, người dân sẽ lỗ nặng. Vì thế, một số người dân đã chặn không cho xe vào bốc mía chở về công ty. Nếu tình hình này kéo dài, sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân…
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, tại Hải Minh trong thuộc tổ 46, KV 9, phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn (Bình Định) có 80 hộ nuôi cá lồng biển tại vùng biển đầm Thị Nại, với khoảng 720 lồng nuôi đã an tâm và phấn khởi nhờ cá hồng giống - đối tượng nuôi chủ lực, đã hết khan hiếm và giá thấp.

Ngày 27/10, tại TP.HCM, hội nghị hồ tiêu quốc tế lần thứ 42 (diễn ra từ ngày 27 – 30/10) đã khai mạc với sự tham dự của 250 đại biểu đến từ hàng chục quốc gia trên thế giới.

Chiều 27/10, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, ông cùng đoàn công tác của tỉnh gồm nhiều cán bộ trong ngành thủy sản vừa kết thúc chuyến công tác tại tỉnh Okinawa với những kết quả vô cùng phấn khởi.

Theo đó, KRC sẽ chịu trách nhiệm thúc đẩy nguồn viện trợ thông qua hình thức vốn để đầu tư cho tỉnh Đồng Tháp xây dựng cánh đồng liên kết với quy mô dự kiến là 20.000 ha, nhằm sản xuất lúa gạo, trong đó bao gồm cả vấn đề chỉnh trang đồng ruộng, cơ giới hóa và xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.

Như vậy, nếu so với cách đây 1 tháng, giá heo hơi ở ĐNB đã giảm 4.000-5.000 đ/kg. Còn ở ĐBSCL, giá heo hơi cũng đã từ mức 51.000-53.000 đ/kg hồi cuối tháng 9 giảm xuống còn 49.000-51.000 đ/kg ở thời điểm này. Như vậy, đã lâu lắm rồi, giá heo hơi loại tốt ở ĐNB mới lại xuống ở mức còn 50.000-51.000 đ/kg.