Người Trồng Mía Gánh Nhiều Nỗi Lo

Ở Đồng Nai đang vào vụ thu hoạch mía, song người trồng mía kém vui bởi nhiều nỗi lo: năng suất thấp, giá giảm mạnh, chữ đường trồi sụt khó lường và bị đánh giá tạp chất cao.
Theo nhiều người trồng mía, chữ đường tăng hoặc giảm ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập. Ở vụ mía này, các nhà máy quy định, cứ giảm 1 chữ đường sẽ trừ 85 ngàn đồng/tấn. Như vậy, chỉ cần giảm 1 chữ đường, nông dân sẽ mất hơn 5 triệu đồng/hécta. Nếu bị đánh giá tạp chất cao, sẽ bị trừ thêm gần 1 triệu đồng/hécta.
* Thắc mắc chữ đường, tạp chất
Niên vụ 2013-2014, giá mía tại bàn cân nhà máy chỉ còn 930-950 ngàn đồng/tấn với mía 10 chữ đường, giảm hơn 100 ngàn đồng/tấn so với vụ trước. Nhiều người trồng mía đang thắc mắc việc đo chữ đường và tạp chất của các nhà máy. Trong thực tế, rất ít nông dân trồng mía đạt được 10 chữ đường, đa số chỉ đạt trên dưới 8 chữ đường. Vì thế, giá mía nông dân bán tại bàn cân nhà máy chỉ chừng 700-780 ngàn đồng/tấn. Tính chi phí đầu tư, thuê thợ chặt, xe chở mía về nhà máy, nông dân hết lời.
Ông Ngô Ngọc Hưởng ở ấp An Bình, xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom), nói: “Cùng một ruộng mía chăm sóc như nhau và thu hoạch đưa về nhà máy cùng thời điểm, song xe thì đo được 9 chữ đường, xe chỉ gần 8 chữ“. Tương tự, ông Nguyễn Văn Huệ, ấp 1, xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch), thắc mắc: “Mía thu hoạch đầu vụ với cuối vụ chênh nhau 1-2 chữ đường còn hợp lý, nhưng thu cùng thời điểm mà chênh nhau đến 2 chữ đường là rất vô lý. Và cùng là mía như nhau, có xe đánh giá tạp chất cao, xe lại thấp”.
Lý giải vấn đề kiểm tra chữ đường, tạp chất, Phó giám đốc Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An Trần Văn Ngà khẳng định: “Nhà máy từ trước đến nay làm việc rất uy tín, không có chuyện gian lận chữ đường hoặc cố tình đẩy tạp chất trong mía lên cao để trừ tiền của nông dân”. Tuy nhiên, ông Ngà cũng thừa nhận việc đánh giá chữ đường đôi khi chưa thật công bằng. Vì trên một xe mía, nhà máy sẽ lấy ngẫu nhiên một bó mía để đo chữ đường và đánh giá tạp chất. Nếu không may gặp phải bó mía nông dân chặt để ngọn và lá quá nhiều thì chữ đường sẽ thấp, còn tạp chất thì cao. Phía Công ty cổ phần mía đường La Ngà cũng cho hay, việc đo chữ đường và tính tạp chất là vấn đề khá nhiều nông dân trồng mía thắc mắc, nhưng cách đo chữ đường và tạp chất các nhà máy đều giống nhau.
* Lỗi ở khâu nào?
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phan Minh Báu, nhận xét: “Mía chăm sóc khác nhau, thu hoạch đầu vụ, giữa vụ hoặc cuối vụ chữ đường tăng, giảm là chuyện bình thường. Song trên cùng ruộng chăm sóc, thu hoạch cùng thời điểm, mía khó có thể chênh nhau đến 2 chữ đường”.
Cũng theo ông Báu, nhiều nông dân đề nghị nên có đơn vị độc lập đo chữ đường, tạp chất trong mía vì sẽ công bằng hơn. Song điều này hiện không thể thực hiện được vì sẽ không có đủ con người, máy móc để làm. Ông Huỳnh Thành Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết: “Những giống mía các nhà máy đưa về cho nông dân sản xuất đều là giống có năng suất, chất lượng cao trên 10 chữ đường. Nhưng khi sản xuất tại Đồng Nai, chỉ đạt 8-9 chữ đường thì phải coi lại xem lỗi do khâu nào để tránh thiệt hại cho nông dân”.
Ông Nguyễn Văn Tải, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường La Ngà, nhận định: “Với giá mía này, những hộ trồng mía có năng suất thấp sẽ lỗ. Để tránh thiệt thòi trong quá trình đo chữ đường, tạp chất, khi thu hoạch nông dân cần làm đúng theo quy trình”. Còn Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An yêu cầu nông dân chặt mía sát gốc, năng suất tăng thêm 4 tấn/hécta, còn chữ đường tăng thêm 0,5. Như vậy, nông dân sẽ có thêm hơn 7 triệu đồng/hécta.
Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, đến cuối tháng 10-2013 lượng đường tồn kho tại các nhà máy trong cả nước là 159.500 tấn, tăng hơn 49 ngàn tấn so với cùng kỳ năm 2012. Trong tháng 9, Bộ Công thương vẫn cấp quota nhập khẩu về 75 ngàn tấn đường. Việc nhập khẩu số lượng lớn, kèm theo đường lậu tràn vào Việt Nam khá nhiều buộc các doanh nghiệp mía đường trong nước giảm tiếp 500 đồng/kg đường, xuống còn 14.500 đồng/kg loại đường trắng.
Có thể bạn quan tâm

Cứ mỗi sáng, các hộ nuôi tôm kẹt ở sông Chà Và, xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) phải vớt bỏ tôm chết, người ít thì vài ba ký, người nhiều cả chục ký. Với giá tôm trung bình 800 ngàn/kg, giá trị thiệt hại ước tính từ vài triệu đến gần chục triệu đồng/ngày. Đó là những gì mà các hộ nuôi tôm lồng bè trên sông Chà Và hứng chịu từ tháng bảy âm lịch đến nay.

Ốc mút - như tên dân dã của nó - vốn chẳng phải là loại đặc sản cao cấp gì. Thế nhưng thời gian gần đây, ốc mút lại đang lên “cơn sốt” ở một số huyện miền Đông như Đầm Hà, Hải Hà (Quảng Ninh)... Người ta đổ xô đi bắt ốc mút để bán cho các thương lái Trung Quốc. Mặc dù hỏi chính các chủ buôn là thu mua ốc mút về làm gì thì ai cũng lắc đầu: Không biết!...

Trong tháng 1, thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản, ngư dân mạnh dạn đầu tư ngư lưới cụ và máy có công suất lớn, các đội tàu đánh bắt xa bờ tích cực ra khơi và có những chuyến ra khơi đánh bắt được mùa bội thu. Sản lượng khai thác biển trong tháng 1 ước đạt 16.000 tấn, tăng 18,52% so với cùng kỳ.

Tổng sản lượng thủy sản 177.900 tấn (đạt 103,06% kế hoạch), tăng 23.368 tấn so với năm 2013, trong đó, sản lượng nuôi 99.550 tấn, tăng 18.284 tấn (đạt 102,79% kế hoạch), sản lượng khai thác 78.390 tấn, tăng 5.083 tấn (đạt 103,42% kế hoạch). Đây là điều kiện thuận lợi để năm 2015 tiếp tục phát huy kết quả đạt được và tận dụng, khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển.

Qua trao đổi với anh Thường cùng một số hộ nuôi cá lồng và làm việc với ông Trương Mai Chưng, Chủ tịch UBND xã Lương Ngoại, tất cả đều khẳng định: Với nguồn lợi sinh thủy từ nguồn nước do Nhà máy Thủy điện Bá Thước 2 mang lại; trong vùng lại sẵn có luồng để làm lồng; thức ăn cho cá không phải mua; chỉ “lấy công làm lãi”, nhưng công cũng không nhiều.