Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Trồng Mía Bị Nâng Khống Tiền Nợ

Người Trồng Mía Bị Nâng Khống Tiền Nợ
Ngày đăng: 19/05/2012

Cả trăm hộ dân trồng mía ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) vô cùng bức xúc vì bị nhân viên nông vụ của Công ty TNHH Công nghiệp KCP - Việt Nam (Công ty KCP), chiếm đoạt tiền.

Nợ 20 tấn thành 50 tấn

Những năm qua, Công ty KCP đầu tư giống mía, tiền phân bón, công chăm sóc cho nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Phú Yên. Khi nông dân bán mía nguyên liệu cho Công ty KCP, bên mua sẽ khấu trừ các khoản đầu tư trước khi thanh toán tiền mía cho bên bán. Lợi dụng nông dân trình độ học vấn thấp, nhiều người không biết chữ, phải lăn tay vào biên bản giao nhận tiền mà không kiểm tra số liệu, ông Lê Như Hiệp - nhân viên nông vụ của Công ty KCP, đã gian dối họ để chiếm đoạt tiền.

Bà La O Thị Dẻo - nông dân ở xã Sơn Phước, bức xúc: “Tháng 3.2011, gia đình tôi có mượn của Công ty KCP 20 tấn mía giống, đến khi thu hoạch, tôi mới phát hiện ông Lê Như Hiệp đã nâng khống số nợ của tôi thêm 30 tấn mía giống, nên gia đình tôi phải gánh chịu thêm khoản nợ 30 tấn giống mía”.

Mới đây, ông Sô Minh Tría, cũng ở xã Sơn Phước, thu hoạch mía chở về nhập tại Công ty KCP với số lượng trên 18 tấn mía cây. Tuy nhiên, khi thanh toán, ông Tría bị trừ số tiền mượn trước gần 12 triệu đồng, trong khi đó ông mượn chỉ có 5 triệu đồng.

Hàng trăm hộ dân khác khi thu hoạch mía cũng tá hỏa khi phát hiện ra ông Lê Như Hiệp đã nâng khống số lượng mía giống, tiền phân bón… để chiếm đoạt số tiền lớn.

Ông Sô Minh Lộc - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phước cho biết: “UBND xã đã nhận đơn tố cáo ông Hiệp của rất nhiều bà con trồng mía trong xã. UBND xã đã tiến hành họp kiểm tra và phát hiện tình hình đúng như vậy. Ông Hiệp có chiêu bài nâng khống số nợ của dân để rút tiền. Trong các thủ tục giao nhận với dân, với những con số, ông chỉ ghi bằng số không ghi bằng chữ. Khi các bên đã ký xong, ông mới lấy bút sửa con số, ví dụ, 8 tấn thì sửa thành 18 tấn…”.

Không trồng mía cũng... nợ

Sau khi sự việc xảy ra, UBND xã Sơn Phước kiểm tra phát hiện trong số 113 hộ nông dân ở Sơn Phước được Công ty KCP đầu tư hơn 773 tấn giống mía, thì 78 tấn mía giống trong số đó là do ông Hiệp nâng khống. Ngoài ra ông Hiệp còn lập ra 31 hồ sơ đầu tư cho 31 nông dân trồng mía trên diện tích 54,3ha để chiếm đoạt 540,6 tấn giống mía và số tiền 5,8 triệu đồng, trong thực tế những hộ này không trồng mía.

Ngày 17.5, Công an huyện Sơn Hòa cho biết, đang tiến hành điều tra xác minh vụ việc trên. Trước đó, Công an huyện Sơn Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lê Như Hiệp về hành vi đánh bạc dưới hình thức xóc bầu cua ăn tiền với quy mô lớn, mỗi ván lên đến vài triệu đồng.

Ông Cao Minh Hòa - Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết, huyện đã có văn bản yêu cầu Công ty KCP giải quyết sự việc trên, nếu công ty đề nghị, huyện sẽ giao các cơ quan chức năng làm rõ.

Theo ông K.V.S.R Subbaiah- Tổng Giám đốc Công ty KCP, trong quá trình làm nhiệm vụ giám sát nông vụ, ông Lê Như Hiệp đã nâng khống số lượng mía giống, tiền phân bón, tiền công chăm sóc của gần 130 nông dân, cao hơn thực tế được nhận, rồi chiếm dụng gần 1 tỷ đồng. Hiện nay, khi đến mùa thu hoạch, Công ty KCP thu hồi lại số tiền đầu tư nguyên liệu cho nông dân thì nhiều nông dân phát hiện số nợ công ty cao hơn rất nhiều số tiền thực tế đã nhận.

Nhiều trường hợp khác không có đất sản xuất nhưng ông Hiệp đã tự hợp thức hóa thành các hồ sơ đầu tư để nhận mía giống, tiền phân bón từ công ty, sau đó bỏ túi. Cũng theo ông Subbaiah, hiện ông Lê Như Hiệp đã thừa nhận việc làm sai phạm của mình và hứa sẽ trả lại công ty số tiền chênh lệch đã nhận.

Có thể bạn quan tâm

Nghề Nuôi Cá Lồng Bè Đang Phát Triển Mạnh Nghề Nuôi Cá Lồng Bè Đang Phát Triển Mạnh

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản, hiện toàn tỉnh Bến Tre có 118 cơ sở nuôi cá lồng bè với số lượng 441 bè, trong đó nuôi ngoài qui hoạch 91 cơ sở với 321 bè. Nuôi nhiều nhất tập trung tại Sơn Định, Thị trấn Chợ Lách, Long Thới, Vĩnh Bình, Phú Phụng (Chợ Lách); Phú Đức, Phú Túc, An Khánh, Tân Thạch (Châu Thành).

07/01/2014
Giải Pháp Hiệu Quả Hạn Chế Tình Trạng Lợn Chết Do Bệnh Tai Xanh Giải Pháp Hiệu Quả Hạn Chế Tình Trạng Lợn Chết Do Bệnh Tai Xanh

Bệnh tai xanh là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với đàn lợn. Nguyên lý gây bệnh của tai xanh là mặc dù tấn công vào hệ thống miễn dịch của cơ thể lợn nhưng chỉ gây tỷ lệ lợn chết từ 1-5%.

14/12/2013
Tôm “Bơm Rau Câu” Đe Dọa Xuất Khẩu Tôm Tôm “Bơm Rau Câu” Đe Dọa Xuất Khẩu Tôm

Tình trạng tôm “bơm rau câu” chứa tạp chất (agar) đe dọa thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam và đòi hỏi các biện pháp khắc phục cấp bách.

07/01/2014
Vụ Cá Nuôi Lồng Bè Chết Bất Thường Trong 2 Ngày 25 Và 26-12-2013 Do Ô Nhiễm Nguồn Nước Vụ Cá Nuôi Lồng Bè Chết Bất Thường Trong 2 Ngày 25 Và 26-12-2013 Do Ô Nhiễm Nguồn Nước

Đó là báo cáo kết luận số 690/BC-TYTS của Chi cục Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi lấy mẫu nước và mẫu cá chết ngay tại thời điểm xảy ra vụ việc để làm các xét nghiệm.

07/01/2014
Thêm 87 Con Gia Súc Chết Trong Tuần Qua Thêm 87 Con Gia Súc Chết Trong Tuần Qua

Thời tiết tại khu vực vùng cao huyện Bát Xát và huyện Sa Pa (Lào Cai) đã có ấm lên, nhưng theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tuần qua tại huyện Sa Pa và Bát Xát vẫn có 87 con gia súc bị chết sau đợt rét đậm kéo dài.

07/01/2014