Người Trồng Lúa Vẫn Nhiều Lo Âu

Gặp phóng viên, nhiều nông dân Đồng Tháp Mười đều bày tỏ tâm tư về tình hình sản xuất nông nghiệp khó khăn giống như những điều nông dân Huỳnh Văn Sơn đã viết trong thư gửi Bộ trưởng Bộ NNPTNT.
Không có tiền trả nợ
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hai ở xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An buồn so kể lại: “Cuối tháng 6 vừa rồi, vợ chồng tôi cân lúa bán cho thương lái mà nước mắt cứ chảy dài. Vụ hè thu năm nay, nhà tôi trồng 1ha lúa IR50404, năng suất đạt hơn 6 tấn nhưng giá bán khi đó chỉ được có 3.200 đồng/kg lúa tươi. Vị chi bán 6 tấn lúa chưa được 20 triệu đồng, trong khi vay ngân hàng, nợ tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của đại lý là hơn 25 triệu đồng. Vụ trước cũng nợ 4 triệu dù trúng mùa. Thật tình sắp tới tôi chẳng biết có nên trồng lúa nữa không”.
Ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cũng bày tỏ sự ngao ngán với nghiệp trồng lúa. Nhà ông “trung thành” với giống lúa IR 50404 cũng đã gần chục năm, nhưng càng trồng ông càng lỗ. “Mấy năm trước còn lời 5 - 7 triệu đồng/vụ, nhưng 3 - 4 vụ gần đây nhà tôi chỉ hòa vốn và lỗ. Vụ đông xuân vừa rồi lỗ gần 1 triệu đồng, vụ hè thu này lỗ hơn 2 triệu đồng. Nhà tới 5 miệng ăn, thiệt là khổ...” - ông than thở.
Hoang mang chuyển đổi
Ông Tư Triều ở xã Bình An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An là một trong những nông dân năng động, 3 năm trước đã bỏ giống lúa IR 50404 để chuyển qua trồng nếp. Mỗi vụ ông trồng có lời từ 20 - 25 triệu đồng/ha. Tuy nhiên hiện ông cũng đang rất lo lắng trước tình hình xuất khẩu khó khăn hiện nay và tình trạng lúa IR 50504 khó tiêu thụ, nhiều người muốn chuyển đổi sang trồng nếp trong vụ sau. “Cả tỉnh đang có khoảng 50.000 - 70.000ha trồng nếp, nếu vụ sau bà con đổ xô trồng nếp, tăng lên 100.000 - 150.000ha thì không biết lúc đó thị trường có tiêu thụ hết không, hay sẽ lại bị dư thừa rồi giá giảm...”- ông Triều nói.
Nông dân Nguyễn Văn Dũng cũng cho hay: Tỉnh Long An đang khuyến khích nông dân bỏ bớt 1 vụ lúa trồng 1 vụ bắp hay đậu nành, mè. Nhưng nói thật chúng tôi còn hoang mang lắm vì không biết kỹ thuật trồng, và nếu trồng bắp, đậu nành có ai đảm bảo sẽ thu mua cho chúng tôi, hay lúc đó phải bẻ bắp cho bò ăn?” - ông Dũng lo âu.
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện nuôi cá tra theo quy trình VietGAP là cơ sở để chứng minh chất lượng cá tra của Việt Nam trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, hiện nay tiêu chuẩn VietGAP vẫn chưa được quốc tế công nhận đã khiến cho cả doanh nghiệp chế biến và người nuôi thủy sản vẫn đang phân vân.

Như tin đã đưa, ngày 20-5, Chi cục Thú y đã phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Phòng Kinh tế TP Móng Cái (Quảng Ninh) tiến hành thu 14 mẫu tại Hải Hòa và Vạn Ninh để xét nghiệm dịch bệnh. Ngày 25-5, kết quả xét nghiệm của Cơ quan Thú y Vùng 2 và kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương cho thấy: Có 5 mẫu tôm dương tính với bệnh đốm trắng; 9 mẫu dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.

Quy hoạch nuôi tôm nước lợ ĐBSCL đến năm 2020, định hướng năm 2030 là vấn đề trọng tâm được thảo luận tại hội thảo do Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức tại Bạc Liêu.

Xã Xuân Hòa (Xuân Trường - Nam Định) có sông Sò chảy qua, đây là một nhánh sông nhỏ của sông Hồng chịu ảnh hưởng của thủy triều và nước mặn từ biển nên có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở cả nước mặn, nước lợ và nước ngọt.

Ngày 14 tháng 5 năm 2015, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 21/2015/QĐ-UBND về quy định chính sách khuyến khích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong nông nghiệp và thủy sản.Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 5 năm 2015.