Người Trồng Dưa Hấu Méo Mặt

Vụ này, người trồng dưa “méo mặt” vì mất mùa, mất giá, lại còn bị một số phần tử xấu ăn chặn khi xuất bán.
Theo các thương lái chuyên thu mua dưa hấu đưa đi tiêu thụ tại thị trường miền Bắc và Trung Quốc, vụ dưa này cả thị trường nội địa và thị trường Trung Quốc đều “ăn” rất yếu. Do vậy, giá thu mua dưa tại ruộng hiện đang rất thấp.
Ông Lê Đình Chiến ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), thương lái chuyên thu mua dưa hấu từ miền Nam ra tới miền Trung, lên đến Tây Nguyên để cung ứng cho thị trường Trung Quốc, cho biết: “Trong Tết Nguyên đán, giá dưa được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc và miền Bắc còn khá cao, nên chúng tôi thu mua dưa tại ruộng với giá hơn 10.000đ/kg, người trồng dưa còn phấn khởi.
Thời điểm hiện tại, thị trường nội địa đang tiêu thụ rất yếu, thị trường Trung Quốc cũng không hơn gì nên chúng tôi thu mua tại ruộng với giá chỉ 5.000đ/kg. Với cái giá này, người trồng dưa thua lỗ là cái chắc”.
Ông Lê Hà Nhi (40 tuổi), quê ở thôn 3, xã Bình Nghi (Tây Sơn-Bình Định), người đã có gần 15 năm “du canh” trồng dưa hấu hiện đang thuê hần 1 ha đất ở Phú Túc (Krông Pa-Gia Lai) trồng dưa hấu, cho biết thêm: “Hiện nay, diện tích trồng dưa hấu của tui ở Phú Túc thu hoạch đã gần hết.
Giá bán dưa trong vụ này rất thảm, chỉ 5.000đ/kg. Vụ dưa năm nay bị mất mùa do thời tiết những tháng trước Tết Nguyên đán bất thuận nên năng suất dưa đạt rất thấp, mất đến 1/3 năng suất so cùng kỳ năm trước”.
Theo tính toán của ông Nhi, nếu như vụ này năm trước năng suất dưa đạt bình quân hơn 2 tấn/sào thì năm nay chỉ đạt 1,5 tấn. Mỗi sào dưa được đầu tư bình quân 8 triệu đồng, nếu dưa thu hoạch đạt hết loại 1 bán được 5.000đ/kg, thu được 7,5 triệu đồng/sào thì người trồng dưa vẫn lỗ 500.000đ/sào, ấy là chưa kể bỏ công chăm sóc suốt mấy tháng trời.
Thế nhưng khi dưa đã ế thì thương lái phân loại dưa còn khắc nghiệt hơn, nên số lượng dưa bị đánh xuống loại 2, loại 3 khá nhiều. Do đó, thu nhập từ 1 sào dưa còn thấp hơn mức 7,5 triệu rất nhiều, người trồng dưa lỗ méo mặt.
“Riêng ruộng dưa của tui, tui tính thấp nhất bị lỗ khoảng 1 triệu đồng/sào. Với 1 ha dưa, vụ này tui lỗ đứt 20 triệu đồng”, ông Nhi than thở.
Không chỉ vậy, người trồng dưa lẫn thương lái đến thu mua dưa tại xã Yayeng thuộc huyện Phú Thiện (Gia Lai) hiện đang gặp thêm cái nạn là bị một số phần tử xấu ở địa phương này “ăn chặn” giá mỗi khi thu hoạch, xuất bán dưa. Theo những thương lái thu mua dưa tại đây, xe nào lên thu mua dưa tại xã Yayeng đều phải cống nộp 1 giá.
Ví dụ, mua 15 tấn dưa phải nộp 1,5 triệu đồng, mua 20 tấn phải nộp 2 triệu. Đơn cử 1 trường hợp, vào ngày 9 tháng Chạp âm lịch năm vừa qua, bà Trần Thị Năm (65 tuổi) ở Diên Khánh (Khánh Hòa) lên thu mua dưa tại xã Yayeng thì bị nhóm thanh niên khoảng 15 người cả nam lẫn nữ đòi phải nộp 5 triệu, nhờ nhà vườn “xin giảm” được 1 triệu nên bà Năm chỉ còn phải nộp 4 triệu.
Không chỉ vậy, với lô dưa bà Năm mua, nhà vườn còn phải “cống nạp” cho nhóm thanh niên kia 5 triệu đồng nữa.
“Đã vậy, số dưa loại 3 tôi không mua vì không tiêu thụ được, bọn họ cũng không cho nhà vườn bán, bắt phải để lại cho họ thu mua nhưng với giá chỉ bằng nửa giá thị trường. Người trồng dưa đã bị mất mùa, mất giá lại còn bị ăn chặn kiểu này thì lỗ to”, bà Năm nói.
“Sau mùng 7 tháng Giêng, Trung Quốc sẽ mở cửa khẩu nhập dưa, không biết khi ấy giá dưa có được cải thiện hay không. Sau Gia Lai, khoảng 10 ngày nữa sẽ đến lượt đồng dưa ở Sông Hinh (Phú Yên) thu hoạch, rồi tiếp tục đến Bình Định, Quảng Ngãi. Người trồng dưa ở Sông Hinh (Phú Yên) đang mong mỏi giá dưa tăng cao trong những ngày tới”, ông Lê Đình Chiến ở Diên Khánh (Khánh Hòa), thương lái chuyên thu mua dưa cung ứng cho thị trường Trung Quốc, cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày qua, vụ mùa nuôi tôm chân trắng ở thôn Trường Định bắt đầu thu hoạch. Tại đây có 23 hộ nuôi trên diện tích 15,25 ha, thu về 58,9 tấn tôm. Khác với cảnh mặc ai nấy bán ở những vùng chăn nuôi khác, tại thôn đã thành lập Chi hội nuôi tôm nhằm thống nhất giá, đảm bảo quyền lợi cho hội viên. Với mức giá tôm thương phẩm 125.000 đồng/kg (khoảng 100 con/kg), toàn thôn thu về 7,36 tỉ đồng, người nuôi tôm lãi ròng từ 100-400 triệu đồng/hộ sau khi trừ chi phí.

Một số ngư dân trên sông Vàm Nao vui mừng vì vừa đánh bắt được cá bông lau loại lớn, bình quân mỗi con cân nặng từ 8 - 9kg, bán 320.000 đồng/kg, thu được từ 2,5 – 2,8 triệu đồng/con. Theo ngư dân Trần Văn Chiến (xã Mỹ Hội Đông, Chợ Mới - An Giang), đây là cá nền (cá còn sót lại sau mùa vụ đánh bắt kéo dài trên 4 tháng) nên đa phần cá rất lớn.

Trong khi rất nhiều hộ thất bại trong chăn nuôi thì vợ chồng chị Nguyễn Thị Dung và anh Trần Minh Long ở thôn ức Vinh, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil không chỉ đứng vững mà còn vươn lên làm giàu nhờ nuôi gà siêu trứng.

Nhằm đánh giá mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng. Vừa qua, Trung tâm Thủy sản (TTTS) Long An đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Đước và Uỷ ban nhân dân xã Tân Chánh, Tân Ân tổ chức hội thảo tổng kết mô hình trình diễn “Nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng sinh học” tại nhà ông Huỳnh Bảo Quốc, xã Tân Ân, huyện Cần Đước.

Đến nay, các huyện vùng Đồng Tháp Mười trong tỉnh Long An đã gieo sạ trên 177.300ha lúa Hè Thu. Hiện nay, dịch bệnh trên lúa đang diễn biến phức tạp, nhất là bệnh rầy nâu, đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, bọ trĩ,... tập trung chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh.