Người Trồng Càphê Phấn Khởi Vì Được Mùa, Được Giá

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, nông dân ở một số vùng trồng càphê trong tỉnh đang bước vào cao điểm thu hoạch. Trong khi đó, giá càphê bán tại vườn được các thương lái thu mua ở mức cao từ 40.000-41.000 đồng/kg, so với tuần trước tăng gần 2.000 đồng/kg.
Đặc biệt, giá càphê từ đầu vụ đến nay vẫn giữ mức ổn định, không xảy ra tình trạng rộ mùa rớt giá như mọi năm.
Vụ thu hoạch càphê năm nay, nhiều nhà vườn phấn khởi vì sản lượng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Toàn tỉnh có trên 20.000ha càphê, tập trung ở các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, thị xã Long Khánh, Trảng Bom…
Huyện Trảng Bom hiện có trên 2.000ha. Nhiều hộ trồng càphê ở đây cho biết, khác với mọi năm, năm nay càphê được mùa, được giá nhưng người trồng càphê vẫn kém vui vì chi phí đầu tư tăng, giá thị trường liên tục biến động.
Ông Giềng Hòa Quáng, ở ấp Tân Thành, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, cho biết so với năm ngoái thì năm nay vụ mùa càphê trúng hơn. Năm ngoái 1ha, thu hoạch được khoảng 6-7 tạ, năm nay được 1,2-1,3 tấn/ha.
Tuy nhiên, năm nay giá phân bón, thuốc trừ sâu... đều tăng nên người trồng chỉ lấy công làm lãi, nếu thuê nhân công thu hoạch thì lãi chẳng được bao nhiêu. Theo ông Quáng, nếu tính bình quân gia đình thu được 1 tấn, cho giá trị trên 40 triệu đồng, nhưng tiền chi phí mua phân bón mất gần 20 triệu đồng.
Theo ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, vài năm gần đây, chương trình cây trồng chủ lực của tỉnh đã hỗ trợ nông dân thâm canh cây càphê về giống, một phần kinh phí đầu tư để chuyển đổi từ giống cũ năng suất kém sang giống mới năng suất cao, chất lượng tốt.
Theo đó, thu nhập của nông dân trồng càphê trong tỉnh ngày càng cao. Đây cũng là một trong những cây trồng được Đồng Nai khuyến khích phát triển vùng chuyên canh với quy mô sản xuất lớn, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để có đầu ra bền vững.
Đặc biệt, những hộ trồng giống càphê TR4 ở huyện Tân Phú đang bước vào mùa thu hoạch với năng suất ước đạt gần 5 tấn/ha, cao gấp 3 lần so với giống địa phương.
Từ thực tế trên, huyện Tân Phú đang vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng càphê giống mới, đồng thời có chính sách hỗ trợ nông dân về giống, khoa học kỹ thuật, hệ thống tưới nước tiết kiệm chi phí sản xuất, từng bước xây dựng những vùng chuyên canh cây càphê đạt năng suất và chất lượng cao.
Nguồn bài viết: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Dong-Nai-Nguoi-trong-caphe-phan-khoi-vi-duoc-mua-duoc-gia-108-48142.html
Có thể bạn quan tâm

Ngày 5-6-2013, tại Bến Tre, Cục Công tác phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phòng Thí nghiệm Công nghệ Nano (LNT) Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Khoa học và Công Nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, tổ chức Hội thảo ứng dụng công nghệ nano bạc trong phòng ngừa bệnh tôm và bảo quản hoa quả.

Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Festival Biển 2013, vừa qua, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa tổ chức Hội thảo khoa học phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam. Gần 100 nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về nghề nuôi chim yến trong cả nước tham dự.

Trước tình trạng hàng trăm ha mía của nông dân đã chín và tới kỳ thu hoạch, nhưng chưa được Nhà máy đường Phổ Phong thu mua, khiến những diện tích trên đang đứng trước nguy cơ mất mùa do nắng nóng, mía trổ cờ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản chỉ đạo việc thu mua mía.

Trong khi người trồng lúa đang như ngồi trên lửa vì giá lúa rớt thê thảm, thì người trồng bắp (ngô) ở ĐBSCL đang có lợi nhuận khá cao, ngay trên những mảnh đất trước đây từng là đất lúa.

Nhằm giúp nông dân có định hướng nuôi trồng thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát huy thế mạnh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện An Phú phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản An Giang (đơn vị chuyển giao kỹ thuật) đã triển khai dự án “Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nuôi cá sặc rằn”, từ tháng 3 - 2011 đến tháng 3 - 2013.