Người Tiên Phong Nuôi Tôm Càng Xanh Ở Đông Mỹ (Hà Nội)

Trong số những mô hình kinh tế trang trại làm ăn có hiệu quả ở huyện Thanh Trì, không thể không kể đến mô hình nuôi trồng thủy sản của ông Nguyễn Duy Hưởng, thôn 3, xã Đông Mỹ, Hà Nội. Không chỉ làm kinh tế có hiệu quả cao, ông Hưởng còn là một trong những người tiên phong đưa con tôm càng xanh về nuôi tại địa phương này.
Năm 2001, xã Đông Mỹ có chủ trương khuyến khích các hộ dân chuyển đổi các diện tích trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển mô hình kinh tế trang trại tập trung. Trong đó, xã tạo điều kiện thuận lợi về dồn đổi ruộng đất và hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất. Nắm bắt cơ hội đó, ông Nguyễn Duy Hưởng đã dồn đổi ruộng của gia đình và thuê thêm 2,8 ha để xây dựng trang trại tại cánh đồng Bình, thôn 3. "Trước kia nhà tôi có hơn 3 sào ruộng. Khu đồng này lại trũng, mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa, nhưng vẫn không chắc chắn vì nhiều năm ngập mất trắng nên thu nhập từ làm ruộng rất thấp" - ông Hưởng chia sẻ.
Với diện tích đó, ông Hưởng vay vốn thuê máy múc đất, đào và kè thành hai khu ao để nuôi các loại cá trắm, trôi, chép, rô phi đơn tính, trên bờ trồng hơn 100 cây nhãn và bưởi Diễn. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, ông Hưởng luôn tìm đọc sách, báo và học hỏi mô hình nuôi trồng thủy sản ở nhiều nơi khác. Năm 2004, nhận thấy loài tôm càng xanh có giá trị kinh tế cao, ông Hưởng đã lặn lội xuống tận Quảng Ninh và Hải Phòng để tìm hiểu cách nuôi và mua con giống. Để nuôi được tôm càng xanh, ông đã đầu tư mua 4 máy sục khí oxy với giá hơn 10 triệu đồng/chiếc.
Là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn nuôi tôm càng xanh, ông Hưởng cho biết, điều kiện nguồn nước, khí hậu tại Đông Mỹ khá phù hợp với tôm càng xanh nên loài này phát triển tốt. Hơn nữa, kỹ thuật nuôi lại không quá khó. Bình quân mỗi năm ông Hưởng thu được 15 - 18 tấn cá các loại, 2 - 3 tấn tôm, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. Năm 2011, doanh thu của trang trại đạt 1,2 tỷ đồng và ông Hưởng ước tính năm nay cũng đạt được mức tương tự.
Nói về con đặc sản của thủy sản Đông Mỹ, ông Hưởng phấn khởi cho biết, giá tôm càng xanh bình quân đạt 200.000 đồng/kg và đầu ra được đảm bảo, bởi vào vụ thu hoạch là thương lái tìm đến đặt mua hết. Từ thành công của ông Hưởng, nhiều người dân xã Đông Mỹ đã bắt đầu nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh cho hiệu quả kinh tế cao. Với những nỗ lực của mình, nhiều năm liền, ông Hưởng được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện và TP. Trang trại của ông cũng là nơi thu hút nhiều hộ nông dân trên địa bàn các xã lân cận và toàn TP đến tham quan, học tập kinh nghiệm làm giàu.
Có thể bạn quan tâm

Ngành chăn nuôi đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu để chế biến thức ăn. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cước vận tải tăng theo cũng làm cho người chăn nuôi chịu nhiều áp lực do giá đầu vào cao.

Mùa lấy mật chính vụ của người nuôi ong trên các cánh rừng Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung đang khép lại. Có người trúng đậm, có người buồn xo trước một năm thất bát…

Chăn nuôi bò thâm canh đang là hướng đi đầy triển vọng được nhiều địa phương trong tỉnh tập trung phát triển. Ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị), những năm qua việc phát triển đàn bò lai theo hướng thâm canh được địa phương quan tâm triển khai và đến nay đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Theo kết quả điều tra tại thời điểm 1/4/2015, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có trên 254 ngàn con, tăng 3,26% so cùng thời điểm năm 2014. Đàn heo tăng chủ yếu ở Hàm Tân và Đức Linh, đây là 2 địa phương có quy mô nuôi khá lớn, chủ yếu là loại hình chăn nuôi trang trại và gia trại (Đức Linh tăng 13,3% và Hàm Tân tăng 11,03%).