Người sở hữu 300 con gà re quý hiếm

Ông Phạm Văn Rạch (SN 1976, ở thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) đã khổ công tìm kiếm, gầy đàn và hiện trở thành người có đàn gà re quý nhiều nhất ở Quảng Ngãi, với 300 con.
Theo lời ông Rạch và nhiều già làng ở Ba Tơ thì gà re vốn là gà rừng được đồng bào Hre thuần hóa cách đây hàng trăm năm; đồng thời lấy luôn tên của dân tộc mình đặt cho nó.
Ông Rạch kể: Khoảng 15 năm về trước, hầu như gia đình người Hre nào cũng nuôi giống gà này.
Gà re là vật không thể thiếu khi cúng Giàng của đồng bào.
Tuy nhiên, gần đây khi đời sống của đại đa số gia đình người Hre được nâng lên, hàng hóa và thực phẩm từ miền xuôi ùn ùn tràn lên, nhiều gia đình không còn nuôi giống gà này, dẫn đến giống gà re mất dần và trở nên rất hiếm.
Không đành lòng để giống gà quý bị tuyệt chủng, ông Rạch quyết chí gây dựng lại giống gà này.
Ông Rạch và một cặp gà re giống.
Sau nhiều lần vất vả tìm vào các bản làng người Hre của huyện và cả tỉnh lân cận Kon Tum lùng tìm, năm 2002 ông Rạch đã mua được con gà trống giống nặng khoảng 1kg, với giá 120.000 đồng, “bằng giá con heo”.
Ngoài ra, ông được bà con cho 3 con gà mái giống. Sau gần 4 năm gây đàn, không tính số đã bán và cho bà con trong vùng nuôi, hiện nay, ông có 300 con, và trở thành người có đàn gà re nhiều nhất ở Quảng Ngãi.
Gà re có hình dáng thấp, nhỏ và chân gà re có 2 màu chì và vàng; trọng lượng khi trưởng thành khoảng 1,2 kg/con.
Thời gian nuôi từ 7-12 tháng, lâu hơn so với 5-6 tháng của gà bình thường. Tuy có gốc từ gà rừng, thế nhưng bộ lông của gà re không sặc sỡ, mà chỉ có 3 màu: Đen, trắng ngà và nổ (đen xen trắng).
Với chất lượng thịt thơm ngon, dai, ngọt nên gà re được người tiêu dùng ưa thích. Tuy giá bán có thời điểm lên đến 200.000-250.000 đồng/kg, đắt hơn gấp từ 2-2,5 lần so với gà thường thế nhưng không dễ để mua được.
Với giá bán cao và nhu cầu tiêu thụ lớn, nên trong tương lai gần, việc thu về hàng trăm triệu đồng/năm từ giống gà re của ông Rạch là chuyện trong tầm tay. Và điều có ý nghĩa không kém đó là ông Rạch đã góp phần lớn trong việc phát triển lại giống gà quý của cộng đồng người Hre ở Quảng Ngãi.
Có thể bạn quan tâm

Xã Hiệp Hòa (Vũ Thư - Thái Bình) có hơn 2 km đê sông, diện tích đất phù sa bãi bồi ven đê rộng, phù hợp để trồng cỏ nuôi bò. Tận dụng lợi thế đó, những năm gần đây người dân Hiệp Hòa đã tích cực đầu tư phát triển chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, giá nhãn được thương lái mua tại vườn từ 30.000 - 45.000 đồng/kg. Các loại nhãn chủ yếu của Bạc Liêu hiện nay là: nhãn Bạc Liêu, nhãn da bò, nhãn xuồng cơm vàng...

Giá cao su thiên nhiên giảm mạnh trên nhiều thị trường khắp toàn cầu phiên 22/9 do nguồn cung dư thừa và triển vọng nhu cầu yếu ở những thị trường chủ chốt như Trung Quốc.

Hiện nay nhiều hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) ở TP.HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An đang phát triển mạnh mô hình nuôi heo, gà theo tiêu chuẩn VietGAP và một số chuẩn mới khác để đưa thịt sạch ra thị trường nhiều hơn.

Ông Long cho biết: “Lượng đường tồn kho hiện cao gấp đôi cùng kỳ năm trước, và giá đường tại Cần Thơ cũng đang thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 1.000 đồng/ki lô gam… trong khi mùa thu hoạch mía niên vụ 2014 – 2015 đã bắt đầu.”