Người Phụ Nữ Mông Vươn Lên Làm Giàu

Là một hội viên phụ nữ tiêu biểu của xã Bản Phố, được các chị em trong xã yêu quý và lấy làm tấm gương để học tập. Bao năm qua, chị đã cùng chồng vượt qua khó khăn, gian khổ để làm giàu trên chính vùng đất quê hương – Cao nguyên trắng Bắc Hà.
Nhắc đến chị Vàng Thị Cở có lẽ không ai ở xã Bản Phố không biết đến. Cách đây hơn chục năm về trước, người nghèo nhất bản là chị, và nay người ta biết đến chị với tinh thần vượt khó, chiến đấu với cái nghèo để giành lấy cuộc sống ấm no cho gia đình mình bằng bàn tay, khối óc và sự chân chính của một người nông dân tiêu biểu.
Sinh ra trong một gia đình người Mông tại xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, gia đình chị và biết bao gia đình khác ở vùng cao bị cái nghèo, cái khổ bao vây tưởng như chẳng bao giờ thoát ra được. Tuổi thơ của chị là sự lam lũ, nghèo khổ, là sự vật lộn để giành lấy sự sống trước cái đói, cái nghèo. Rồi năm, tháng cũng dần trôi qua, như bao cô gái khác đến tuổi trưởng thành, chị xây dựng gia đình, tiếp theo đó là 3 đứa con lần lượt chào đời. Lấy chồng, sinh con là thiên chức, là hạnh phúc của người phụ nữ. Song, gánh nặng cuộc sống lại thêm chất chồng lên vai người mẹ trẻ. Nhiều đêm thức trắng với suy nghĩ phải làm sao để thoát nghèo, thoát khổ. Con đường duy nhất vẫn phải là lao động sản xuất, bắt đất đai sinh ra của cải, vật chất. Sau nhiều lần bàn bạc, vợ chồng chị đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư vào chăn nuôi và trồng cấy. Sẵn có sức khoẻ, sự cần cù, tinh thần ham học hỏi của anh chị. Sau gần chục năm miệt mài lao động sản xuất, đến nay anh chị đã có một cơ ngơi kha khá, còn việc sản xuất thì đã đi vào nề nếp.
Đến thăm nhà chị, nhìn đàn lợn, trâu, ngựa con nào con ấy béo tốt, nương ngô thì xanh mướt mắt, rượu ngô thì hàng trăm lít được chứa trong chum để ở góc nhà, chúng tôi không khỏi cảm phục sự cần cù, sáng tạo, tinh thần học hỏi và sự quyết tâm của anh chị. Trao đổi với chúng tôi, chị không giấu diếm: “Cô Hậu là cán bộ khuyến nông xã thì biết rồi đấy! nhà tôi lúc nào mà chẳng có hàng chục con lợn thịt, số trâu, bò, ngựa cũng có hàng trên chục con. Lợn thì bán thịt, còn trâu thì để cày ruộng, ngựa thì giúp thồ hàng xuống chợ. Ngoài ra, chúng tôi cũng nuôi nhiều gà, vịt để có thêm thu nhập. Là người nông dân, không chịu làm thì chỉ có đói thôi. Vụ ngô này nhà tôi thu được hơn 10 tấn ngô, bán đi cũng được khoảng trên 50 triệu đồng, số tiền này để tích lũy, cho con cái đi học rồi còn phải để mua giống, phân bón để sản xuất vụ sau. Còn việc chi tiêu sinh hoạt hàng ngày thì dùng bằng tiền lãi từ nấu rượu bán thôi…”
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh chị còn hết sức quan tâm đến việc định hướng, dạy dỗ con cái học hành, vì theo chị muốn thực sự thoát nghèo thì cần phải học, cần phải có tri thức để tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, chính vì vậy việc học hành của con cái được anh chị ưu tiên hàng đầu và kết quả tuy chưa thực sự mong muốn, nhưng 3 đứa con của anh chị đều hết sức cố gắng học hành, chăm ngoan. Hiện nay đứa con gái cả của anh chị đang học Cao Đẳng Sư phạm Lào Cai, con gái thứ 2 đang học Trung học phổ thông, còn cậu con trai thứ 3 đang học lớp 7 tại xã.
Không những đảm việc nhà, chị còn là một hội viên tích cực của Hội phụ nữ xã, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tuyên truyền vận động chị em phụ nữ trong xã cùng nhau phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế gia đình. Với sự nhiệt tình, cởi mở, có trách nhiệm với cộng đồng và đặc biệt luôn là tấm gương sáng trong phong trào phát triển sản xuất, chị luôn được bà con trong xã tin yêu, nể trọng. Còn với những cán bộ khuyến nông như chúng tôi trên địa bàn công tác của mình cứ thêm một hộ như nhà chị cở là chúng tôi lại có thêm niềm vui.
Có thể bạn quan tâm

Trong những ngày qua, hàng trăm nhà vườn ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) than trời vì giá chôm chôm rẻ như bèo, chưa đến 4 ngàn đồng/kg. Người dân đang rất lao đao vì không tìm được đầu ra cho mặt hàng này.

Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam khẳng định, cả cơ quan ông cũng như CITES tại Trung Quốc chưa cấp bất cứ giấy phép nào để có thể giao dịch thương mại cá tầm giữa 2 nước.

Nhằm đa dạng hóa các loại vật nuôi, năm 2012, Trạm Khuyến nông huyện Krông Pa (Gia Lai) triển khai mô hình nuôi kỳ đà thương phẩm hộ gia đình tại thị trấn Phú Túc. Mô hình được triển khai tại 3 hộ gia đình, với tổng kinh phí gần 292 triệu đồng, trong đó Nhà nước đầu tư 170 triệu đồng, vốn nông dân đối ứng gần 122 triệu đồng.

Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi cả nước, sáng 28/5, tại Cao Bằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng ngành chăn nuôi và định hướng, giải pháp phát triển chăn nuôi giai đoạn 2013 - 2015 các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.

Hiện nay, nông dân các xã: Mỹ An, Đốc Binh Kiều, Mỹ Hòa của huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) bắt đầu thu hoạch lúa hè thu sớm.