Người Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Tiếp Tục Lao Đao

Hiện tôm thẻ bị chết hàng loạt từ lúc dưới 1 tháng tuổi, khiến nhiều hộ nuôi tôm ở Trà Vinh thấp thỏm đứng ngồi không yên…
Qua 2 năm khá thận trọng và tương đối thành công, hiện nay việc nuôi tôm thẻ chân trắng lại đi theo dấu vết của con tôm sú. Hiện tôm thẻ bị chết hàng loạt khi mới được trên dưới 1 tháng tuổi.
Cách đây 2 năm, trong khi nhiều hộ nuôi tôm trong khu vực đeo lấy tôm sú, thì ông Đinh Văn Thiện ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải quay sang nuôi tôm thẻ chân trắng theo khuyến cáo của ngành chức năng. Và ông đã thành công. Chỉ riêng năm ngoái, với hơn 1 ha diện tích mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Thiện thu lãi gần 250 triệu đồng. Tuy nhiên bước sang vụ tôm năm nay, cũng chừng đó diện tích ông đã bị lỗ gần 200 triệu đồng. Ông Thiện cho biết: “Tôi làm ao và các công việc chuẩn bị rất cẩn thận rồi mới thả tôm. Lúc đầu, tôm phát triển rất tốt, nhưng nuôi được 24 ngày thì bị phù gan chết ".
Tôm thẻ chân trắng nuôi được từ 2 tháng đến 2,5 tháng là có thể thu hoạch, trong khi tôm sú từ 4 tháng đến 4,5 tháng nên con tôm thẻ đỡ rủi ro hơn. Tuy nhiên, đây là đối tượng nuôi tương đối mới, kiến thức nuôi loại thủy sản này của người dân còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, chính quyền địa phương chưa có nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học cho bà con.
Ông Tăng Văn Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cho biết: "Hiện tại, quy hoạch chỉ trên bàn giấy, chưa đầu tư, chưa có nguồn vốn để thực hiện cơ sở hạ tầng".
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trà Vinh, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có gần 400 hộ thả nuôi tôm thẻ chân trắng với gần 140.000 con, tập trung tại các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang và Trà Cú. Trong đó có gần một nửa trong số này đã bị thiệt hại và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tôm thẻ bị chết đa phần do nhiễm bệnh đốm trắng. Đây là loại bệnh không có thuốc đặc trị. Tôm chết ở giai đoạn 25 - 40 ngày tuổi, gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Nguyên nhân chủ yếu là do bà con xé rào xuống giống sớm, điều kiện môi trường chưa thích hợp, trong khi việc quản lý chất lượng con giống của ngành chức năng cũng còn nhiều bất cặp.
Ông Phạm Minh Truyền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh thừa nhận: "Lực lượng thanh tra chuyên ngành hiện nay rất mỏng. Để quản lý xử phạt những trường hợp tôm nhập lậu cũng gặp nhiều khó khăn. Địa phương không phối hợp quyết liệt với Thanh tra của Sở ".
Con tôm là đối tượng từng giúp nhiều người dân nông thôn Trà Vinh nói riêng và nông dân các tỉnh ven biển nói chung thoát nghèo. Vì vậy, ngoài sự chủ động tuân thủ các biện pháp kỹ thuật và lịch xuống giống của bà con, các ngành, các cấp có liên quan cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nguồn tôm giống, thuốc thú y thủy sản … Và kiên quyết tiêu hủy những con giống không đảm bảo chất lượng - có như thế mới hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 28-5, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước cùng với Công ty Minh Trân, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, UBND huyện Lộc Ninh và Hội Nông dân huyện Lộc Ninh tổ chức hội thảo quảng bá nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh”.

Những tháng gần đây, giá cà-phê trên thị trường liên tục giảm sâu gây bất lợi cho người trồng cà phê ở Tây Nguyên. Ngày 30-5, giá cà phê nhân xô ở Đác Lắc cũng như trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên giảm xuống chỉ còn 34.800 đồng - 35.300 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm.

Tuy chịu ảnh hưởng của nguồn nước mùa khô khan hiếm, sâu bệnh tấn công nhưng năng suất vụ lúa này ở tỉnh Tiền Giang đạt trên 7 tấn/ha.

Giống lúa Hồng Ngọc được nhiều nông dân đưa vào sản xuất trong mấy năm trở lại đây nhằm thay thế giống chịu mặn, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, trong 2 tháng qua, các HTX của huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) sau khi thu hoạch lúa đều không bán được hoặc giá thấp thê thảm do ảnh hưởng của… tin đồn.

Trong đợt nắng nóng kéo dài hơn 10 ngày qua đã làm cho nhiều diện tích ngô ở xã Tường Sơn (Anh Sơn) và Nghi Văn (Nghi Lộc - Nghệ An) bị chết.