Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Nuôi Thủy Sản Khó Tiếp Cận Vốn Rẻ

Người Nuôi Thủy Sản Khó Tiếp Cận Vốn Rẻ
Ngày đăng: 28/03/2014

Bên cạnh ngành lúa gạo, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa quyết định giảm lãi suất cho vay phục vụ nuôi trồng, chế biến cá tra và tôm. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp trong ngành thủy sản cho biết không dễ để tiếp cận nguồn vốn này.

Người nuôi thủy sản cho rằng vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ của ngân hàng.

Tại văn bản số 1691/NHNN-TD, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank và MHB giảm lãi suất cho vay đối với nuôi trồng, chế biến cá tra và tôm về mức tối đa chỉ còn 8%/năm.

Được biết, quyết định trên là bước đi tiếp theo ngay sau khi NHNN hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn xuống 6%/năm vào ngày 18-3-2014.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xung quanh vấn đề này, một số người trong cuộc cho rằng dù lãi suất có giảm, nhưng việc tiếp cận vốn vẫn rất khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tra Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết quy định xét duyệt cho vay của ngân hàng hiện nay chưa phù hợp, người nông dân không thể tiếp cận được vốn giá rẻ để đẩy mạnh phát triển ngành cá tra.

“Chúng tôi phải có đất, có nhà đem cầm cố ngân hàng thì mới vay được tiền, ngân hàng không chấp nhận cho vay bằng việc thế chấp đàn cá đang nuôi trong ao”, ông Hải cho biết.

Ông Hải giải thích thêm, những năm qua người nuôi cá tra liên tục lỗ nên đa số tài sản của họ như nhà cửa, ruộng vườn đều đã thế chấp ở ngân hàng trước đó. "Vì vậy dù lãi suất cho vay giảm về 8%/năm như lần này, người nuôi cá tra cũng không thể tiếp cận được", ông nói.

Theo ông Võ Đông Đức, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX), thời gian qua ngành cá tra ĐBSCL rơi vào vòng lẩn quẩn của mất cân đối cung - cầu ở thị trường nội địa, trong khi đó, xuất khẩu chịu nhiều rủi ro, giá giảm… dẫn đến tình trạng lỗ lã liên tục.

Theo ông Đức, chính vì hoạt động kinh doanh của ngành thủy sản chịu nhiều rủi ro nên phía ngân hàng rất thận trọng trong xét duyệt cho vay, mức tín dụng cho vay đối với lĩnh vực này hiện chỉ bằng 40-50% so với năm 2012.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ nhiệm Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng việc xét duyệt cho vay ở địa phương ông tương đối thuận lợi hơn. “Ngoài xét duyệt cho vay đối với những trường hợp có tài sản thế chấp như thông lệ, phía Agribank Sóc Trăng cũng đã đồng ý cho vay đối với những trường hợp được khoanh nợ, giãn nợ nhưng phải có phương án sản xuất, kinh doanh tốt”, ông Nhiệm khẳng định.

Cũng theo ông Nhiệm, tính đến thời điểm hiện nay, diện tích tôm đã xuống giống của hiệp hội chỉ đạt 20% trên tổng diện tích khoảng 2.800 héc ta. Nguyên nhân được xác định, một phần những năm qua người nuôi tôm lỗ, không có vốn tái đầu tư sản xuất, một phần diễn biến dịch bệnh hoại tử gan tụy trên tôm còn phức tạp nên người dân chưa mạnh dạn thả giống.

Vì sao ngân hàng ngại cho vay?

Trong một hội thảo gần đây về kết nối vốn cho các doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, NHNN cho rằng lúa gạo, thủy sản, trái cây là những thế mạnh của khu vực ĐBSCL nhưng lại thường xuyên đối diện với rủi ro thị trường như được mùa mất giá, hoặc các rủi ro từ giá thế giới, từ các luật thuế chống bán phá giá.

Thêm vào đó, chuyện cạnh tranh không lành mạnh, đầu tư tràn lan, kém hiệu quả cũng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng khiến các ngân hàng không mạnh tay đầu tư cho khu vực này.

Còn tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng cho rằng lãi suất không còn là áp lực lớn vì đã giảm sâu, việc cơ cấu nợ theo Quyết định 780, cho phép tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ và không chuyển nhóm nợ và công văn 7558 tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cho thấy đòn bẩy tín dụng giờ đã hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp, nếu tiếp tục kích thích nữa thì không nên.

Theo ông Dương, muốn tăng trưởng thì phải phát triển được nội lực của người sản xuất, của nông dân thông qua khuyến nông một cách chuyên nghiệp, còn như hiện tại đa phần các sản phẩm đều thua trên trường quốc tế thì dù có đòn bẩy cũng khó mà tăng trưởng được.

Còn tiến sĩ Hạ Thị Thiều Dao, giảng viên Đại học Ngân hàng, cho rằng sau khi khảo sát một số ngân hàng, lý do khiến cho doanh nghiệp ở khu vực này khó tiếp cận được vốn là báo cáo tài chính không đạt yêu cầu, bên cạnh tài sản thế chấp không đảm bảo. Bà Dao cho rằng để tiếp cận được vốn, doanh nghiệp nên cải thiện các yếu tố này, vì đối với ngân hàng, để cấp tín dụng, các điều kiện theo chuẩn phải được đảm bảo.


Có thể bạn quan tâm

Toàn Tỉnh Khánh Hòa Khai Thác Hơn 52.000 Tấn Thủy Sản Toàn Tỉnh Khánh Hòa Khai Thác Hơn 52.000 Tấn Thủy Sản

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, nhờ tình hình thời tiết thuận lợi, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ nên nhiều tàu thuyền đã vươn khơi bám biển. Qua đó, sản lượng thủy sản khai thác đạt hơn 52.000 tấn, bằng 61% kế hoạch năm 2013.

20/06/2013
Chủ Động Ương Cá Tra Giống An Toàn Sinh Học Ở Cai Lậy (Tiền Giang) Chủ Động Ương Cá Tra Giống An Toàn Sinh Học Ở Cai Lậy (Tiền Giang)

Huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đang thí điểm ương cá tra giống theo hướng an toàn sinh học, nhằm cải thiện chất lượng con giống đáp ứng nhu cầu nuôi cá tra xuất khẩu. Toàn huyện có 350 ha ương cá giống, trong đó diện tích ương cá tra giống chiếm khoảng 30%, chủ yếu ở xã Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc và Tân Hội.

26/09/2012
Giá Gà “Lao Dốc”, Người Nuôi Lỗ Nặng Giá Gà “Lao Dốc”, Người Nuôi Lỗ Nặng

Trong 2 tháng trở lại đây, giá gà thịt, gà giống trên địa bàn Bình Định liên tục giảm mạnh làm cho người chăn nuôi bị thua lỗ nặng. Nhiều trang trại, gia trại phải bỏ trống chuồng nuôi vì không còn vốn để tái đàn...

20/06/2013
Giống Gà Mới Có Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Tây Ninh Giống Gà Mới Có Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Tây Ninh

Gà Đông Tảo (hay còn gọi là gà Đông Cảo) có nguồn gốc lâu đời tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Đây là giống gà quý hiếm, từng là vật tiến vua. Hiện nay, giống gà này đã được nuôi rộng rãi ở các các tỉnh phía Bắc và gần đây là khu vực tỉnh Đồng Nai. Tại Tây Ninh cũng đã xuất hiện một số hộ dân đầu tư và nuôi thử nghiệm giống gà mới này. Tuy bước đầu nuôi thử nghiệm nhưng thực tế đã cho thấy được hiệu quả kinh tế mà giống gà này mang lại.

29/04/2013
Làm Giàu Từ Rau Má Làm Giàu Từ Rau Má

Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, những năm gần đây, nông dân TP Cà Mau không ngừng tăng gia sản xuất với nhiều mô hình cho thu nhập khá, trong đó mô hình trồng rau má thương phẩm đang trở thành mô hình kinh tế bền vững, giúp nông dân từ nghèo đói vươn lên khấm khá.

20/06/2013