Người Nuôi Nghêu Ở Cà Mau Lại Lao Đao

Sau khi được hợp nhất, hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu tưởng chừng sẽ trở thành điểm tựa cho người dân nghèo xứ bãi bồi cũng như người nghèo thập phương. Thế nhưng, sau một thời gian thả nuôi, mục tiêu ấy giờ đây không được hiện thực hoá khi giá nghêu giảm thê thảm.
Tình trạng giá nghêu thịt xuống thấp làm cho các xã viên HTX nuôi nghêu thương phẩm Đất Mũi lâm vào tình cảnh lao đao.
Vụ mùa 2013-2014, HTX thả nuôi trên 120 ha trên hơn 3.000 ha bãi bồi kéo dài từ kinh Ô Rô đến Rạch Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Với cương vị được bầu làm Giám đốc HTX nuôi nghêu Ðất Mũi, ông Lê Vũ Sánh là một trong số ít người mạnh dạn đầu tư phát triển con nghêu thương phẩm trên bãi bồi với vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng.
Ông Sánh chia sẻ: “HTX hoạt động nhằm cải thiện thu nhập, đời sống Nhân dân vùng bãi bồi, đặc biệt là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số không đất sản xuất tại địa phương.
Ðể đạt được mục tiêu này, một số thành viên đã tiên phong đi đầu thả nuôi để tạo niềm tin cho tất cả các xã viên còn lại. Thế nhưng, đến nay mục tiêu này khó đạt được do giá nghêu thương phẩm xuống quá thấp, chỉ còn không được nửa so với trước”.
Giá nghêu thịt xuống thấp, có lúc chưa đến 22.000 đồng/kg loại nhất, khiến nhiều thành viên của HTX lao đao. Ông Sánh là một trong những trường hợp phải bán xà lan để trả nợ.
Ông cho biết, không chỉ giá xuống thấp mà đầu ra không ổn định, có ngày chỉ bán được vài chục ký mà phải gởi đến tận TP Hồ Chí Minh. Với giá này, cộng thêm tiền tàu xe thì xem như chẳng còn đồng nào, mà đến kỳ chẳng lẽ bỏ, không thu hoạch?
Kể từ khi đi vào hoạt động ổn định, HTX không chỉ khoanh vùng nuôi nghêu thịt, được khai thác nghêu giống mà còn dự kiến tổ chức ương nghêu cám trở thành nghêu giống cung cấp cho thị trường, tạo thêm nhu nhập cho xã viên nghèo. Thế nhưng, kế hoạch này cũng xem như phá sản khi đến mùa có nghêu giống lượng người tập trung về đây khá đông.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết, mặc dù có sự phối hợp từ Sở NN&PTNT, các ban, ngành cấp tỉnh đến cơ sở nhưng trong mùa có nghêu giống, có ngày ở bãi bồi lên đến trên 400 phương tiện khai thác nghêu trái phép làm ảnh hưởng xấu công tác quản lý cũng như tình hình trật tự tại địa phương.
Về tình trạng người khai thác nghêu giống trái phép tập trung nơi bãi bồi không chỉ ảnh hưởng đến tình hình trật tự tại địa phương mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến vùng nuôi nghêu thịt của HTX.
Cũng là một trong những trường hợp bị lỗ trong vụ nuôi vừa qua, ông Út Việt (Nguyễn Quốc Việt) cho hay, tuy tình hình không còn “nóng” như trước đây nhưng thỉnh thoảng những người khai thác nghêu giống trái phép vẫn xâm phạm vào vùng nuôi của xã viên. Ðiều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất nghêu của xã viên.
Nghêu thịt mất giá, cùng thêm những tác động từ hoạt động khai thác nghêu giống trái phép trên bãi bồi khiến nhiều xã viên tiên phong nuôi nghêu lao đao. Ðiều đó đồng nghĩa với kế hoạch giảm nghèo cho cư dân vùng bãi bồi từ chính tiềm năng, lợi thế của địa phương đang đứng trước bờ vực phá sản nếu không có một giải pháp khả thi từ các cơ quan chức năng.
Có thể bạn quan tâm

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên vườn cây, ao cá theo hướng sản xuất an toàn, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần tạo cho nền nông nghiệp phát triển bền vững đã và đang được người dân ở thị xã Ngã Bảy thực hiện. Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy cũng đã triển khai mô hình trồng cam sành trên diện tích 15ha và nuôi cá tra 5ha theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hiện nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh đang bước vào thu hoạch niên vụ mía đường năm 2014-2015. Tuy nhiên, với sản lượng đường tồn kho khá lớn tại các nhà máy, giá thu mua mía nguyên liệu thấp, từ đó khiến nhà máy và nông dân đều gặp khó.

Sau một thời gian phát triển, đến nay huyện Yên Lập mới có 10 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27/2011/TT-BNN&PTNT; trong đó có 2 trang trại tổng hợp và 8 trang trại chăn nuôi. Qua khảo sát, tổng hợp, vốn đầu tư của các trang trại đến giữa năm 2014 đạt 16,72 tỷ đồng, gồm gần 9 tỷ vốn tự có và hơn 7,8 tỷ đồng vốn vay; doanh thu từ trang trại năm qua đạt 15,657 tỷ đồng, bình quân 1,56 tỷ đồng/trang trại.

Vụ mùa năm nay, huyện Cẩm Khê gieo cấy hơn 3.200ha lúa, trong đó 30% diện tích trà mùa sớm, 70% diện tích trà mùa trung. Đối với chân đất lúa cao hạn trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cây rau màu có giá trị kinh tế. Các giống lúa được sử dụng trong vụ này gồm: Nhị ưu 838, Nhị ưu số 7, Thiên Nguyên ưu 16, TH3-5, Bồi tạp Sơn Thanh, Khang dân 18, VS1, RVT, TBR45…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu, nông lâm thuỷ sản tháng 9 ước đạt 2,76 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 9 tháng đầu năm 2014 lên 22,66 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2013.