Người Nuôi Lợn Giỏi Nhất Sơn La

Rời quân ngũ, năm 2000, anh Nguyễn Công Bắc chia tay với quê hương Thường Tín, Hà Tây, đưa vợ và 2 con lên Sơn La sinh sống. Cuộc sống của gia đình anh tạm ổn với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng từ trồng rau xanh. Nhưng vài năm sau, do đô thị hóa, những cánh đồng ven quốc lộ 6 khu vực Chiềng Sinh nhường chỗ cho những dãy nhà cao tầng.
Có ít tiền dành dụm được, anh mua 1.200m2 đất vừa làm chỗ ở, vừa để chuyển nghề mới: Nuôi lợn và nấu rượu. "Lúc đầu tôi chỉ nuôi vài chục con, sau nâng dần lên.
Nhưng cuối năm 2003, tôi bị tai nạn giao thông, cả gia sản đi toi cùng với 1 cái chân. Vay mượn, gây dựng lại đàn lợn, cuối năm 2004, nạn dịch tả lại xóa sổ cả đàn lợn hơn 100 con. Thấy tôi vẫn quyết tâm nuôi lợn, ngân hàng lại cho vay vốn. Đến nay, tôi có gần 900m2 chuồng trại; duy trì ổn định hơn 400 con lợn thịt, lợn nái. Năm 2006, xuất chuồng hơn 80 tấn thịt, doanh thu trên 1,9 tỷ đồng" - anh Bắc cho biết.
Lý giải tại sao lại chọn nuôi lợn, anh bảo: "Ở Sơn La nhu cầu thực phẩm lớn mà ít người nuôi lợn; thức ăn lại rẻ hơn rất nhiều so với dưới xuôi". Anh nuôi khép kín: Lợn nái-lợn giống-lợn thịt và nấu rượu với công suất 100 lít/ngày. Bã rượu anh dùng chăn nuôi; phân lợn làm khí biogas. Theo cách tính khiêm tốn của anh, lãi từ nuôi lợn chiếm hơn 20% tổng doanh thu. "Năm 2006, tôi lãi 400 triệu đồng".
Anh thuê 2 lao động và 1 cán bộ thú y có tay nghề cao chăm sóc đàn lợn. "Mỗi lao động lành nghề có thể chăm 300 đầu lợn thịt hoặc 100 đầu lợn nái. Với 3 người giúp việc này, năm 2007, tôi có thể nâng lên 500-700 con lợn thịt/lứa và 100 con lợn nái mà không cần thuê thêm nhân công".
Lộc cộc khua đôi nạng, len lỏi giữa các dãy chuồng lợn, anh Bắc chỉ cho tôi những khu nuôi lợn thịt, lợn nái bố trí khoa học. Hệ thống vách ngăn, nền chuồng làm bằng thép không gỉ, có thể điều chỉnh khoảng cách mỗi gian chuồng cũng như từng con lợn. Tất cả đều được lau rửa sạch sẽ, có quạt thông gió.
Khu vực nuôi lợn nái, lợn sữa có hệ thống làm lạnh để điều chỉnh nhiệt độ. "100% là lợn siêu nạc. Với kiểu chuồng này, khi con nái chửa chỉ cần ở trong diện tích 1,2m2. Còn lợn đang nuôi con khoảng 3,7m2/đàn". Toàn bộ chất thải được đưa xuống 4 bể biogas có tổng dung tích gần 100m3, cung ứng đủ chất đốt hàng ngày cho hàng chục gia đình lân cận.
"Tôi đã trình UBND thị xã dự án mở rộng thêm 1.000m2 diện tích trại chăn nuôi. Tôi vẫn mơ ước có trại chăn nuôi với 1.000 con lợn/lứa" - anh Bắc tiết lộ.
Có thể bạn quan tâm

Người dân ở các xã miền núi thuộc 2 huyện Tuy An, Sơn Hòa (Phú Yên) phấn khởi vì năm nay chuối được mùa, được giá. Từ loại nông sản đặc trưng trồng ở vùng gò đồi, vườn rẫy này mang lại cho người dân vùng núi một cái tết vui.

Cũng theo ông Bảo, sau đợt xuất hàng này, phía đối tác Ukraina tiếp tục ký hợp đồng nhập khẩu xoài của Hợp tác xã xoài Suối Lớn với số lượng ban đầu khoảng 1-2 container/tháng (1 container trên 20 tấn). Hiện Hợp tác xã đã có kinh nghiệm xử lý xoài ra trái rải vụ nên có thể đáp ứng được các đơn đặt hàng trái xoài tươi quanh năm.

Huyện Châu Thành A (Hậu Giang) có khoảng 3.300ha vườn cây ăn trái. Nếu như trước đây phần lớn trồng cây có múi thì hiện nay tùy theo điều kiện thổ nhưỡng từng vùng và thị trường mà các xã, thị trấn có loại trái cây thế mạnh riêng.

Đến nay, thôn có 70/109 hộ trồng táo với tổng diện tích gần 10 ha. Từ hơn 10 năm trước, gia đình chị Dương Thị Lựu, thôn Đồng Vân đã trồng táo trên đất cấy lúa không ăn chắc, nhờ đó mà kinh tế trở nên khá giả. Vụ này, chị thu ba tấn quả từ ba sào táo, lãi gần 30 triệu đồng.

Ông cũng từng trồng một số cây quýt - loại quýt cổ bản địa trên diện tích này nhưng hiệu quả kinh tế không đáng kể. Thu nhập chính của gia đình suốt ngần ấy năm chỉ trông vào một ít đất ruộng cấy lúa, chăn nuôi vài con lợn, con gà, kinh tế chủ yếu tự cấp, tự túc.