Người Nuôi Heo, Gà Hồi Hộp Tái Đàn

Sau đợt dịch cúm gia cầm ở huyện Bến Cầu và Thị xã trong tháng 2 và tháng 3.2013 (khiến khoảng 5.000 con gà, vịt bị chết hoặc bị tiêu huỷ), đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn khá ảm đạm.
Ông Nguyễn Văn Mấy – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Tây Ninh cho biết, trong đợt “đại hạ giá” vừa qua, các công ty chăn nuôi gà công nghiệp trên địa bàn Tây Ninh lỗ nặng, bởi giá bán gà thịt chỉ bằng 2/3 giá thành. Tình trạng này kéo theo những chủ trại nuôi gia công cho các công ty cũng khốn đốn.
Cùng chung tình trạng này, các trang trại và người nuôi heo cũng lỗ nặng vì giá heo hơi tuột thấp, trong khi chi phí nuôi (chủ yếu là tiền thức ăn) lại tăng.
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, tại thời điểm đầu tháng 4.2013, Tây Ninh có khoảng 215.000 con heo (giảm 3,56% so cùng kỳ); đàn gia cầm ước đạt 4,3 triệu con (tăng 8,85% so cùng kỳ). Lãnh đạo chi cục Thú y cho biết, những năm gần đây, lượng gia cầm nuôi trong tỉnh tăng mạnh do mô hình nuôi gà công nghiệp khép kín (trại lạnh) phát triển. Tuy nhiên, hiện tại, lượng gia cầm và heo nuôi đã giảm mạnh, dự báo sẽ không tăng trong vài tháng tới do tác động tiêu cực của thị trường tiêu thụ.
Theo nhiều chủ trại gà công nghiệp, tính đến thời điểm xuất chuồng, mỗi ký gà hơi có giá thành là 30.000 đồng. Để có lãi, tiêu thụ phải trên giá thành ít nhất vài ngàn đồng. Thế nhưng, gần đây, giá gà công nghiệp đưa đi tiêu thụ có lúc chỉ còn… 13.000đồng/kg, sau đó nhích dần lên hơn 20.000 đồng. Hiện giá gà công nghiệp vào khoảng 25.000-28.000 đồng/kg. Giá gà xuống thấp, thị trường tiêu thụ chậm nên nhiều trại gà đành phải gắng gượng nuôi gà quá lứa, dẫn đến tốn kém thêm chi phí thức ăn, nhân công, điện chạy máy lạnh - máy quạt…
Chi phí phát sinh nhiều nhưng tiền nuôi gia công trên mỗi ký gà vẫn không tăng. Chưa hết, khi quá lứa, gà công nghiệp rất dễ phát sinh bệnh, chết nên lượng hao hụt tăng cao. Cho nên, khi các công ty chăn nuôi khốn đốn thì người nuôi gia công (chủ trại lạnh) cũng lao đao, vì sau khi trừ chi phí, có trại chỉ còn được hơn 10 triệu đồng. “Do chi phí đầu tư trại lạnh rất cao nên nhiều người nuôi phải vay vốn ngân hàng để đầu tư.
Thời điểm gà có giá, thị trường tiêu thụ ổn định thì người nuôi gia công có thu nhập khá, có tiền để trả lãi ngân hàng và hy vọng thu hồi vốn đầu tư. Còn tình hình như thế này thì bi đát quá, nếu kéo dài đến cuối năm, chắc nhiều trại gà phải đóng cửa, có khi phá sản vì nợ nần”, một chủ trại gà ở Châu Thành nói.
Theo ông Nguyễn Văn Mấy – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Tây Ninh, người nuôi heo trong mấy tháng qua cũng rầu lo vì giá cả thấp. “Tính chung, giá bán mỗi ký heo hơi mà dưới 40.000 đồng là người nuôi lỗ. Trong mấy tháng đầu năm, không chỉ có gà, heo, mà người nuôi vịt cũng phá huề hoặc lỗ vốn”, ông Mấy cho biết.
Hiện một số công ty chăn nuôi đã cung ứng giống cho các trang trại nhưng với số lượng hạn chế, đồng thời kéo giãn thời gian cách vụ nhằm cố gắng duy trì chăn nuôi nhưng giảm đàn. “Chúng tôi lỡ vay mượn đầu tư tiền tỷ vào đây, chẳng lẽ giờ bỏ trại hoang nên đành bấm bụng nuôi tiếp vụ này xem sao”, một chủ trại băn khoăn nói.
Có thể bạn quan tâm

Sau khi Báo NTNN đăng tải 2 bài về thương hiệu gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) bị “đánh cắp”, lãnh đạo huyện này cho biết sẽ kêu gọi các doanh nghiệp chung tay giúp sức bảo vệ thương hiệu này.

Trước thông tin dịch bệnh xảy ra ở một số tỉnh miền Trung, phía Bắc và việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thịt từ Việt Nam, giá heo hơi chỉ còn khoảng 3,6 triệu – 3,8 triệu đồng/tạ (giảm hơn 700.000 đ/tạ so cùng kỳ). Với mức giá này, người nuôi heo trong tỉnh An Giang lỗ từ 200.000 đ – 400.000 đ/tạ, do giá thành mỗi tạ heo khoảng 4 triệu đồng. Đây là nguyên nhân chính tác động đến phát triển nghề nuôi heo ở các địa phương, đến thời điểm 1-4, tổng đàn toàn tỉnh An Giang khoảng 167.000 con, giảm 6% so với cùng kỳ.

Ngày 27/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, dịch bệnh trên tôm xảy ra ở nhiều hồ nuôi của các hộ gia đình, theo kết quả xét nghiệm thì nguyên nhân dịch bệnh ở một số hồ nuôi được xác định là do bệnh teo gan, số còn lại chưa rõ nguyên nhân.

Năm 2013, huyện Vạn Ninh thả nuôi trên 180 ha tôm chân trắng, trong đó nuôi thâm canh theo công nghệ cao chiếm 25%, còn lại nuôi trong ao đất. Đối với tôm nuôi trong ao đất, tình hình vẫn không khả quan do tôm bị dịch. Tuy nhiên, các hộ nuôi tôm theo công nghệ cao lại được mùa do đảm bảo được các yếu tố như thức ăn, nguồn nước, môi trường.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử cho biết, sau thời gian thí điểm thành công chương trình bảo hiểm nông nghiệp, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh chương trình theo hướng mở rộng quy mô cả hộ tham gia và diện tích đất sản xuất.