Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Nuôi Gà Thương Phẩm Gặp Khó Vì Giá

Người Nuôi Gà Thương Phẩm Gặp Khó Vì Giá
Ngày đăng: 21/01/2014

Sắp Tết nhưng người chăn nuôi gà đang lo… mất Tết vì bù lỗ, nhất là tại Yên Thế (Bắc Giang), huyện có tổng đàn gia cầm lớn nhất cả nước hiện nay.

Rớt giá

Cũng vào thời điểm này năm trước, giá gà đồi Yên Thế nói riêng và gà thương phẩm nói chung đạt ở mức cao. Giá gà bán tại chuồng khoảng 70-80 nghìn đồng/kg, cao nhất có thể đạt mức 100-110 nghìn đồng/kg. Thương lái đến tận nhà để thu mua. Nhiều nhà bán cả gà chưa đủ tháng tuổi vì thấy…lời quá. Tuy nhiên, hiện nay người chăn nuôi đang đau đầu khi giá gà giảm mạnh. Mức giá trung bình hiện nay khoảng 40-47 nghìn đồng/kg, chỉ bằng già nửa giá bán năm trước.

Ông Phạm Công Vân, Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Yên Thế chia sẻ: Giá gà bắt đầu giảm mạnh từ khoảng đầu tháng 11-2013. Tuy nhiên, đây cũng là lúc mà lượng gà con được đưa vào nhiều để chuẩn bị cho dịp Tết. Tính đến nay, tổng đàn gia cầm của Yên Thế đang có khoảng 4 triệu con, trong đó dự kiến sẽ cung ứng khoảng 1,7 triệu con cho thị trường trước Tết Nguyên đán, khoảng 1 triệu con sau Tết.

Theo tính toán ban đầu, điều này là hợp lý bởi cùng thời điểm năm trước, Yên Thế đã tiêu thụ được 1,2 triệu con gà trước Tết Nguyên đán với giá cao. Bên cạnh đó, năm nay người dân chú trọng nhiều hơn vào việc tổ chức chăn nuôi, hạn chế việc bán gà trước tuổi, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, chất lượng gà được nâng lên và nhất là người tiêu dùng đã dần quen với thương hiệu gà đồi Yên Thế nên dự kiến sẽ tiêu thụ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, diễn biến lại trái với dự kiến.

Không đủ chi phí

Tại gia đình nhà ông Nguyễn Văn Long, thôn Lò Than, xã Canh Nậu, huyện Yên Thế đang có hơn 2 nghìn con gà sắp được xuất chuồng. Theo ông Long, năm nay nhận thấy nhiều người đầu tư mạnh vào nuôi gà nên gia đình ông chủ động giảm bớt lượng gà để tránh tình trạng rớt giá. Đến nay thì nỗi lo của ông đã thành sự thực. "Cứ giá này thì người chăn nuôi gà lỗ nặng. Năm nay nhà tôi sẽ lỗ khoảng 30 triệu đồng. Đấy là gà của gia đình tôi còn là hàng đẹp mới bán được giá 40-47 nghìn đồng/kg. Xung quanh, nhiều gia đình kêu lỗ lắm”- ông Long cho biết.

Theo tính toán của người chăn nuôi thì năm nay các chi phí chăn nuôi gà đều tăng. Giá cám tăng từ 25-40 nghìn đồng/bao tùy loại, tương đương 5-7%. Giá nhân công, nguyên vật liệu xây dựng chuồng trại, điện và nhất là giá thuốc thú y đều tăng mạnh. Cứ như năm trước, với giá 47 nghìn đồng/kg, người dân có thể lãi vài triệu đồng/nghìn con gà thì năm nay giá phải đạt mức 55 nghìn đồng/kg thì mới hòa vốn. Người dân càng chăn nuôi nhiều lại càng có nguy cơ… lỗ lớn.

Vì đâu nên nỗi?

Theo các thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Bắc Giang thì thời điểm gần đây tình trạng vận chuyển gà thải loại Trung Quốc qua địa bàn giảm hẳn. Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch động vật vẫn hoạt động thường xuyên nhưng không bắt giữ được một vụ vận chuyển gà nào qua địa bàn kể từ tháng 9-2013 tới nay.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Lợi (thôn Trại Quân, xã Đồng Kỳ, Yên Thế), một người chuyên thu mua gà đồi Yên Thế cho các điểm bán tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội) cho biết: Thời điểm này, người chăn nuôi Yên Thế hoang mang trước thông tin gà xuống giá mạnh, hơn nữa sức ép về chi phí chăn nuôi càng lúc càng lớn khiến nhiều gia đình chấp nhận bán với giá thấp.

Bên cạnh đó, gà không có nguồn gốc mà chủ yếu là gà Trung Quốc vẫn ùn ùn chở về các chợ ở Hà Nội. "Hầu như chợ nào cũng có. Mỗi đợt xe ô tô chở về đến hàng chục tấn khiến cho mặt bằng giá gà giảm mạnh. Giá gà Yên Thế khó cạnh tranh được với giá gà Trung Quốc”- bà Lợi nói.

Tăng cường xúc tiến thương mại

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong các nguyên nhân làm cho giá gà giảm mạnh thì yếu tố cung cầu là then chốt. Việc nguồn cung lớn do gà nhập ngoại đổ về và lượng gà đưa vào chăn nuôi trong nước lớn đã tạo cơ hội để các thương lái có thể ép giá người chăn nuôi. Tuy nhiên, việc hỗ trợ các hộ chăn nuôi thế nào để từng bước nâng cao giá trị của thương hiệu gà đồi Yên Thế là vấn đề lâu dài để giữ vững mức giá tiêu thụ hợp lý, giúp người chăn nuôi ổn định sản xuất.

Đến nay, UBND huyện Yên Thế đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ gà đồi Yên Thế tại địa bàn trọng điểm Hà Nội như tổ chức các ngày hội gà Yên Thế, hình thành các điểm bán tập trung hướng về các khu dân cư, treo biển "gà đồi Yên Thế” tại các điểm bán tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ…

"Trong thời gian tới, chúng tôi khuyến cáo người dân tổ chức chăm sóc đúng quy trình, từng bước cải tiến phương thức chăn nuôi để hạ giá thành sản phẩm, tìm các thị trường mới và củng cố thị trường hiện tại để bảo đảm duy trì đầu ra hợp lý. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh việc ngăn chặn gà nhập lậu không rõ nguồn gốc, gà thải loại để tạo chỗ đứng ổn định cho gà trong nước”- ông Phạm Công Vân nói.

Giá gà tươi sống giảm mạnh còn do các cơ quan chức năng chủ trương tăng gà nhập từ các nước về, đặc biệt là gà Hàn Quốc. Theo tính toán trong năm qua lượng gà nhập từ Hàn Quốc về tăng khoảng 17% khiến cho người chăn nuôi trong nước lao đao. Khảo sát tại một số siêu thị tại Hà Nội thì giá gà đã qua chế biến của Hàn Quốc đang bán với giá khoảng 21-22 nghìn đồng/kg. Đây là loại gà thải loại nên thịt thường dai, luộc ít bị vỡ được nhiều nhà hàng tại Hà Nội ưa dùng” - Ông Phạm Công Vân.


Có thể bạn quan tâm

Trồng Hồ Tiêu Không Theo Quy Hoạch Nông Dân Sẽ Trả Giá Đắt Trồng Hồ Tiêu Không Theo Quy Hoạch Nông Dân Sẽ Trả Giá Đắt

Thế nhưng, theo thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp, diện tích hồ tiêu của tỉnh là 11.734 ha. Trong đó, tiêu kinh doanh 7.530 ha, tiêu kiến thiết cơ bản 3.715 ha, tiêu trồng mới 489 ha. Tuy nhiên trên thực tế, diện tích cây tiêu trên địa bàn tỉnh khoảng 15.000 ha.

13/11/2014
Đổi Đời Nhờ… Mạng Đổi Đời Nhờ… Mạng

Áo thôi ướt đẫm mồ hôi, chân tay cũng không còn bị xi măng bám chặt, ông Bùi Văn Hoàng, ở thôn 1, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) hiện nay chỉ cần bỏ ra khoảng 1 giờ mỗi ngày để thu hoạch nấm bào ngư. Cười tươi rói bên trại nấm bào ngư và nấm linh chi đang đến kỳ thu hoạch, ông Hoàng bộc bạch: “Trước làm phụ hồ, cả ngày vất vả mà thu nhập chỉ khoảng 200 nghìn. Còn giờ, mới nửa tháng thu nấm sò, tôi đã bỏ túi 6 triệu đồng”.

13/11/2014
Cà Phê Ghép Cho Năng Suất Cao Cà Phê Ghép Cho Năng Suất Cao

Cà phê là loại cây trồng chủ lực của tỉnh nhưng những năm qua, nhiều hộ đã thay trồng loại cây khác cho kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, vẫn không ít hộ thành công nhờ thực hiện mô hình cà phê ghép, trong đó có hộ ông Nguyễn Văn Tằm ở thôn 2, xã Long Bình (Bù Gia Mập - Bình Phước).

09/11/2014
Đến Ngày Thu Hoạch, Hàng Trăm Công Lúa Bị Đổ Ngã Đến Ngày Thu Hoạch, Hàng Trăm Công Lúa Bị Đổ Ngã

Mưa lớn liên tục trong khi mương thoát nước bị thu hẹp khiến hàng trăm công lúa thu đông trong tiểu vùng ấp Ninh Thạnh (xã An Tức, Tri Tôn, An Giang) đổ ngã, một phần bị hư hỏng do chìm trong nước. Bên cạnh khẩn trương rút nước để nông dân thu hoạch lúa, việc đầu tư thêm trạm bơm và nạo vét mương nội đồng mới là giải pháp lâu dài.

09/11/2014
Chuyển Mục Đích Gần 2ha Rừng Ở Vùng Sạt Lở Sang Trồng Rừng Sản Xuất Chuyển Mục Đích Gần 2ha Rừng Ở Vùng Sạt Lở Sang Trồng Rừng Sản Xuất

Dự án Di dân vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở đất núi, xã Văn Lăng là dự án xây dựng công trình công cộng, có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Do vậy, kinh phí trồng rừng thay thế được lấy từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020. Sở Nông nghiệp và PTNT đã được tỉnh giao xây dựng kế hoạch trồng rừng thay thế thuộc dự án theo kế hoạch trồng rừng sản xuất năm 2015 của tỉnh.

13/11/2014