Người Nuôi Cá Lồng Bè Kéo Ghe Ra Sông Phản Đối Việc Hút Cát Gây Ô Nhiễm

Khoảng 8 giờ ngày 8-7, người dân nuôi cá bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) đi trên hàng chục chiếc ghe kéo ra sông để phản đối việc Công ty CP Hoàng Linh hút cát vì cho rằng việc hút cát gây ô nhiễm nguồn nước - nguyên nhân làm xảy ra nhiều vụ cá lồng bè bị chết hàng loạt.
Tại thời điểm này, trên sông Chà Và có 6 ghe đang hút cát và 3 xà lan neo đậu đợi lấy cát (trong đó 2 xà lan đã có cát). Khi người dân kéo đến nơi, các ghe đang hút cát đồng loạt kéo ống hút lên rồi cùng 2 xà lan bỏ chạy ra hướng vịnh Gành Rái. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty CP Hoàng Linh được UBND tỉnh cho phép khai thác cát nhiễm mặn từ năm 2007 trên diện tích 40ha (khu vực 1 có diện tích 30,3ha, khu vực 2 là 9,7ha).
Nhưng từ tháng 1-2013, UBND tỉnh đã ra quyết định yêu cầu Công ty CP Hoàng Linh tạm ngưng khai thác cát nhiễm mặn ở khu vực 1 để chờ Viện Môi trường và Tài nguyên xác định nguyên nhân cá nuôi lồng bè chết trên sông Chà Và. Sau nhiều tháng không khai thác cát tại khu vực 1, mới đây Công ty CP Hoàng Linh đã hợp đồng với 6 ghe hút cát để khai thác ở khu vực 2.
Nhưng người dân nuôi cá lồng bè cho biết, các ghe này thực chất không khai thác cát trong khu vực 2 mà tổ chức hút cát ở khu vực 1 và ngoài luồng cho phép khiến nước sông ô nhiễm, ảnh hưởng đến cá đang nuôi. Anh Hoàng Minh Thành, một hộ nuôi cá và tôm sú lồng bè bức xúc cho biết: “Những ngày vừa qua, sáng nào cũng có ghe đến hút cát gần khu vực chúng tôi nuôi cá. Nguồn nước tại các bè nuôi bị ô nhiễm nên cá lừ đừ, không chịu ăn.
Nếu tình trạng hút cát này kéo dài thì nước sông sẽ tiếp tục ô nhiễm và cá nuôi của người dân nơi đây chết hết”. Tiếp lời anh Thành, anh Trần Văn Giang (nuôi cá trên sông Chà Và hơn 3 năm) cho biết: “Các ghe này hút cát không đúng vị trí cho phép nên mỗi khi thấy chúng tôi ra là họ rút ống bỏ chạy vào vị trí 1, nơi đã được Công ty CP Hoàng Linh thả phao làm dấu. Do không có cơ quan chức năng giám sát nên họ hút cát bậy, hút sai vị trí”.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Công ty CP Hoàng Linh cho biết: “Từ khi UBND tỉnh yêu cầu công ty tạm ngưng khai thác cát ở khu vực 1, phía công ty đã chấp hành. Mới đây, chúng tôi có ký hợp đồng với 6 ghe hút cát để ra khu vực 2 khai thác cát. Việc các ghe này có hút đúng vị trí chúng tôi thả phao hay không, chúng tôi không biết, vì lâu lâu tôi mới ra vài lần. Còn các xà lan là của đơn vị mua lại cát…”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Lê Văn Sâm, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, Sở vẫn chưa nghe phản ánh về tình trạng này, Sở sẽ tiến hành kiểm tra, xem xét về vấn đề này. Còn ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: “Hiện tại Công ty CP Hoàng Linh khai thác cát nhiễm mặn trên sông Chà Và ở khu vực 2 là vị trí vẫn còn cho phép. Tuy nhiên, nếu người dân nuôi cá lồng bè có cơ sở đầy đủ cho thấy việc Công ty CP Hoàng Linh khai thác cát không đúng vị trí, chúng tôi sẽ đề nghị UBND tỉnh nhanh chóng rút giấy phép hoạt động khai thác cát của công ty này”.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm giúp nông dân có định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, phát huy thế mạnh và phát triển kinh tế xã hội địa phương, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện An Phú phối hợp với Trung tâm Giống Thủy sản An Giang (đơn vị chuyển giao kỹ thuật) đã triển khai dự án: “Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nuôi cá sặc rằn ở huyện An Phú, tỉnh An Giang”, thời gian thực hiện từ tháng 3/2011 - 3/2013.

Ngày trước, người nuôi tôm trong tỉnh Hà Tĩnh phải “khăn gói” vượt hàng trăm cây số đi mua con giống về thả. Giờ chỉ cần đặt hàng, đúng hẹn là các doanh nghiệp (DN) sản xuất có uy tín sẵn sàng chở con giống đến tận ao nuôi... Sự kết nối của DN với người dân không chỉ giải bài toán thiếu hụt về nguồn giống tại chỗ mà còn là hướng phát triển bền vững cho nghề nuôi tôm.

Trước thông tin giá gà thương phẩm hiện giảm xuống chỉ còn 18.000 đồng/kg, trao đổi với PV Báo SGGP chiều 22-5, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, sự thật là giá gà đang rẻ như… rau nhưng chỉ đúng với loại gà công nghiệp trắng, còn các loại khác chỉ giảm nhẹ.

Thông tin từ Bộ phận khuyến nông Casuco, vụ mía 2012 - 2013 vừa qua có 179 hộ đăng ký chấm điểm để trở thành thành viên Câu lạc bộ (CLB) trồng mía đạt năng suất 200 tấn/ha/năm do Casuco thành lập, tăng 55 hộ so với cùng kỳ. Đến thời điểm này, nhân viên khuyến nông của công ty đã chấm điểm tất cả các rẫy mía do hộ dân đăng ký.

Bất chấp những khuyến cáo, cảnh báo của ngành chức năng, không ít nhà vườn ở các địa phương vùng ven huyện Châu Thành (Hậu Giang) và một số xã của thị xã Ngã Bảy đổ xô cải tạo vườn tạp, thậm chí đốn bưởi Năm Roi, chuyển đất trồng lúa để trồng cam sành. Trong khi, cây bưởi Năm Roi, lúa đang được khuyến khích duy trì và phục hồi diện tích nhưng ngày càng bị thu hẹp dần.