Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Nông Dân Say Mê Nghiên Cứu Giống Lúa Mới

Người Nông Dân Say Mê Nghiên Cứu Giống Lúa Mới
Ngày đăng: 17/06/2012

Chuyện nghiên cứu lai tạo thành công các giống lúa mới hiện nay không phải là hiếm, nhưng một người dân ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) nghiên cứu lai tạo thành công nhiều giống lúa đạt chuẩn được xem là một tâm điểm thu hút sự chú ý của giới nông dân và các nhà khoa học. Người chúng tôi muốn nói đến là ông Phan Văn Oanh (Mười Oanh), ở ấp Bình Thuận, xã Long Bình.

Theo chân ông Nguyễn Hồng Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Bình, chúng tôi đến thăm gia đình ông Mười Oanh - một nông dân sản xuất giỏi ở xã Long Bình. Không ai có thể nghĩ rằng, một nông dân chỉ học hết lớp 9 lại có thể tạo ra đến 6 loại giống lúa mới. Nhưng với ý chí, lòng kiên trì, say mê sản xuất, đã giúp ông thành công trong việc lai tạo giống lúa mới. Ông Mười Oanh kể: Được sự quan tâm của Hội Nông dân xã, huyện cử ông đi tham gia các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ông được tham gia lớp tập huấn chọn giống - lai tạo giống do Trung tâm Giống tỉnh Hậu Giang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức. Trong số 200 người của tỉnh Hậu Giang được tập huấn lúc bấy giờ, đến nay có lẽ chỉ có ông Mười Oanh là nghiên cứu lai tạo thành công giống lúa mới.

Là một người nông dân bình thường, nhưng ông lại có ý chí và quyết tâm lớn. Ông mơ ước biến những kiến thức đã học thành hiện thực thông qua việc chọn tạo ra các giống lúa mới phù hợp với địa phương. Và, sự thật ông đã thành công, đến nay ông đã chọn tạo được 6 loại giống lúa mới đặt tên từ Long Mỹ 1 đến Long Mỹ 6. Các giống lúa này đều được Trung tâm Giống và Trường Đại học Cần Thơ công nhận. 2 giống lúa Long Mỹ 2, 3 hiện đã cung ứng cho Trường Đại học Cần Thơ để cung cấp cho mạng lưới giống cộng đồng của 13 tỉnh, thành ĐBSCL sản xuất. 3 giống lúa Long Mỹ 4, 5, 6 mới được thuần trong vụ Đông xuân vừa qua và trong vụ Hè thu này được sản xuất thử ở 2 tỉnh Hậu Giang và Vĩnh Long với diện tích trên 3 ha. Ông Mười Oanh cho biết, trung bình để làm được 1 giống lúa mới thì phải mất từ 2 đến 3 năm, và phải trải qua quá trình chọn lọc, lai tạo, phân ly 5 đến 6 lần mới có thể chọn ra những hạt lúa tốt nhất thì mới giữ lại làm giống. Các giống lúa của ông Mười Oanh được đánh giá rất cao như giống Long Mỹ 3 thích nghi v

ới nhiều vùng đất, năng suất cao, kháng sâu bệnh. Còn giống lúa Long Mỹ 4 năng suất cao, gạo ngon không thơm nhưng dẻo và mềm cơm, thích nghi nhiều vùng đất, kháng đạo ôn rầy nâu. Còn Long Mỹ 5 cứng cây, bông to, gạo trắng, hạt dài đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, Long Mỹ 6 bông ngắn, hạt dài, kháng sâu bệnh cao như rầy nâu, đạo ôn.

Say mê nghiên cứu lai tạo các giống lúa mới đối với ông Mười Oanh không chỉ là áp dụng những gì đã được học vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp, mà ông còn mong muốn tạo ra nhiều loại giống lúa mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, giải quyết được nguồn lúa giống khan hiếm và đáp ứng kịp thời trong quy trình sản xuất hiện nay. Trong tổng số hơn 3 ha đang sản xuất các loại giống lúa mới của ông Mười Oanh trong vụ Hè thu này, gia đình ông Nguyễn Văn Dể, ở ấp Bình Thuận có 13 công gieo sạ giống lúa Long Mỹ 6. Ông Dể cho biết, vụ Đông xuân trước với giống lúa này năng suất đạt rất cao 1,05 tấn/công tầm lớn, điều đặc biệt là trong suốt quá trình sản xuất gia đình ông không hề sử dụng một loại thuốc bảo vệ thực vật nào.

Trong điều kiện còn khó khăn, nhưng bằng sự đam mê, kiên trì, tỉ mỉ ông Mười Oanh đã sản xuất được nhiều giống lúa mới mà ít người nông dân có thể làm được. Để sản xuất được các giống lúa chất lượng cao hơn và được sản xuất rộng rãi đại trà hơn trong thời gian tới bên cạnh việc đầu tư của gia đình ông Mười Oanh thì rất cần sự giúp đỡ của các cấp, các ngành.

Hiện nay, tuy các giống lúa mang tên quê hương “Long Mỹ” do ông Mười Oanh lai tạo ra chưa thật sự được sản xuất đại trà, chưa có tính cạnh tranh cao, nhưng những gì ông Mười Oanh đã và đang làm được đã đủ chứng minh một điều ông chính là đại diện cho một thế hệ nông dân thời đại mới, cần được mọi người học tập và biểu dương.

Có thể bạn quan tâm

Sản Xuất Nhỏ, Hiệu Quả Cao Sản Xuất Nhỏ, Hiệu Quả Cao

Chỉ với 500m2 rau xanh, bình quân mỗi tháng anh Huỳnh Văn Hương (trong ảnh), thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn thu được gần 4 triệu đồng.

29/07/2013
Tập Trung Xử Lý Bệnh Chồi Cỏ Mía Bằng Vôi Bột Ở Tân Kỳ (Nghệ An) Tập Trung Xử Lý Bệnh Chồi Cỏ Mía Bằng Vôi Bột Ở Tân Kỳ (Nghệ An)

Bệnh chồi cỏ hại mía xuất hiện ở Tân Kỳ (Nghệ An) mới vài năm nay nhưng hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Mặc dù ngành nông nghiệp Nghệ An đã thực hiện các mô hình để diệt chồi cỏ song hiệu quả không cao. Trước tình hình đó, Công ty mía đường Sông Con hướng dẫn nông dân xử lý bệnh bằng vôi bột, hiệu quả thấy rõ…

25/01/2013
86ha Tôm Nuôi Theo Mô Hình Kết Hợp Có Tôm Chết Rải Rác 86ha Tôm Nuôi Theo Mô Hình Kết Hợp Có Tôm Chết Rải Rác

Trong những tháng đầu năm, do điều kiện thời tiết diễn biến không thuận lợi, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá cao, một số nơi bị ô nhiễm nguồn nước nên tình hình tôm nuôi của bà con trên địa bàn huyện Giá Rai gặp nhiều khó khăn. Qua kiểm tra thực tế của các ngành chức năng cho thấy, hiện có 86ha tôm nuôi theo mô hình kết hợp bắt đầu xuất hiện tôm nuôi chết rải rác ở một số nơi, chủ yếu tập trung ở thị trấn Giá Rai và xã Tân Thạnh.

08/06/2013
Hướng Tới Vùng Chuyên Chăn Nuôi Bò Sữa Ở Huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) Hướng Tới Vùng Chuyên Chăn Nuôi Bò Sữa Ở Huyện Đơn Dương (Lâm Đồng)

Đơn Dương là huyện phía Nam của cao nguyên Lâm Viên, chỉ cách TP. Đà Lạt chừng 30km. Với những lợi thế về đất đai, khí hậu, huyện Đơn Dương hoàn toàn có thể tin tưởng về một vùng chuyên chăn nuôi bò sữa đầu tiên trên đất Tây Nguyên.

28/01/2013
Ứng Dụng Chế Phẩm Sinh Học Cho Cây Trồng, Vật Nuôi Ứng Dụng Chế Phẩm Sinh Học Cho Cây Trồng, Vật Nuôi

Công ty TNHH Sinh Thái Trung Việt (Gia Lai) vừa phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Ninh Hải tổ chức Hội thảo hướng dẫn ứng dụng chế phẩm “Vườn sinh thái Rainbow” trong sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân xã Xuân Hải.

29/07/2013