Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Nông Dân Sáng Tạo Với Mô Hình Ghép Nhãn Trên Thân Cây Vải Thiều

Người Nông Dân Sáng Tạo Với Mô Hình Ghép Nhãn Trên Thân Cây Vải Thiều
Ngày đăng: 18/06/2013

Thân cây vải thiều nhưng lại cho quả nhãn, điều kỳ diệu này đã xảy ra tại vườn cây ăn quả của gia đình nhà ông Lê Thế Hơn thôn Hiệp Tân xã Hồng Giang huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang. Đây không phải là sự ngẫu nhiên mà đó là sự năng động, sáng tạo của ông Hơn sau vài năm miệt mài nghiên cứu, và giải pháp: “Ghép mắt nhãn chất lượng cao trên thân cây vải thiều” của ông đã đạt giải nhì trong cuộc thi” Sáng tạo nhà nông” do Hội nông dân tỉnh Bắc Giang tổ chức.

Vụ nhãn năm nay vào thăm vườn nhãn của gia đình ông Hơn, ai cũng phải tấm tắc khen ngợi. Bởi cây nhãn không những sai quả, mà quả nào cũng to, cũng đẹp, ăn thì lại ngọt. Tưởng chừng đây là giống nhãn mới nào mới được ông thử nghiệm, đem thắc mắc hỏi thì ông tủm tỉm cười:  Đây là giống nhãn vải! Chúng tôi nghĩ rằng ông trêu đùa nên mới nói như vậy, nhưng không ngờ khi tìm hiểu ra thì đó lại là sự thật.

Ông Hơn có dáng người nhanh nhẹn, năm nay khoảng 50 tuổi, đã có nhiều năm gắn bó với vườn cây ăn quả. Dẫn chúng tôi đi thăm quan vườn nhãn, ông Hơn chỉ tay vài những gốc nhãn có vài đoạn sần sùi và giải thích: - Đây là gốc vải thiều đấy chứ, tôi lấy mắt nhãn ghép vào gốc vải, thế nên mới gọi là quả nhãn vải. Quan sát vườn nhãn tốt sum xuê của ông, chúng tôi đoán rằng chắc chúng phải có đến chục năm tuổi, thế nhưng với giải pháp của ông Hơn thì thực tế chúng chỉ mới có vài năm tuổi, thậm chí có những cây chỉ hơn 1 năm tuổi nhưng cũng đã cho ra hoa, đậu quả. Điều kỳ diệu này xảy ra khi ông Hơn lấy mắt nhãn để ghép vào thân cây vải thiều.

Tâm sự với chúng tôi, ông Hơn bảo ông nghĩ ra giải pháp này cũng thật tình cờ. Trước đây nhà ông cũng trồng rất nhiều vải thiều, nhưng chục năm sau thì giá vải thiều bắt đầu xuống thấp. Chính vì vậy mà ông Hơn thấy cần phải trồng thêm một loại cây trồng khác để tăng thêm thu nhập. Ông bắt đầu trồng xoài, trồng hồng nhân hậu… Nhưng rồi ông Hơn vẫn thấy hiệu quả kinh tế không cao, cho đến một ngày khi ông nhìn thấy những chồi non mọc lên từ gốc những cây vải mới chặt, lúc ấy ông đã chợt nghĩ đến việc lấy mắt nhãn để ghép vào gốc vải.

Thoạt nghe thì ý tưởng này có vẻ buồn cười, thế nhưng ông Hơn vẫn quyết tâm làm thử. Ông tâm sự : “ Tôi nghĩ rằng cây nhãn có họ với cây vải cho nên lấy mắt của chúng ghép vào thân cây của nhau chắc cũng dễ hoà hợp.” Nghĩ vậy nên năm 2005 ông Hơn đốn vài chục cây vải thiều để lấy mắt nhãn ghép vào. Không ngờ, sau vài lần thử nghiệm cuối cùng những mắt ghép trên thân cây vải cũng sống và đâm chồi, nảy lộc.

Một năm sau thì những cây nhãn ghép này đã bắt đầu ra hoa, cho quả. Nhưng phải đến năm thứ 2 thì mới cho quả đều. Ông Hơn cho biết: ưu điểm lớn nhất của cây nhãn ghép đó là nhanh chóng cho thu hoạch. Nếu như trồng nhãn bằng cành hay chiết thì phải mất vài năm mới được thu hoạch, còn nhãn ghép thì chỉ mất hơn 1 năm. Trong khi đó thì hiện nay cây nhãn diện tích còn ít, thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá cao, trung bình từ 30- 35 nghìn đồng/kg nên thu nhập cao gấp 2-3 lần so với trồng vải. Ngoài ra cây nhãn cũng ít bị bệnh, ít khi phải sử dụng đến thuốc Bảo vệ thực vật.

Thấy việc ghép mắt nhãn trên cây vải thiều thành công, ông Hơn tiếp tục nhân rộng diện tích nhãn ghép trong vườn cây ăn quả của mình. Đến nay gia đình ông có khoảng trên 60 cây nhãn ghép và 300 cây nhãn trồng. Mỗi năm cho thu hoạch 5-6 tấn nhãn, thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Từ mô hình mang lại hiệu quả cao từ ghép nhãn trên thân cây vải thiều, nhiều bà con trong thôn, xã và huyện Lục Ngạn đã đến thăm quan, học tập và làm theo ông Hơn.

Bản thân ông cũng rất nhiệt tình chỉ bảo cho bà con, ngoài ra ông còn cung cấp các mắt ghép đảm bảo cho những hộ gia đình có nhu cầu. Đặc biệt, mới đây Hội làm vườn trung ương đã có dự án ghép mắt nhãn trên cây vải với diện tích 3 ha ở xã Tân Lập huyện Lục Ngạn và Thị trấn Sao Đỏ huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương, mà ông Hơn đóng vai trò làm người hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp cho bà con.

Với ý tưởng độc đáo này, năm 2009 tại Hội thi sáng tạo nhà nông do tỉnh Bắc Giang tổ chức, ông Hơn đã đạt giải nhì. Và điều quan trọng hơn đó là, giải pháp của ông đã ngày càng được bà con trong và ngoài tỉnh học tập, nhân rộng, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhanh chóng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, xoá đói giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi.


Có thể bạn quan tâm

Người Mộc Châu Đồng Lòng Làm Giàu Người Mộc Châu Đồng Lòng Làm Giàu

Huyện Mộc Châu là địa bàn có nhiều nông sản nổi tiếng vùng Tây Bắc. Trong đó, nhiều loại sản phẩm đã chiếm lĩnh cả thị trường nước ngoài như: Chè, sữa Mộc Châu, cải dầu, hoa ly, hoa lan…

13/05/2014
Trồng Đậu Phụng Méo Mặt Trồng Đậu Phụng Méo Mặt

Nhìn mấy người buôn khiêng những bao đậu phụng (lạc) khô chất lên xe chở đi, bà Ngô Thị Thu Thủy ở thôn Mông Nghệ Bắc (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) lắc đầu: “Gần 4 tháng ròng cần mẫn chăm sóc, kết quả thu về là âm cả vốn, hỏi sao mà không nản lòng”.

13/05/2014
Xuất Khẩu Gạo Bị Thái Giành Giật Thị Trường Xuất Khẩu Gạo Bị Thái Giành Giật Thị Trường

Đó là thông tin tại buổi họp sơ kết xuất khẩu gạo tháng 4 và kế hoạch xuất khẩu gạo tháng 5, do Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa tổ chức tại TP HCM.

13/05/2014
Cá Ngựa Tiếp Tục Được Nghiên Cứu Để Cho Ra Dòng Cá F2 Cá Ngựa Tiếp Tục Được Nghiên Cứu Để Cho Ra Dòng Cá F2

Thông tin mới trong quá trình nghiên cứu cá ngựa của nhóm các nhà khoa học phòng Công nghệ nuôi trồng - Viện Hải dương học tại Nha Trang. Cá ngựa đang được tiếp tục nghiên cứu thay đổi màu sắc và lấy thế hệ cá F1 cho ra dòng cá F2. Điều này sẽ hạn chế tối đa việc khai thác cá ngoài tự nhiên.

02/06/2014
Huyện Cái Nước Có Hơn 850 Ha Tôm Nuôi Bị Thiệt Hại Huyện Cái Nước Có Hơn 850 Ha Tôm Nuôi Bị Thiệt Hại

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Cái Nước có hơn 850 ha tôm nuôi bị thiệt hại; trong đó tôm nuôi quảng canh truyền thống 420 ha, quảng canh cải tiến 335 ha và tôm công nghiệp trên 120 ha.

13/05/2014