Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người nông dân nghĩ khác làm khác

Người nông dân nghĩ khác làm khác
Ngày đăng: 04/11/2015

Anh Nguyễn Hữu Tá (áo trắng) đang hướng dẫn cách chọn cá giống cho người dân.

Huyện Đăk Hà (Kon Tum) có thế mạnh phát triển cây cà phê. Nhưng nghĩ khác, làm khác, anh Nguyễn Hữu Tá (43 tuổi, tổ dân phố 5, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đã từng bước gây dựng nên cơ nghiệp bằng việc nuôi cá.

Hai mươi năm trước, anh Tá khởi nghiệp bằng việc xây dựng một cơ sở cung cấp cá giống quy mô nhỏ, phục vụ cho một số ít hộ dân có nhu cầu nuôi cá tại ao hộ gia đình và thực hiện thu mua sản phẩm cá trên địa bàn huyện.

Cũng như nhiều người khác, giai đoạn đầu đầy rẫy những vấp váp, khó khăn. Cá giống sản xuất ra liên tục chết, khách hàng ít và hầu như cả tháng không bán được đợt cá nào. Cuộc sống gia đình anh lao đao.

Không nản lòng, anh Tá ngày đêm tích cóp kinh nghiệm, học hỏi mọi người. Dần dần, con cá không phụ lòng người nông dân chăm chỉ, khách các tỉnh lân cận cũng tìm đến hỏi mua giống.

Được sự khuyến khích của huyện Đắk Hà trong việc xây dựng mối “liên kết 4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông), để phát triển hoạt động sản xuất và cung ứng giống thủy sản nước ngọt, anh Tá tiếp tục mở rộng kinh doanh sang bán thức ăn, thu mua cá thịt.

Bên cạnh đó, anh cũng tích cực phổ biến kiến thức, chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho bà con.

Anh phối hợp với Trung tâm khuyến nông của huyện triển khai thành công một số mô hình mới trên địa bàn như nuôi cá diêu hồng lồng bè, cá lăng, cá bống tượng và rô phi đơn tính…

Suốt nhiều năm qua, anh đã tạo dựng và liên kết được khoảng 200 hộ nông dân trong huyện, 30 bạn hàng trong tỉnh và hơn 50 bạn hàng ngoài tỉnh.

Hầu hết những hộ được liên kết làm ăn đã sinh lãi và có mức thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Hằng năm, anh còn giúp đỡ cho bà con vay từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng không tính lãi thông qua việc hỗ trợ thức ăn, con giống.

Nhiều gia đình khó khăn, nhờ sự hướng dẫn và hỗ trợ của anh Tá đã có của ăn của để như hộ ông Lê Thế Cương nuôi cá rô vuông (thu nhập 300 triệu đồng/năm), hộ ông Hoàng Danh Chuyên, ông Vinh nuôi cá rô phi (500 triệu đồng/năm)…

Ông Bùi Văn Vượng, Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Đăk Hà (Kon Tum) cho biết, việc liên kết 4 nhà giữa trung tâm cá giống của anh Tá với các hộ dân trong vùng cũng tạo dựng được nhiều mô hình liên kết bền vững.

Việc bảo đảm từ nguồn cá giống, thức ăn đến việc bao tiêu sản phẩm, tìm đầu ra cho thị trường cá đã và đang giúp ích cho hàng trăm hộ dân có cuộc sống ổn định từ mô hình nuôi cá thương phẩm này, mở ra những hướng phát triển kinh tế, thoát nghèo mới cho huyện.

Với mức thu nhập hơn 1,5 - 2 tỉ đồng mỗi năm, anh Nguyễn Hữu Tá đã trở thành tỉ phú từ nghề cá giữa mảnh đất bạt ngàn cà phê của huyện Đăk Hà cùng lời khẳng định “nghề nào cũng có thể làm giàu và thoát nghèo bền vững”.


Có thể bạn quan tâm

Qua vụ tôm xuân hè 2015 Qua vụ tôm xuân hè 2015

Những ngày này, đi dọc các vùng nuôi tôm công nghiệp nằm ở ven biển thuộc các xã Bạch Long, Giao Phong, Quất Lâm (Giao Thủy - Nam Định); Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều (Hải Hậu); Nghĩa Phúc, Nam Điền (Nghĩa Hưng)… chúng tôi bắt gặp các hộ nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, đổ ra các ao đầm miệt mài kéo tôm để kịp xuất bán cho thương lái.

17/07/2015
Tình hình nuôi tôm nước lợ 6 tháng đầu năm 2015 và định hướng sản xuất 6 tháng cuối năm 2015 Tình hình nuôi tôm nước lợ 6 tháng đầu năm 2015 và định hướng sản xuất 6 tháng cuối năm 2015

Những tháng đầu năm 2015 vụ nuôi tôm nước lợ diễn ra trong bối cảnh bất lợi về thời tiết, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn đến sớm hơn so với năm 2014, độ mặn ở nhiều nơi trên 32‰, mưa trái mùa, nguồn nước cấp bị ô nhiễm (nhiều thông số môi trường tại các điểm quan trắc đầu nguồn nước cấp đều vượt ngưỡng cho phép đặc biệt như nitrit, COD, Amonia, vibrio…) làm cho dịch bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy, đường ruột, phân trắng, vi bào tử trùng… phát triển, gây chết tôm nuôi, giảm sản lượng tôm thu hoạch và gây thiệt hại cho người nuôi.

17/07/2015
Lấn, chiếm đất để làm hồ nuôi tôm tại các địa phương ven biển: Cần xử lý dứt điểm Lấn, chiếm đất để làm hồ nuôi tôm tại các địa phương ven biển: Cần xử lý dứt điểm

Việc nuôi tôm cao triều ở Phú Yên trong thời gian qua đã mang lại thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên trong quá trình quản lý đất đai, một số địa phương đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất làm hồ nuôi tôm trái phép, có địa phương không kiên quyết xử lý nên diện tích lấn chiếm ngày càng tăng, diễn biến ngày càng phức tạp.

17/07/2015
Diện tích tôm công nghiệp giảm mạnh Diện tích tôm công nghiệp giảm mạnh

Do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh liên tục xảy ra, giá tôm giảm mạnh nhiều tháng liền. Trong khi đó, chi phí thức ăn, con giống… nuôi tôm tăng mạnh dẫn đến diện tích nuôi tôm công nghiệp ở huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2014.

17/07/2015
Mùa chem chép Mùa chem chép

Cư vào mùa này vào thời điểm thủy triều xuống ngư dân lại tìm đến nghề cào chem chép. Một ký chem chép sau khi cào xong, đóng bao bán cho các đầu nậu 1500 đồng/kg. Các đầu nậu cân lại cho các cơ sở nuôi tôm hùm, cá bóp vì chem chép sữa là thức ăn giàu dinh dưỡng cho các hải đặc sản giá trị như tôm hùm, cá mú, cá bóp...

17/07/2015