Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Nông Dân Giàu Lòng Nhân Ái

Người Nông Dân Giàu Lòng Nhân Ái
Ngày đăng: 30/07/2013

Ông Bùi Văn Viên, ở thôn Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải không chỉ được người dân trong vùng biết đến với tính cần cù, làm kinh tế giỏi, mà còn nhiệt tình tham gia công tác đoàn thể ở địa phương và tấm lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

Nổi tiếng là nông dân sản xuất giỏi, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhưng ngôi nhà của gia đình ông Bùi Văn Viên cũng giản dị, chân chất như chính chủ nhân của nó. Ông cho rằng: Chỉ cần cuộc sống ổn định, gia đình thuận hòa, con cái được học hành và quan trọng là bản thân có sức khỏe để vẫn có thể lao động, có thể giúp đỡ người khác… là tài sản quý giá hơn cả.

Sinh năm 1963, trong một gia đình diêm dân, ông Viên cũng phải trải qua không ít khó khăn trong những ngày đầu lập nghiệp. Với sự cần cù, chịu khó và những thành công bước đầu trong việc sản xuất muối, năm 2000, ông là một trong những diêm dân được Hội Nông dân tỉnh cử đi học tập kinh nghiệm về mô hình sản xuất muối thương phẩm tại tỉnh Long An.

Vận dụng những kinh nghiệm học được, hơn 1,5 ha muối của gia đình ông sản xuất theo mô hình mới đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập mỗi năm từ 300-400 triệu đồng.

Ông được Hội Nông dân tỉnh và bà con diêm dân tín nhiệm chọn làm chủ Dự án mô hình sản xuất muối thương phẩm ở xã Nhơn Hải. Là nông dân dám nghĩ, dám làm, ngoài thu nhập từ sản xuất muối, gia đình ông Viên còn mạnh dạn đầu tư chăn nuôi đàn cừu trên 40 con.

Đặc biệt, tận dụng những khoảng đất trống xung quanh ruộng muối, ông đã cải tạo và sử dụng hệ thống tưới nước phun tự động để canh tác hành, tỏi, dưa hấu tạo thêm thu nhập cho gia đình. Năm 2010, ông vinh dự được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen “Gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”.

Kinh tế gia đình ổn định cũng là điều kiện thuận lợi để ông Bùi Văn Viên tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, công tác xã hội ở địa phương. Với vai trò là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân xã Nhơn Hải, ông luôn nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ bà con trong thôn, trong xã phát triển kinh tế gia đình. Là Hội trưởng Hội Cha mẹ học sinh của Trường THPT Ninh Hải và Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ninh Hải) nhiều năm liền, ông Viên luôn nhiệt tình, hết mình vì sự nghiệp giáo dục.

Từ việc vận động học sinh bỏ học đến trường, giáo dục học sinh cá biệt… đến thăm hỏi, tặng quà, học bổng cho học sinh nghèo, học sinh học giỏi… ông đều chung tay cùng nhà trường giải quyết. Không chỉ tích cực vận động các phụ huynh, nhà hảo tâm ủng hộ, bản thân ông luôn là những người đầu tiên hỗ trợ các nguồn kinh phí cho nhà trường. Năm 2011, gia đình ông vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục.

Gia đình cũng đi lên từ những ngày tháng khó khăn, bởi vậy hơn ai hết ông Viên thấu hiểu những thiếu thốn, vất vả của người nghèo. “Người nông dân phải biết đùm bọc, yêu thương, đoàn kết thì làm ăn, sản xuất mới bền vững. Nhà nhà đều ấm no thì quê hương mình mới khởi sắc” – Ông Viên chia sẻ. Với suy nghĩ ấy, ông luôn sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn như: hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, tạo điều kiện cho họ sản xuất; tích cực đóng góp kinh phí xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo, đi đầu trong việc ủng hộ các loại quỹ và đặc biệt, gia đình ông Bùi Văn Viên là “nhà tài trợ” quen thuộc của các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của xã Nhơn Hải và huyện Ninh Hải. Bản thân ông cũng chính là tấm gương sáng để các con noi theo. Cuộc sống ổn định, gia đình hòa thuận và luôn được bà con lối xóm tin, yêu – là tài sản quý giá mà nông dân Bùi Văn Viên luôn phấn đấu gìn giữ.


Có thể bạn quan tâm

Hòa Sơn Nhộn Nhịp Mùa Thu Hoạch Mì Hòa Sơn Nhộn Nhịp Mùa Thu Hoạch Mì

Trở lại xã Hòa Sơn (huyện Ninh Sơn) vào những ngày cuối tháng hai, chúng tôi gặp nông dân địa phương đang nhộn nhịp khẩn trương vào mùa thu hoạch mì. Những rẫy mì trải dài tít tắp rộn tiếng nói cười của người lao động đào củ, chất mì lên xe. Mì xắt lát phơi trắng các khu dân cư tạo thành bức tranh ngày mùa sinh động trên vùng đất Hòa Sơn.

01/03/2014
Thoát Nghèo Bằng Nghề Trồng Hoa Thoát Nghèo Bằng Nghề Trồng Hoa

Xuất thân từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn và khởi đầu lập nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng bằng nghị lực và tinh thần vượt khó, anh Đồng Phú Khánh (51 tuổi) ở khu phố Phú Thứ, thị trấn Phú Thứ (Tây Hòa) đã vươn lên thoát nghèo với nghề trồng hoa và đúc chậu kiểng trên chính mảnh đất quê hương mình.

01/03/2014
Thoát Nghèo Nhờ Trồng Rau Xanh Trên Cát Thoát Nghèo Nhờ Trồng Rau Xanh Trên Cát

Trời xế trưa, vừa đánh chiếc xe tải cua vào sân, anh Trần Như Thi, thôn Hoà Luật Nam, xã Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ mở cửa xe bước xuống nở nụ cười tươi rói, khoe với vợ: "Hôm ni trúng mánh, trừ mọi chi phí cũng kiếm lời được cả triệu đồng tiền bán rau...".

01/03/2014
Nâng Cao Giá Trị Kinh Tế Cho Cây Tỏi Lý Sơn Nâng Cao Giá Trị Kinh Tế Cho Cây Tỏi Lý Sơn

Trước tình trạng thương hiệu của cây tỏi Lý Sơn đang bị một số đối tượng lợi dụng để trục lợi, mới đây UBND huyện Lý Sơn đã thông qua đề án phát triển cây tỏi và tiến hành mở gian hàng tỏi tại chợ trung tâm huyện.

01/03/2014
Đại Hòa Phát Triển Chăn Nuôi Bò Thịt Đại Hòa Phát Triển Chăn Nuôi Bò Thịt

Những năm gần đây, chăn nuôi bò thịt được xác định là một trong những chương trình sản xuất trọng điểm của xã Đại Hòa (Đại Lộc). Phong trào chăn nuôi bò thịt phát triển mạnh ở hầu hết các thôn trên địa bàn xã, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

01/03/2014