Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Mang Dược Liệu Về Núi Trọc

Người Mang Dược Liệu Về Núi Trọc
Ngày đăng: 17/09/2014

Cái tên núi Trọc, nằm ở xã Hành Trung (Nghĩa Hành), gắn liền với một vùng đất hoang hóa, cằn cỗi, cây cối không mọc nổi. Ấy vậy mà qua đôi bàn tay của anh Nguyễn Đức Tuệ, nơi đây đã trở thành mảnh đất “xanh” cho cây dược liệu cà gai leo sinh sôi và trở thành “sinh kế” cho hàng chục hộ dân ở Nghĩa Hành.

Gã “gàn” trên núi Trọc…

Khu núi Trọc từng “qua tay” không biết bao nhiêu người. Nhưng ai nấy cũng đều lắc đầu chào thua, khi không có loại cây trồng nào thích ứng được với thứ đất bị nhiễm phèn ấy. Thế nên dù núi Trọc có diện tích lớn, chính quyền xã Hành Trung cũng đành để hoang hóa.

Bởi vậy, khi nghe tin anh Nguyễn Đức Tuệ thuê lại núi Trọc để trồng dược liệu, ai cũng cười bảo anh là gã khùng. “Chắc từ nhỏ đến lớn nó chỉ học sách vở nên chẳng hiểu gì về nghề nông”, anh Tuệ cười tươi rói kể lại lời nhận xét của mọi người.

Có trong tay 7.000m2 đất, lúc đầu anh Tuệ dự tính phát triển trang trại nuôi heo rừng. Nhưng khi nghe tin người dân đang đổ xô đi đào cả gốc lẫn rễ của cây cà gai leo để bán cho thương lái, anh quyết định chuyển hướng. Bởi theo anh, nếu bà con cứ tiếp tục khai thác theo kiểu tận diệt thì chẳng mấy chốc, cây cà gai leo sẽ trở nên khan hiếm. Vì vậy, nếu biết “đi tắt, đón đầu” bằng cách ươm trồng cà gai leo, thì chẳng những giữ được giống dược liệu quý mà còn dựa được vào nó để phát triển kinh tế.

Suy nghĩ xong hướng đi, nhưng anh Tuệ không vội làm ngay. Vì qua tìm hiểu trên nhiều kênh thông tin, anh nhận ra có rất nhiều nông dân từng ứng dụng thành công các mô hình mới, nhưng vì không tìm được đầu ra, nên hầu hết đều thất bại. Chính vì thế, thay vì “nóng vội” tìm hiểu cách thức ươm cây dược liệu, anh Tuệ mày mò tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Và những công ty dược uy tín như Công ty TNHH Tuệ Linh… trở thành sự lựa chọn hàng đầu của anh. “Các công ty đầu tư cây giống, bao tiêu đầu ra, hỗ trợ phân, thuốc. Còn tôi, chỉ việc trồng”, anh Tuệ phấn khởi khoe với chúng tôi bản hợp đồng ký kết bao tiêu sản phẩm đến năm 2018 với một số công ty dược.

Đầu năm 2014, sau khi cầm chắc trong tay hợp đồng cam kết của các công ty, anh Tuệ bắt tay ngay vào việc ươm giống cà gai leo trên núi Trọc. Cây cà gai leo không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, lại rất dễ dàng bén duyên trên đất cằn, nên vùng đất núi Trọc “chó ăn đá, gà ăn sỏi” năm nào, giờ đã xanh um cây dược liệu.

…trở thành “bà đỡ” của nông dân

Nhận thấy diện tích núi Trọc không kham hết sản lượng cả ngàn tấn cà gai leo mà các công ty dược cam kết bao tiêu hằng năm, anh Tuệ bắt đầu chia sẻ cơ hội phát triển kinh tế bằng cách kêu gọi mọi người hợp tác. Cây giống đã có người lo, đầu ra cũng được anh Tuệ cam kết đảm bảo. Vì vậy, khi tham gia mô hình mới này, người nông dân không phải bỏ ra bất cứ đồng vốn nào mà vẫn thu được lợi nhuận.

Như trường hợp ông Đoàn Đình Ngãi ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành), chỉ với 1,5 sào đất, trong vòng 4-5 tháng, ông thu về trên 17 triệu đồng sau khi thu hoạch xong 2 lứa cà gai leo. Rồi ông Nguyễn Khắc Lực ở xã Hành Trung, chỉ tận dụng khoảnh đất rẫy rộng chưa đến 0,5 sào để trồng cà gai leo, nhưng ông vẫn thu về được 5 triệu đồng sau 5 tháng.

Với thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ từ 2-2,5 tháng, lại không tốn nhiều công chăm sóc, nên cây cà gai leo đã mở ra hướng đi mới cho rất nhiều nông dân ở huyện Nghĩa Hành.

Ông Nguyễn Hường, ở sát ngay nhà ông Lực, sau khi nhận thấy mô hình trồng cà gai leo mang lại hiệu quả kinh tế cao lại không phải lo âu về đầu ra, nên ông cũng quyết định làm theo. “Tháng 9 năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch mì xong là tôi lại bỏ trống 2 sào đất vì chẳng biết trồng cây gì vào mùa mưa. Nhưng giờ có cây cà gai leo, vừa dễ trồng, vừa có thể thu hoạch được chỉ sau 2 tháng, nên mùa mưa này tôi sẽ không bỏ trống đất nữa”, ông Hường cho biết.

“Cây cà gai leo có thể phát triển tốt ở những nơi đất đai nghèo dinh dưỡng lại chỉ cần tưới nước 3 lần/tuần mà không phải chăm sóc gì thêm. Vì vậy, trong vụ đông xuân 2014-2015 tới, Hội Nông dân xã sẽ liên kết với anh Tuệ để khuyến khích bà con nông dân có đất ở những nơi cằn cỗi, bỏ hoang như đồi Cấm, khu vực xung quanh núi Trọc áp dụng mô hình này”, ông Nguyễn Sinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hành Trung khẳng định.

Không chỉ dừng lại ở cây cà gai leo, trong thời gian đến, anh Nguyễn Đức Tuệ sẽ tiếp tục ký kết với các công ty dược để mang cây dược liệu mật nhân, cây sa nhân tím…về với bà con nông dân Nghĩa Hành.


Có thể bạn quan tâm

Tay Trắng Thu Bạc Tỷ Nhờ Nuôi Ốc Hương Trên Đảo Ngọc Tay Trắng Thu Bạc Tỷ Nhờ Nuôi Ốc Hương Trên Đảo Ngọc

Ông Ba Nhàn nhớ lại, năm 2005 gia đình ông từ Rạch Giá (Kiên Giang) ra sống trên đất đảo hoang sơ. Tại đây, ông chỉ xin được khoảnh đất nhỏ đủ cất được cái nhà trú mưa trú nắng cho vợ con sinh sống. Ông Ba Nhàn làm nghề đi tàu biển thuê. Mỗi lần tàu cập bến, chủ tàu cho phân loại các loài thủy hải sản để bán.

24/07/2014
Hòa Bình: Xây Dựng Thương Hiệu Cho Ngành Chăn Nuôi Hòa Bình: Xây Dựng Thương Hiệu Cho Ngành Chăn Nuôi

Ngoài ra còn có hàng trăm gia trại chăn nuôi trong nông hộ có thể phát triển chăn nuôi một số con nuôi đặc sản như lợn bản địa, don, nhím. Tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh gồm gần 105.000 con trâu, bò, dê, hơn 5,3 triệu con gà, vịt.

02/04/2014
Các Đối Tượng Bơm Tạp Chất Vào Tôm Đối Phó Ngày Càng Tinh Vi Các Đối Tượng Bơm Tạp Chất Vào Tôm Đối Phó Ngày Càng Tinh Vi

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, các cơ sở thu mua tôm sú nguyên liệu thường tổ chức người canh gác, tập trung hàng hoá ở những địa bàn phức tạp, sâu trong những đoạn kênh rạch xa xôi, hẻo lánh, thậm chí vừa chở hàng trên sông vừa bơm chích tạp chất vào tôm.

25/07/2014
Làm Giàu Từ Mô Hình Vườn Rừng Tầm Vông Làm Giàu Từ Mô Hình Vườn Rừng Tầm Vông

Năm 1984, rời Đà Lạt, ông Ngô Tuất (1945) xuống thôn Hương Thủy, xã Hương Lâm, huyện Đạ Tẻh với quyết tâm phát triển sản xuất để nuôi 4 con nhỏ trưởng thành. Buổi đầu vợ chồng ông bà làm ruộng lúa, hoa màu, đậu đỗ và trồng dâu nuôi tằm trên diện tích vườn 3,1 ha tự khai phá mà có.

02/04/2014
Mực Khô Rớt Giá, Giá Dầu Tăng Ngư Dân Lo Lắng Mực Khô Rớt Giá, Giá Dầu Tăng Ngư Dân Lo Lắng

Mỗi tàu công suất 500CV tiêu thụ từ 70 đến 75 nghìn lít dầu cho mỗi chuyến đi biển 3 tháng, khi giá dầu tăng thêm 500 đồng một lít, chủ tàu phải đội thêm chi phí gần 38 triệu đồng mỗi chiếc. Trong ảnh: Tàu đánh bắt xa bờ cập cảng Cát Lở lấy dầu, nước đá đi biển.

25/07/2014