Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Khmer Trồng Rau An Toàn

Người Khmer Trồng Rau An Toàn
Ngày đăng: 20/02/2014

Từ khi chuyển từ trồng lúa sang trồng màu, Tổ hợp tác (THT) trồng rau an toàn ấp Đai Tèn, xã Lương Hoà A, huyện Châu Thành (Trà Vinh) đã giúp cho nhiều hộ Khmer cải thiện cuộc sống và góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Thoát nghèo từ trồng rau

“Trước đây, diện tích đất ở ấp Đai Tèn chủ yếu là đất ruộng trồng lúa nhưng kém hiệu quả, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập 3 công lúa mới bằng 1 công màu. Vì vậy, chính quyền đã tạo điều kiện để mọi người đi học hỏi các mô hình trồng màu ở nhiều nơi, trên cơ sở đó vận động bà con chuyển đổi.

Ông Phạm Văn Bẹ - Trưởng ấp Đai Tèn cho biết: “Ai cũng thấy được hiệu quả nên từ khi THT mới thành lập (năm 2009) chỉ có 17 hộ tham gia, với 3,5ha diện tích thì nay số thành viên đã lên đến 64 hộ, với hơn 13ha chuyên trồng các loại rau màu như: Dưa leo, khổ qua, ớt, bầu, bí…”.

Cũng theo ông Bẹ ở đất giồng mà trồng rau đã có hiệu quả, thì trồng màu trên đất ruộng sẽ hiệu quả hơn nhiều. Bên cạnh đó cũng thuận tiện vì nguồn nước tưới cho rau luôn có, khi trồng rau thì đất được tạo thành từng liếp, nếu cần chỉ cần múc nước dưới rãnh để tưới.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Sáu Nhỏ, người trong ấp rất hồ hởi: “Gia đình tui có hơn 4 công đất trồng xen canh dưa leo và khổ qua, mỗi vụ thu hoạch gần 30 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập này mà gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững…”.

Theo lời anh Sáu Nhỏ thì trồng màu tuy phải chăm sóc nhiều hơn lúa, vì cứ 7 ngày phải tưới phân 1 lần, có nhọc hơn nhưng lợi nhuận lại cao hơn lúa rất nhiều. Một công lúa thu được khoảng 4 triệu đồng, nhưng 1 công dưa leo lại thu được khoảng 3 tấn, nếu giá 3.000 đồng/kg thu về gần chục triệu là bình thường.

“Khi đầu tư làm giàn, mua giống, phân thuốc cũng mất cả gần 10 triệu đồng, nhưng chỉ một vụ rau là có thể lấy lại được vốn. 1 năm tui trồng được 3 vụ, rau màu thì khó mà thất thu chỉ phụ thuộc vào giá cả thị trường và nếu giá cao thì trúng lớn…”- anh Sáu Nhỏ khẳng định.

Làm rau an toàn

Cũng nhờ trồng rau mà thoát nghèo ở Đai Tèn là gia đình anh Thạch Chan Tha. Anh đã trồng qua nhiều loại rau màu như dưa leo, khổ qua, ớt sừng vàng, ớt chỉ thiên, trong đó ớt chỉ thiên đem lại hiệu quả nhất.

Anh Tha phấn khởi khoe: “Lúc trước tui được THT hỗ trợ 6 triệu để trồng rau màu, qua một vụ trồng đã trả được số tiền đó và còn có vốn để đầu tư các loại cây màu mới. Từ khi trồng rau đến nay tui thấy ớt chỉ thiên là có hiệu quả, 1 công trồng khoảng 4.600 cây ớt, vừa thu hoạch lần đầu đã được 100kg, bán được giá 33.000 đồng/kg. Nhưng ớt này tuy có giá, một vụ hái được 2 cỗ (2 lần hái), nhưng đổi lại công và chi phí chăm sóc nhiều hơn so với dưa leo và khổ qua…”.

Theo ông Nguyễn Phước Tho - Tổ trưởng THT rau an toàn Đai Tèn, từ khi trồng màu, đã có 45 hộ được giải quyết khó khăn, giúp đỡ về vốn, tạo nguồn kinh tế ổn định, và giúp được 6/13 hộ thoát nghèo bền vững.

Chị Phạm Thị Út Hiện cũng rất phấn khởi khi có 1,5 công trồng cà và 2 công trồng ớt đều được giá. Chị tâm sự: “Vụ trước ai cũng trồng cà nên giá cà giảm, chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg, vụ này không ai trồng nữa nên tui quyết định trồng cà, vậy mà trúng giá được tới 10.000 đồng/kg, còn ớt thì hiện tại bán được 30.000 đồng/kg, tính hết cả vụ này tui thu gần 1 tấn ớt, lại trúng giá nên mừng lắm”.

Là người đi đầu trong phong trào chuyển đổi, ông Nguyễn Phước Tho - Tổ trưởng THT rau an toàn Đai Tèn cũng có hơn 4 công trồng rau, chủ yếu là dưa leo và bầu, đem về lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng mỗi vụ.

Ông Tho cho biết: “Khi vào THT mình được hỗ trợ vốn để trồng màu, được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật một lần trên tháng. Từ khi ấp chuyển sang trồng màu đến nay đã có đến 45 hộ được giải quyết khó khăn, giúp đỡ về vốn, tạo được nguồn kinh tế ổn định, và giúp được 6/13 hộ thoát nghèo bền vững”.

Được biết, để tạo thuận lợi cho việc trồng và tiêu thụ rau màu cho bà con, tháng 2.2013, THT đã làm thủ tục và được Chi cục Kiểm định chất lượng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau, quả an toàn, tạo tiền đề cho tổ mở rộng quy mô, liên kết thị trường ổn định.


Có thể bạn quan tâm

Trồng dưa hấu cho thu nhập khá Trồng dưa hấu cho thu nhập khá

Từ năm 2006, xóm 13 xã Nghi Long huyện Nghi Lộc (Nghệ An) được xã và huyện chọn làm điểm xây dựng cánh đồng 50 triệu với quy hoạch ban đầu chỉ có 5 ha, cơ cấu vụ xuân trồng lạc, vụ hè thu trồng dưa hấu và vụ đông trồng rau xanh hàng hoá.

29/12/2015
Thoát nghèo nhờ nấm rơm Thoát nghèo nhờ nấm rơm

Từ nhiều năm nay, bà con nông dân xã Bình Trị, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) trồng nấm rơm ở quy mô hộ gia đình rất hiệu quả.

30/12/2015
Làm giàu từ mô hình kinh tế kết hợp Làm giàu từ mô hình kinh tế kết hợp

Để phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và xã hội, đã có không ít nông dân mạnh dạn, năng động, dám nghĩ, dám làm, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Điển hình như gia đình anh Đỗ Văn Xuân và chị Dư Thị Hương xóm Bãi, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) nhờ trồng trọt kết hợp với nuôi lợn, nuôi gà mỗi năm cho thu nhập 70 – 80 triệu đồng.

30/12/2015
Làm giàu từ mô hình nuôi chim bồ câu Làm giàu từ mô hình nuôi chim bồ câu

Cái tên Cường “liều” đã quá quen thuộc với người dân xã Hùng Sơn (Hiệp Hòa - Bắc Giang). Từ đôi bàn tay trắng, không một thước đất cắm dùi, Ngô Quang Cường liều lĩnh bắt tay vào làm mô hình kinh tế trang trại ngay từ năm 24 tuổi. Sau nhiều lần thất bại, giờ đây Cường đã trở thành một chủ trang trại nuôi chim bồ câu lớn nhất huyện Hiệp Hòa.

30/12/2015
Ra tù với đôi chân liệt, vẫn thành tỷ phú nhờ bồ câu Ra tù với đôi chân liệt, vẫn thành tỷ phú nhờ bồ câu

Hai lần tù tội, ra tù với đôi chân bị liệt... nhưng nhờ lòng yêu thương vô bờ bến của mẹ, của vợ cộng với sự nỗ lực của bản thân, Đỗ Văn Kỳ (thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội) đã trở thành tỷ phú với ngôi nhà 7 tầng nổi tiếng được gọi là “lâu đài Kỳ bồ câu”.

30/12/2015