Người Hậu Giang Trồng Mía Chưa Có Lợi

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, niên vụ mía 2014-2015, toàn tỉnh xuống giống được 12.558ha mía, tập trung ở huyện Phụng Hiệp, TX.Ngã Bảy, TP.Vị Thanh và một phần huyện Long Mỹ. Hiện các ruộng mía đang ở độ tuổi từ 7-9 tháng, dự kiến trong tuần tháng 9 tới đây một số địa phương sẽ tiến hành thu hoạch.
2 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh là Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) và Công ty Mía đường cồn Long Mỹ Phát thời gian qua cũng đã triển khai ký hợp đồng bao tiêu mía với nông dân. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, mặc dù có hợp đồng bao tiêu với nhà máy đường nhưng nhiều năm qua, người trồng mía chưa được hưởng nhiều quyền lợi từ hợp đồng.
Điển hình như trong vụ mía tới đây, Casuco đưa ra mức giá bao tiêu cho nông dân là 830 đồng/kg, mía 10 chữ đường và cân tại cầu cảng nhà máy hoặc xí nghiệp. Chính sự ràng buộc về địa điểm cân mía mà nông dân không có lợi từ hợp đồng vì không có phương tiện để vận chuyển.
Ông Nguyễn Văn Đua, nông dân trồng mía ở ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho rằng: “Đa số nông dân bán mía tại ruộng cho thương lái, trong khi quy định của hợp đồng bao tiêu là nông dân phải giao mía tại cầu cảng nhà máy, nghĩa là nông dân phải chịu chi phí vận chuyển mía từ ruộng đến cầu cảng. Đó là chưa kể mức giá doanh nghiệp đưa ra bao tiêu không cao hơn bao nhiêu so với mức đầu tư mà chúng tôi bỏ ra”.
Theo thống kê sơ bộ của người trồng mía tại huyện Phụng Hiệp, năm nay, mọi chi phí đầu tư cho cây mía như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công chăm sóc và thu hoạch,... đều tăng so với cùng kỳ nên giá thành sản xuất vụ mía này khoảng 760 đồng/kg. Trong khi, giá bao tiêu của Casuco là 830 đồng/kg, nếu nông dân phải chịu chi phí chuyển mía đến nhà máy thì tính ra không có lãi.
Khác với Casuco, để giải quyết bài toán về quy định địa điểm cân mía, niên vụ mía năm nay, Công ty Mía đường cồn Long Mỹ Phát triển khai hình thức bao tiêu mía là “mua xô” tại ruộng với giá 700 đồng/kg.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt lợi của việc mua mía xô tại ruộng là nông dân không phải tốn chi phí chở mía đến nhà máy, không cần đo chữ đường thì cũng kèm theo mặt hạn chế là mức giá bao tiêu hiện tại còn thấp so với giá thành sản xuất. Nhiều nông dân trồng mía cho rằng, nếu bán với giá 700 đồng/kg thì coi như vụ này nông dân bị lỗ vốn là cái chắc.
Với hai hình thức bao tiêu này, người trồng mía trên địa bàn tỉnh năm nay thật sự chưa mấy thấy thỏa đáng với công sức mà mình bỏ ra sau gần một năm chăm sóc.
Có thể nói, do mấy năm liền phải chịu cảnh “mía đắng” vì giá cả thấp dẫn đến lỗ lã nên có không ít người dân lâm vào cảnh nợ nần, cuộc sống đầy khó khăn. Chính vì vậy, nông dân ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã “ngán ngẫm” và đang quay lưng với cây mía, bắt đầu “công cuộc” chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Hiện, một mùa thu hoạch mía chuẩn bị bắt đầu và người dân đang kỳ vọng các ngành chức năng, nhà máy đường cần có sự nghiên cứu, tính toán lại về những quy định trong hợp đồng bao tiêu mía, cũng như đưa ra mức giá thu mua như thế nào để người nông dân thật sự được hưởng lợi và có được mức lợi nhuận và gắn bó lâu dài với cây mía, tránh rơi vào cảnh cũ như những mùa mía đã qua.
Nếu không giải quyết được bài toán lợi nhuận thì khả năng nông dân sẽ tiếp tục bỏ mía trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi…
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện Quyết định số 1830/QĐ-UBND ngày 3-7-2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2012 - 2020, trong những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành, thị tích cực thực hiện các nội dung giải pháp quy hoạch, trong đó phát triển mạnh mô hình nuôi thâm canh cá lồng trên sông và hồ chứa.

Chiều 19.8, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Giống cây trồng Quảng Bình tổ chức hội nghị đầu bờ nhằm đánh giá hiệu quả của các mô hình sản xuất khảo nghiệm 4 giống lúa mới, gồm SV181, SV46, SV47, SVX7 tại xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc.

Thời gian sinh trưởng cực ngắn, kháng được nhiều loại sâu bệnh nguy hiểm, cho năng suất vượt trội…, giống lúa lai mới HBO2 hứa hẹn sẽ mang lại cho nông dân xứ Quảng hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là một trong những giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hôm qua 19.8, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam và Trường Đại học Nông lâm Huế phối hợp với Trạm Khuyến nông - khuyến lâm Phú Ninh tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá hiệu quả của mô hình “Sản xuất trình diễn giống đậu phụng L23 trên chân đất lúa chuyển đổi có sử dụng chế phẩm sinh học TP phòng trừ bệnh héo rũ” tại cánh đồng Bà Kiên thuộc thôn Dương Đàn, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh.

Dẫn chúng tôi đi xem ruộng lúa xứ Rộc Đồn (thôn Hòa Phước, xã Bình Trị) nằm sát con đường bê tông dẫn vào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, ông Nguyễn Công Tọa chua chát nói: “Trước đây, kênh mương nội đồng gần như ngang bằng với mặt đường, mưa lớn, nước còn rút đi kịp. Giờ mặt đường cao hơn mặt ruộng đến hơn 2m, mưa xuống, nơi đây chẳng khác gì biển nước”.