Người Đưa Bưởi Diễn Về Trồng Ở Quý Quân

Mô hình trồng bưởi Diễn của ông Đặng Văn Túc ở thôn 8, xã Quý Quân (Yên Sơn-Tuyên Quang) đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây. Ông cũng là người đầu tiên đưa bưởi Diễn về trồng ở đất này.
Quê gốc ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), năm 2008, sau một lần về thăm quê, ông Túc được giới thiệu, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi Diễn. Nhận thấy đây là hướng phát triển kinh tế mới, ông quyết định đưa giống bưởi Diễn lên trồng ở Quý Quân. Đây là lựa chọn táo bạo khi chuyển từ trồng ngô, khoai, sắn sang trồng bưởi Diễn bởi trên địa bàn xã chưa có gia đình nào làm như vậy.
Những năm đầu, ông Túc khá vất vả trong việc cải tạo đất cho phù hợp với bưởi và việc chăm sóc theo từng giai đoạn phát triển của cây. Nhờ cần mẫn, chịu khó học hỏi và thường xuyên tham gia các lớp tập huấn của huyện tổ chức, năm 2011, những quả bưởi đầu tiên đã cho thu hoạch, tạo tiền đề để ông mở rộng diện tích. Hơn 7 năm trồng bưởi Diễn, hiện ông đã có vườn bưởi rộng gần 8.000m2 với 800 gốc, hằng năm cho thu hoạch một vụ vào dịp Tết Nguyên đán.
Bưởi Diễn có nhiều ưu điểm hơn các loại bưởi khác như màu quả vàng tươi, sau khi thu hái có thể để 15 - 20 ngày mà quả vẫn tươi, múi mọng nước nên bán được giá. Trung bình mỗi vụ, ông Túc thu hoạch trên 1 vạn quả bưởi, bình quân mỗi cây cho trên 100 quả, thương lái tới tận nhà thu hái với giá 12.000 - 15.000 đồng/quả, thu nhập trên 110 triệu đồng.
Ông Túc tâm sự: “Ưu điểm của bưởi Diễn là dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần chăm sóc chu đáo là cho năng suất khá. Sau 3 năm trồng là cây cho thu hoạch, giá cả lại ổn định nên mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Đánh giá về mô hình trồng bưởi Diễn của gia đình ông Túc, ông Mai Xuân Bắc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Quý Quân kiêm Trưởng thôn 8 chia sẻ: “Khi về định cư ở đây, gia đình ông Túc rất khó khăn, nhưng gần đây đã ổn định hơn nhờ trồng bưởi Diễn. Do biết cách chăm sóc, phòng bệnh nên năm nào vườn bưởi cũng cho năng suất cao. Thấy hiệu quả kinh tế cao nên bà con trong thôn đã tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng bưởi Diễn”.
Nói về dự định của mình, ông Túc cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục trồng thêm 200 gốc, nâng số cây trong vườn lên 1.000 gốc. Từ thành công ban đầu, nhiều người dân trong vùng đã tìm đến nhà ông học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng.
Có thể bạn quan tâm

Thời điểm này, bà con nông dân các thôn Thanh Thủy, Đồng Giành, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang bước vào cuối vụ thu hoạch hoa nhài. Năm nay, thời tiết mưa nhiều, năng suất hoa nhài giảm nhưng được giá nên bà con rất phấn khởi.

Khi nước lũ tràn đồng thì gia đình anh Lê Văn Nghiệp ở ấp Tân Thành B – xã Long Tân (Sóc Trăng) đã mua 60 cái dớn về đánh bắt cá. Vì gia đình ít đất sản xuất nên anh Nghiệp tranh thủ con nước về đánh bắt thủy sản để có thêm thu nhập, chờ khi nước rút mới gieo sạ vụ lúa đông xuân.

Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, trong 10 tháng đầu năm 2013, tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra trên địa bàn quận gặp nhiều khó khăn do giá cá tra nguyên liệu sụt giảm, nông dân bán cá khó thu được tiền mặt mà vẫn phải bán chịu cho doanh nghiệp. Tổng diện tích nuôi cá tra thịt trên địa bàn quận đến nay chỉ đạt hơn 431 ha, giảm 52 ha so với cùng kỳ năm trước. Diện tích nuôi cá tra đã treo ao là 120,94 ha, tăng 52 so với năm trước. Ngoài ra, diện tích sản xuất cá tra giống trên địa bàn quận cũng giảm 16 ha so với năm trước, xuống còn 59,1 ha, với 60 hộ dân tham gia.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành Quyết định số 2234/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch Nuôi trồng thủy sản của tỉnh đến năm 2020.

Trong vòng nửa tháng trở lại đây, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng (tôm nước lợ) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tăng mạnh trở lại sau một thời gian giảm nhẹ. Nhiều hộ dân nhờ giá tôm tăng mạnh đã thu bạc tỉ chỉ trong thời gian 2-3 tháng thả nuôi với loại tôm thẻ chân trắng.