Người Dân Phấn Khởi Vì Sắn Được Mùa, Được Giá

Đến các xã thuộc huyện Đakrông và vùng Lìa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) dịp này, chúng tôi bắt gặp không khí rộn ràng vào mùa thu hoạch sắn của người dân địa phương.
Những chiếc ô tô chở nguyên liệu của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa làm việc liên tục trong ngày, vượt qua những dốc đồi cách trở để đến tận rẫy thu mua sắn của nông dân. Trên những đồi sắn, những hộ gia đình nhiệt tình hoán đổi công cho nhau để sắn nhà nào cũng được thu hoạch và xuất bán dứt điểm trong thời gian ngắn nhất..
Năm nay, thời tiết thuận lợi trong suốt quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch sắn và đặc biệt là nhà máy thu mua với giá cao hơn năm trước nên người dân rất phấn khởi…
Trên rẫy của bà Hồ Thị Bon (thôn Úp Ly 1, xã Thuận) hôm ấy có đến 15 người tất bật thu hoạch sắn. Người thì nhổ sắn, tách củ ra khỏi thân cây gom lại một chỗ, người thì gom sắn vào những chiếc rổ lớn, đưa đến xe ô tô thu mua, người sắp xếp sắn trên xe cho gọn gàng. Chẳng mấy chốc, chiếc xe đã đầy ắp sắn, di chuyển về nơi tập kết nguyên liệu để sản xuất .
Gạt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt rám nắng, bà Hồ Thị Bon vui vẻ cho biết: “Từ ngày Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa được xây dựng, chúng tôi được cán bộ của nhà máy tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật trồng và cung cấp giống sắn KM94. Quá trình trồng, họ đến tận nơi để giúp đỡ cách trồng, chăm sóc, thu hoạch sao cho hiệu quả.
Trước đây phần lớn nhà nào cũng nghèo đói, từ khi trồng sắn đời sống người dân ở trong vùng được nâng lên. Riêng gia đình tôi, bình quân mỗi vụ sắn thu hoạch khoảng 2 xe loại hơn 2 tấn, trừ chi phí cũng thu được hơn 22 triệu đồng. Nhờ vậy chúng tôi có điều kiện đầu tư cho con học hành, xây dựng nhà cửa khang trang hơn. Mùa sắn này, nhà máy thu mua giá nhích hơn năm ngoái 100-200 đồng/kg nên ai cũng mừng”.
Bà Hồ Thị Lo ở bản Giai, xã Thuận giúp thu hoạch sắn cho gia đình bà Bon góp chuyện: “Nhà tôi cũng có gần 1 ha sắn, chúng tôi thỏa thuận hoán đổi công cho nhau để thu hoạch nhanh hơn, tránh tình trạng sắn nhổ lâu ngày chưa xong, ảnh hưởng đến chất lượng sắn cũng như thời gian của người thu mua.
Ngay sau khi giúp nhà bà Bon thu hoạch xong, mọi người sẽ đến rẫy sắn nhà tôi để giúp thu hoạch. Năm nay cũng như những nhà khác, sắn của tôi phát triển tốt vì thời tiết thuận lợi. Thấy bà Bon xuất bán hết số sắn giá cao hơn mọi năm, tôi cũng vui lây vì sắp đến sắn nhà mình cũng sẽ được như thế”. Bà Hồ Thị Lầm, thôn Măng Song, xã Ba Tầng chồng mất, một mình nuôi 3 con, nhờ trồng sắn hơn 5 năm nay nên cuộc sống của gia đình bà đỡ chật vật hơn trước nhiều.
Đang đứng chờ cán bộ Nhà máy chế biến tinh bột sắn cân đo số lượng và hàm lượng sắn để thanh toán tiền, bà phấn khởi nói: “Những năm qua, nhờ cây sắn mà những người có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi xóa được đói, giảm được nghèo. Do đó, ai cũng đầu tư trồng sắn cho tốt để có thêm thu nhập ổn định hơn. Năm nay, nghe nói giá sắn cao hơn nên tôi vui lắm, thế là số tiền bán sắn sẽ nhiều hơn năm ngoái”.
Mới vào vụ thu hoạch hơn 2 tháng nhưng nhiều hộ gia đình ở vùng Lìa thu về gần cả trăm triệu đồng từ tiền bán sắn. Đối với gia đình ông Nguyễn Kỳ, thôn Thuận Hòa, xã Thuận, với 3 ha sắn bình quân mỗi năm thu về hơn 140 triệu đồng. Với điều kiện sắn phát triển tốt và giá cả như năm này, ông cho biết dự tính gia đình ông sẽ thu nhập trên 150 triệu đồng từ sắn.
Những hộ khác vừa xuất bán sắn cho nhà máy với số lượng lớn với chất lượng sắn cao như: Hồ Văn Dục, thôn Hun, xã Pa Tầng 76 tấn; Hồ Cha Le, thôn Xa Doan, xã A Dơi 71 tấn; Hồ Chu Thông, bản Pa Lọ Ô, xã Thanh 63 tấn…
Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và nhân dân 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, trong những vụ mùa qua, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đã tiến hành thu mua hết sản lượng sắn củ tươi trên địa bàn 2 huyện đúng theo mùa vụ thu hoạch của người dân. Vụ mùa này, bắt đầu từ ngày 15/8/2014 nhà máy tiếp tục triển khai việc thu mua sắn ở Hướng Hóa và Đakrông.
Nhờ thời tiết thuận lợi, năm nay, sắn của bà con ở các địa phương đảm bảo cả số lượng, hàm lượng tinh bột cao hơn. Mặc dù gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm tinh bột sắn nhưng nhà máy vẫn nỗ lực tìm mọi cách để duy trì và nâng mức giá thu mua sắn nguyên liệu, giúp bà con yên tâm sản xuất.
Ông Lê Văn Thể, Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa cho biết: “Mục tiêu xuyên suốt của đơn vị chúng tôi là ngày càng phát huy năng suất của máy móc, thiết bị, tranh thủ thời tiết thuận lợi để thu mua sắn, giúp bà con có điều kiện thu nhập ổn đinh. Nhờ chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ sản xuất và thu mua nên hiện nay nhà máy luôn đảm bảo nguồn nguyên liệu để hoạt động.
Bên cạnh đó, nhà máy thống nhất nâng mức giá từ 1.700 đồng- 2.000 đồng (tăng 100-200 đồng/ kg so với năm 2013). Chủ trương của nhà máy sẽ thu mua toàn bộ số sắn mà người dân 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông thu hoạch để họ sớm giải phóng đất đai tiếp tục trồng mới vùng nguyên liệu.
Tính đến ngày 22/10/2014 đơn vị đã thu mua được 30.000 tấn sắn củ tươi (Hướng Hóa 16.000 tấn, Đakrông 14.000 tấn), sản xuất được 8.000 tấn tinh bột sắn. Tổng sản lượng sắn nhà máy thu mua ước đạt từ nay đến cuối vụ cả 2 huyện khoảng 140.000 tấn (khoảng 38.000 tấn tinh bột), tăng khoảng 10.000 tấn so với năm 2013.
Dự kiến sắp tới, đơn vị sẽ đưa vào trồng bộ giống sắn mới có tên gọi HL-S11. Giống HL-S11 có năng suất và hàm lượng tinh bột cao, đã và đang được khảo nghiệm, so sánh chính quy, trình diễn mô hình tại các vùng đất đỏ, đất xám của các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Lai, Kon Tum, năng suất củ tươi bình quân đạt 35 - 45 tấn/ ha, hàm lượng tinh bột 29 - 31%, tỷ lệ chất khô 42,1% và chỉ số thu hoạch 62,5%, thời gian thu hoạch thích hợp từ 9- 11 tháng.
Sau khi trồng thử nghiệm thành công, chúng tôi sẽ phát triển bộ giống sắn mới này trên diện rộng của 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa”.
Có thể bạn quan tâm

Cũng theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, tính đến tháng 8/2014 số lượng gia cầm giống được nhập vào Việt Nam là gần 1 triệu con, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 3,29 triệu USD. Giá nhập khẩu trung bình khoảng 3,93 USD/con, tăng 0,91 USD/con so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn nhập chủ yếu từ New Zealand và Mỹ.

Dẫn chúng tôi ra thăm mô hình ở tại đồi núi Mang He, xã Sơn Bua, ông Trần Quí - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây cho biết: Đến thời điểm này, con giống đã được thả gần 1 tháng. Tuy còn quá sớm và phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác để nói đến việc thành, bại, nhưng qua kết quả khảo sát, đánh giá sơ bộ ban đầu và thực tế nuôi, tôi tin rằng sẽ mô hình này sẽ thành công.

Cách đây hai năm, cũng như các khu vực nuôi tôm khác trong tỉnh, nghề nuôi tôm công nghiệp tại xã Hoà Thắng (tỉnh Bình Thuận) gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chủ cở sở nuôi đã bỏ đìa không còn thiết tha với nghề, thế nhưng trong năm 2013 nuôi tôm công nghiệp có dấu hiệu phục hồi trở lại khi quy trình sản xuất cũ được thay đổi bằng quy trình nuôi mới an toàn, đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Thắng – Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Hải Toàn cho biết: Tháng 1.2014 Hội ND xã Hải Toàn phối hợp với Công ty cổ phần Dược phẩm Traphaco thành lập Tổ hợp tác trồng và chế biến cây dược liệu (đinh lăng) Hải Toàn. Theo đó, phía công ty sẽ chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ công nghệ sấy lò hơi và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn 10% giá thị trường.

Nuôi hươu lấy nhung đang là mô hình khá mới ở tỉnh Gia Lai. Được triển khai từ đầu năm 2013 tại huyện Chư Pah (thuộc dự án ứng dụng khoa học công nghệ cấp huyện), đến nay, mô hình này đã bước đầu cho thấy những hiệu quả nhất định, tạo sự phấn khởi nơi người chăn nuôi.