Người dân Lý Sơn gặp khó khi tôm hùm rớt giá mạnh

Hàng trăm hộ nuôi tôm hùm ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang đứng ngồi không yên khi giá loại hải sản này rớt giá liên tục.
Theo tính toán, với giá thu mua được thương lái đưa ra như hiện nay, người nuôi tôm hùm ở đây đứng trước nguy cơ lỗ nặng.
Những ngày này là thời điểm các hộ nuôi tôm hùm trong lồng quanh đảo Lý Sơn tập trung xuất bán tôm hùm thương phẩm.
Trái ngược với không khí tấp nập kẻ mua người bán như các đợt xuất bán trước, năm nay không khí tại các lồng tôm vắng lặng hẳn khi chỉ có lác đác vài người đến hỏi thăm.
Theo một số hộ nuôi tôm hùm ở đây, sở dĩ có hiện tượng như vậy là do giá tôm đang rớt mạnh so với mọi năm và người dân đang cố “găm hàng” chờ giá lên.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, ở xã An Vĩnh - người đầu tiên nuôi tôm hùm tại Lý Sơn vào năm 2013 cho biết: Kể từ lúc ông bắt đầu nuôi lứa tôm đầu tiên đến giờ chưa khi nào giá lại rớt thê thảm như vậy.
Năm ngoái, ông bán tôm với giá giao động từ 1,8 đến 2,2 triệu đồng/kg tuỳ loại.
Nhưng hiện tại giá cao nhất cũng chỉ 1,2 triệu đồng/kg.
“Khoảng 5.000 con tôm hùm thịt của tôi đã đạt trọng lượng xuất đi nhưng đành phải nuôi cầm chừng để chờ giá.
Vì với giá hiện tại tôi cầm chắc phần lỗ ước tính khoảng 200 triệu đồng” - Ông Hiệp than thở.
Cạnh bè nuôi tôm hùm của ông Hiệp, nhiều hộ nuôi khác cũng đang “khóc ròng” vì giá tôm quá thấp.
Theo tính toán của người nuôi tôm ở đây, thì mỗi con tôm giống khi thả nuôi đã có giá từ 320 đến 350 nghìn đồng, tiền thức ăn trong quá trình nuôi khoảng 400 nghìn đồng/con, cộng với chi phí thuốc trị bệnh, thuê người nuôi… khoảng 500 nghìn đồng/con thì với giá hiện tại mỗi con tôm cầm chắc lỗ 50.000 đồng.
Đó là chưa kể lượng tôm hùm hao hụt do bị chết và công sức bỏ ra.
Hiện tại, thương lái mua tôm hùm chia làm ba loại: loại 1, mỗi con nặng 1 kg trở lên.
Loại 2 từ 0,8 đến 1kg, loại 3 từ 0,5 đến 0,8kg.
Các hộ nuôi tôm hùm ở Lý Sơn chủ yếu xuất bán cho thương lái đến tận lồng thu mua, không nắm bắt được giá cả thị trường, giá tôm do thương lái đưa ra nên thường xảy ra hiện tượng người nuôi tôm bị ép giá.
“Những năm trước ở đây chỉ có hơn 20 lồng nuôi, nhưng năm nay đã tăng lên gấp ba lần.
Thương lái thấy lượng tôm hùm nhiều nên ép giá, họ bảo tôm hùm chủ yếu xuất khẩu, nhưng thị trường hiện đang không có nhu cầu nên giá giảm.
Chúng tôi nghe vậy thì cũng biết vậy thôi”, ông Võ Văn Hoàng (52 tuổi), thôn Tây, xã An Vĩnh chia sẻ.
Người dân Lý Sơn thả nuôi tôm hùm không theo quy hoạch khiến loại hải sản này rớt giá thảm hại.
Ông Hoàng cũng cho hay, nhiều người biết mình bị ép giá nên cố gắng nuôi “cầm cự” để chờ giá lên.
Nhưng đó là những người “mạnh tiền”, vì mỗi con tôm thương phẩm đạt đến trọng lượng xuất bán tiêu tốn gần 2 nghìn đồng tiền thức ăn/ngày, nếu nhân với số lượng tôm hiện có trong lồng thì chi phí mỗi ngày là không hề nhỏ.
Là một trong những người nuôi tôm hùm ít nhất ở Lý Sơn khi chỉ có khoảng gần 400 con trong lồng.
Nhưng mỗi ngày riêng tiền thức ăn cho tôm ông Hoàng đã tốn khoảng 500 nghìn đồng.
“Mỗi ngày tôi phải mua khoảng 30kg ghẹ, sò để nuôi cầm chừng lồng tôm nhà mình.
Tuy đã đạt trọng lượng trung bình 1,3 kg/con nhưng vẫn chưa xuất được vì giá quá thấp.
Chắc nay mai cũng phải bán thôi chứ chi phí hằng ngày quá cao, không đủ sức để cầm chừng”.
Ông Hoàng lắc đầu than thở.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn, hiện tại toàn huyện có 62 bè nuôi tôm hùm với số lượng con giống thả nuôi khoảng 100 nghìn con, sản lượng hàng năm khoảng 100 tấn tôm hùm thịt.
Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Lâu nay người dân chủ yếu nuôi tôm hùm tự phát, thấy người nuôi trước có lãi lớn nên đổ vốn vào nuôi mà không nắm bắt thị trường dẫn đến tình trạng giá hoàn toàn dựa vào thương lái.
Huyện liên tục khuyến cáo người dân không nên ồ ạt thả nuôi tôm hùm nhưng người dân ham lãi lớn dẫn đến nguồn cung lớn và giá giảm mạnh mà không tìm ra người mua nào ngoài thương lái.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm gần đây, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã có nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản nhằm khai thác, sử dụng tốt tiềm năng, mặt nước, lao động và áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ trong nuôi trồng thủy sản.

Chúng tôi theo chiếc xuồng máy chở thức ăn, thăm các bè cá bớp ở bãi trước Mũi Né (Phan Thiết - Bình Thuận). Nước biển xanh trong và có phần ít sóng, và có lẽ chưa đến giờ cho cá ăn nên những người nuôi cá bè có phần thong thả. Một vài người thay vì ngồi trong các nhà lều nổi, ra đứng trên bè cá nhìn vào bờ.

Khai thác thủy sản bằng hình thức giã cào bay, giã cào điện ở vùng gần bờ đã tác động xấu đến môi trường sinh thái, làm giảm nguồn lợi thủy sản, gây nên sự tranh chấp ngư trường, ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh trên biển. Tuy nhiên, việc ngăn chặn kiểu đánh bắt này lại không dễ dàng.

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, năm nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu nâng giá trị tôm xuất khẩu, chủ yếu là tôm sú lên 2,55 tỷ USD, tăng 50 triệu USD so với năm trước đó, trong đó tỉnh Cà Mau dẫn đầu toàn vùng với chỉ tiêu xuất khẩu 1,1 tỷ USD.

Để khai thác biển có hiệu quả, huyện Phú Tân đang khuyến khích ngư dân tích cực bám biển, đẩy mạnh sản xuất, tập trung quản lý tốt số tàu khai thác, giảm dần số tàu nhỏ, khai thác ven bờ để chuyển sang khai thác xa bờ hoặc chuyển đổi ngành nghề sang nuôi thủy sản ven biển. Chú trọng đầu tư cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong việc bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.