Người Dân Là Nòng Cốt Trong Phòng, Chống Dịch Bệnh

Trong khi công tác phòng dịch cúm gia cầm được ngành chức năng và các địa phương nỗ lực thực hiện, thì tại một số địa phương, người dân vẫn vứt xác gia cầm chết xuống sông. Việc làm thiếu ý thức này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn là tác nhân lây lan dịch bệnh.
Quýt làm cam chịuHồi tuần qua, dọc tuyến kênh Cá Lóc, ấp Long Hòa 1, xã Long Phú, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, người dân nơi đây phải hứng chịu mùi hôi thối rất khó chịu bởi nhiều xác gia cầm, gia súc chết trôi sông. Ông Phạm Văn Kiệt, người dân địa phương, cho biết: “Mấy bữa trước, mùi thối bốc lên không chịu nổi vì xác chết của 2 con heo khoảng 30 - 40kg. Do xóm tôi ở không có hộ nuôi heo, nên theo tôi thì những xác động vật chết này từ nơi khác trôi dạt đến”.
Hơn một tuần trước đó, bà Kim Mũi Hỉa, sống ven kênh Hậu Giang 3, ấp Long Hòa 2, cũng phát hiện 2 con vật không mời mà đến này. Bà Hỉa cho biết: “Tôi thấy 2 con heo này trôi qua từ cả tuần trước, xác đang phân hủy nên bốc mùi thối kinh khủng lắm”. Bà Hỉa đã sống ở đây mấy chục năm rồi nên thường xuyên chứng kiến, chịu đựng mùi xác chết như vậy. Mặc dù biết xác chết gây ô nhiễm nhưng bà vẫn phải bấm bụng lấy nước từ con kênh này để nấu nướng, giặt giũ. Thậm chí, mùa khô không còn nước mưa, bà phải lấy nước sông lên lóng phèn rồi nấu lại uống. Theo bà, gà vịt chết trôi sông thì thường xuyên, có khi có cả chó, heo.
Đi dọc theo con kênh Cá Lóc, vẫn ngửi được mùi hôi thối phất lên, mặc dù sáng hôm trước, lực lượng thú y, đội xung kích xã Long Phú đã tổ chức dò tìm, trục vớt những xác thối này mang chôn, tiêu hủy, nhưng đến chiều vẫn còn rải rác vài con tiếp tục nổi lên trên mặt nước. Được biết, kênh Cá Lóc được dẫn nước từ kênh Hậu Giang 3, đi vào ấp Long Hòa 2. Tại điểm giao nhau của đầu kênh Hậu Giang 3 là một ngã tư, dòng nước đổ về kênh Hậu Giang 3 đến xã Long Phú phải trải qua rất nhiều địa phương từ các xã: Phương Bình, Hòa An, Long Bình, Long Trị, Long Trị A nên khó xác định được nguồn gốc xác động vật chết xuất phát từ nơi nào.
Anh Hồ Thanh Thuận, cán bộ thú y xã Long Phú, huyện Long Mỹ, bức xúc: Không biết từ đâu những xác chết này cứ đổ về khiến người dân lo lắng vô cùng, không biết có mầm bệnh hay không? Còn cán bộ thú y, chính quyền địa phương thì không chỉ bị cấp trên khiển trách, quy trách nhiệm, mà còn phải xử lý hậu quả rất cực khổ. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật xã đã làm một cây cản ngay ngã tư dẫn nước vào kênh Hậu Giang 3 để xác thối không trôi vào “gây phiền” người dân.
Tăng cường tuyên truyền
Còn nhớ giữa năm 2013, thông tin người bị H5N1 chết đầu tiên là ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ. Nguyên nhân chính vì chủ quan của người dân khi sống trong vùng có dịch. Mới đây, hồi tháng 12-2014, kết quả mẫu xét nghiệm của Chi cục Thú y tỉnh lấy tại điểm giết mổ gia cầm ở thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ đã phát hiện vi-rút cúm A/H5N1 và vi-rút cúm A/H5N6. Chứng tỏ, đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đang lưu hành 2 chủng vi-rút trên. Nhưng người dân vẫn thản nhiên, bằng chứng là xác chết gia cầm, vật nuôi, gia súc cứ trôi nổi ra sông.
Chính vì sự thiếu ý thức của người dân, các ngành, cơ quan thú y địa phương đã rất tăng cường trong công tác tuyên truyền. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Trương Ngọc Trưng, nếu người dân ý thức tốt từ khâu chọn giống, làm chuồng, thả nuôi, cho ăn, phòng bệnh, xử lý vật nuôi chết, thì sẽ chủ động được khâu kiểm soát dịch bệnh ngay từ gốc. Trong năm 2014, Chi cục Thú y tỉnh đã được tỉnh cấp 6 tỉ đồng vắc-xin tiêm ngừa cúm và 576 triệu đồng cho công tác tuyên truyền. Ngành thú y đã in tờ rơi, áp phích tuyên truyền, phát cho người dân. Để qua đây, người dân nhất là hộ chăn nuôi nhận biết được dịch bệnh, chủ động phòng chống, xử lý khi vật nuôi chết.
Được biết, chủ động phòng chống dịch bệnh và kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm, cuối quý III/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã ra công văn chỉ đạo về tăng cường phòng chống dịch cúm. Công văn yêu cầu địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện 5 không. Trong đó, có nội dung không vứt xác gia cầm bừa bãi. UBND tỉnh sẽ xử lý nghiêm với địa phương nào giấu dịch, để lây lan dịch ra diện rộng.
Có thể thấy, đối với việc phòng, chống dịch bệnh nói chung, cúm gia cầm nói riêng, một trong những vấn đề nan giải là nâng cao nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân. Vì thế, việc nâng cao ý thức hợp tác giữa người chăn nuôi với ngành thú y là hết sức cần thiết, góp phần khống chế không để dịch bệnh tái bùng phát. Nâng cao ý thức để bảo vệ môi trường cũng đồng nghĩa với việc người dân đang bảo vệ sức khỏe của chính gia đình mình. Để mỗi chúng ta cùng được sống, hưởng thụ không khí trong lành, thế hệ mai sau được tiếp tục phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Bắt đầu vận hàn7h từ năm 2010, đến nay Sàn Giao dịch Rau quả và Thực phẩm An toàn Hà Nội đã thu hút được 625 Hợp tác xã (HTX) trên 11 tỉnh, thành tham gia với 1.441 điểm phân phối. Cùng với những thành công ban đầu, mô hình này đã và đang đặt ra nhiều vấn đề trong việc phát triển bền vững và tăng thu nhập cho nông dân.

Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mexico từ đầu năm 2013 với 5 doanh nghiệp tham gia. Tính đến hết tháng 9/2014 nước này đã nhập trên 65.000 tấn gạo từ Việt Nam. Theo ước tính của Bộ Công Thương, năm nay, các doanh nghiệp trong nước sẽ xuất sang quốc gia Bắc Mỹ này khoảng 87.000 tấn gạo. Hiện Việt Nam đã vượt qua Mỹ trở thành nước xuất khẩu gạo nhiều nhất vào Mexico.

Việc tái canh cà phê khó khăn không chỉ là vấn đề tổ chức sản xuất, thiếu vốn đầu tư mà còn hạn chế trong việc tìm ra các giải pháp kỹ thuật tổng hợp có cơ sở khoa học và đáp ứng nhu cầu thực tế. Cụ thể, 85% diện tích cà phê tại Đắk Lắk do người dân trực tiếp quản lý và sản xuất nên việc quản lý, đánh giá chất lượng vườn cây chưa đầy đủ.

Hầu hết thanh long - còn được gọi là Pitaya - nhập khẩu vào Ấn Độ đến từ Việt Nam. Chính việc thay đổi hình thức vận chuyển từ đường hàng không sang đường biển đã dẫn đến việc lượng thanh long nhập khẩu vào Ấn Độ gia tăng theo cấp số nhân. Điều này đã làm giảm chi phí vận chuyển từ 150 rupi/kg xuống còn 20 rupi/kg.

Trước đây, với mong muốn thoát nghèo, ông Bằng cũng đã tổ chức sản xuất một số loại cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, mãi đến năm 2012, qua tìm hiểu, ông đã mạnh dạn ký hợp đồng với Công ty cổ phần C.P Việt Nam (Bình Dương) và vay vốn ngân hàng để tổ chức chăn nuôi heo theo quy mô trang trại.