Người dân bức xúc về nạn cắt trộm tiêu

Chỉ sau vài đêm, hàng trăm trụ tiêu đang trong tuổi cho thu hoạch của người dân ở khu vực ấp Bàu Sen, xã Xuân Trường bỗng dưng bị cắt trụi đến tận gốc. Nhiều trụ tiêu cao hàng chục mét cũng bị kẻ trộm kéo xuống cắt hom, bất chấp bao công khó nhọc của người nông dân. Ông Nguyễn Văn Giảng, ngụ tại ấp Bàu Sen, xã Xuân Trường cho biết: “Chúng tôi chăm sóc cực khổ lắm, bao nhiêu năm nay mới được bụi tiêu, bây giờ nó cắt trộm rất nhiều. Chúng tôi rất bức xúc mà không biết phải làm như thế nào, chỉ trông chờ vào chính quyền can thiệp…”.
Không chỉ xảy ra tình trạng cắt trộm dây tiêu, bọn trộm còn lấy cả những hom tiêu giống của những vườn mới trồng để mang đi bán. Ông Dương Văn Phan, ngụ tại ấp Bàu Sen, xã Xuân Trường nói: “Mấy năm nay giá hồ tiêu lên cao, bà con chúng tôi ở đây tự ươm giống từ nhà ra trồng, nay nó đến cắt trộm hết rồi. Thậm chí, ngay cả cây gòn làm trụ cho dây tiêu cũng bị nó chặt mất”.
Bà con nông dân nơi đây cho biết, những bụi tiêu bị cắt phá như vậy thì phải mất đến 3 năm sau cây mới có thể phục hồi như cũ, hoặc bị chết do cắt sát gốc. Để đối phó với nạn cắt trộm dây tiêu, nhiều ngày qua, các hộ trồng tiêu trên địa bàn huyện Xuân Lộc phải túc trực tại rẫy. Thậm chí, có những hộ phải tăng cường thêm chó hoặc kéo đèn điện chiếu sáng ra vườn để giữ tiêu.
Anh Trần Đại Nghĩa, cùng ngụ tại ấp Bàu Sen, xã Xuân Trường cho biết: “Do giá tiêu giống cao hơn mọi năm nên ăn trộm rất nhiều. Bây giờ dây tiêu đang cho thu bói bị nó cắt trộm, nên phải mất hai, ba năm sau mình mới có thể thu, nhiều cây sẽ hư luôn”.
Qua tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được biết, mấy năm gần đây, do giá hạt hồ tiêu tăng cao, nên nhiều nông dân chuyển đổi sang canh tác loại cây trồng này, nhu cầu sử dụng tiêu giống rất lớn, dẫn đến giá cả cũng tăng đột biến. Hiện nay, một hom tiêu giống Vĩnh Linh loại tốt có giá 20 ngàn đồng/hom; tiêu Phú Quốc khoảng 30 ngàn đồng/hom. Rất nhiều thương lái khắp nơi tìm đến huyện Xuân Lộc để đặt mua tiêu giống nhưng vẫn không đủ nhu cầu. Trước tình hình này, bọn xấu đã bất chấp những thiệt hại của người nông dân, thực hiện hành vi phá hoại của mình để kiếm lợi. Bà con nông dân nơi đây mong các ngành chức năng sớm vào cuộc điều tra và có biện pháp trừng trị thích đáng.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, cá rô phi xuất hiện khá nhiều ở đầm Ô Loan (Tuy An - Phú Yên) đã tạo nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân.

Tỉnh Tiền Giang có 3 huyện bị ảnh hưởng bởi lũ, gồm: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, hiện nước lũ vùng đang rút, nhưng với cường suất thấp. Mực nước lũ năm nay đủ để tháo chua, rửa phèn, ít gây thiệt hại mùa màng, nhưng nguồn cá, tôm giảm đáng kể, khiến việc mưu sinh mùa nước nổi của cư dân vùng lũ cũng vất vả hơn.

Thất bại vụ sò huyết năm 2011-2012, hầu hết bà con nuôi sò trong toàn tỉnh Bến Tre đã nói không với loại hải sản này. Dù rằng con sò trước kia đã từng góp phần xóa đói, giảm nghèo cho rất nhiều nông dân!

Thời gian gần đây, nhiều nông dân ở xã Mỹ Trung (Tiền Giang) chọn mô hình nuôi ếch Thái để tăng thu nhập cho gia đình. Mô hình này khá phù hợp với những nông dân ít đất sản xuất, thời gian nuôi ngắn nên đồng vốn xoay vòng nhanh, hiệu quả kinh tế khá cao và có thể kết hợp thả cá trong ao.

Chỉ còn ba tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Thời điểm hiện nay, người chăn nuôi trong tỉnh Bình Định đang tích cực tái đàn, chăm sóc gia súc, gia cầm (GSGC) phục vụ thị trường Tết. Ðiều đáng mừng với người chăn nuôi là sau thời gian dài giảm giá, hiện giá sản phẩm GSGC đang tăng mạnh trở lại.