Người dân bức xúc về nạn cắt trộm tiêu

Chỉ sau vài đêm, hàng trăm trụ tiêu đang trong tuổi cho thu hoạch của người dân ở khu vực ấp Bàu Sen, xã Xuân Trường bỗng dưng bị cắt trụi đến tận gốc. Nhiều trụ tiêu cao hàng chục mét cũng bị kẻ trộm kéo xuống cắt hom, bất chấp bao công khó nhọc của người nông dân. Ông Nguyễn Văn Giảng, ngụ tại ấp Bàu Sen, xã Xuân Trường cho biết: “Chúng tôi chăm sóc cực khổ lắm, bao nhiêu năm nay mới được bụi tiêu, bây giờ nó cắt trộm rất nhiều. Chúng tôi rất bức xúc mà không biết phải làm như thế nào, chỉ trông chờ vào chính quyền can thiệp…”.
Không chỉ xảy ra tình trạng cắt trộm dây tiêu, bọn trộm còn lấy cả những hom tiêu giống của những vườn mới trồng để mang đi bán. Ông Dương Văn Phan, ngụ tại ấp Bàu Sen, xã Xuân Trường nói: “Mấy năm nay giá hồ tiêu lên cao, bà con chúng tôi ở đây tự ươm giống từ nhà ra trồng, nay nó đến cắt trộm hết rồi. Thậm chí, ngay cả cây gòn làm trụ cho dây tiêu cũng bị nó chặt mất”.
Bà con nông dân nơi đây cho biết, những bụi tiêu bị cắt phá như vậy thì phải mất đến 3 năm sau cây mới có thể phục hồi như cũ, hoặc bị chết do cắt sát gốc. Để đối phó với nạn cắt trộm dây tiêu, nhiều ngày qua, các hộ trồng tiêu trên địa bàn huyện Xuân Lộc phải túc trực tại rẫy. Thậm chí, có những hộ phải tăng cường thêm chó hoặc kéo đèn điện chiếu sáng ra vườn để giữ tiêu.
Anh Trần Đại Nghĩa, cùng ngụ tại ấp Bàu Sen, xã Xuân Trường cho biết: “Do giá tiêu giống cao hơn mọi năm nên ăn trộm rất nhiều. Bây giờ dây tiêu đang cho thu bói bị nó cắt trộm, nên phải mất hai, ba năm sau mình mới có thể thu, nhiều cây sẽ hư luôn”.
Qua tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được biết, mấy năm gần đây, do giá hạt hồ tiêu tăng cao, nên nhiều nông dân chuyển đổi sang canh tác loại cây trồng này, nhu cầu sử dụng tiêu giống rất lớn, dẫn đến giá cả cũng tăng đột biến. Hiện nay, một hom tiêu giống Vĩnh Linh loại tốt có giá 20 ngàn đồng/hom; tiêu Phú Quốc khoảng 30 ngàn đồng/hom. Rất nhiều thương lái khắp nơi tìm đến huyện Xuân Lộc để đặt mua tiêu giống nhưng vẫn không đủ nhu cầu. Trước tình hình này, bọn xấu đã bất chấp những thiệt hại của người nông dân, thực hiện hành vi phá hoại của mình để kiếm lợi. Bà con nông dân nơi đây mong các ngành chức năng sớm vào cuộc điều tra và có biện pháp trừng trị thích đáng.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 10-1, hàng chục xã viên hợp tác xã chăn nuôi bò sữa Cầu Sắt, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), bức xúc đổ bỏ sữa tươi ngay tại khu vực thu mua sữa của công ty CP sữa Đà Lạt (Dalat Milk), phản đối việc Công ty ra thông báo hạn định mức thu mua sữa tươi kiểu “thắt vú bò”.

Từ hơn 1 năm nay, ở xã Lộc Ninh (Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) xuất hiện một trang trại nuôi vịt trời với số lượng lớn. Trang trại này do ông Nguyễn Thanh Tuyến - 43 tuổi, ngụ ấp Lộc Tân làm chủ. Từ việc lên mạng tìm hiểu, học hỏi, ông Tuyến đã tìm ra một hướng đi mới là nuôi vịt trời, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm mới cho nông dân.

Tập trung chính ở các xã Đồng Tâm, An Bình, Thanh Nông, thị trấn Chi Nê. Điển hình nhất là hội gây nuôi động vật hoang dã xã Đồng Tâm duy trì hoạt động 23 hội viên với số động vật nuôi 500 con lợn rừng, 200 con nhím, 22 con hươu sao. Trong số động vật nuôi hoang dã, lợn rừng được người chăn nuôi tập trung mở rộng diện rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau hơn một năm nuôi thử nghiệm, những cá thể hươu trong mô hình “Chăn nuôi hươu lấy nhung và sinh sản” của Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), cho thấy sự thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương, sinh trưởng và phát triển tốt. Mô hình mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nông dân.

Tuy nhiên thực tế cho thấy những mô hình này đang phát triển theo hướng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chưa có định hướng lâu dài, dễ bị thị trường cùng hệ thống thương lái chi phối, hiệu quả kinh tế đem lại cũng vì thế mà bấp bênh. Chăn nuôi nhỏ lẻ khiến số hộ chăn nuôi; số lượng gia súc, gia cầm tăng lên ở mỗi địa phương nhưng nông hộ không có mức thu nhập tốt nhất, còn kéo theo ô nhiễm môi trường.