Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Cựu Chiến Binh Vượt Khó, Làm Giàu

Người Cựu Chiến Binh Vượt Khó, Làm Giàu
Ngày đăng: 25/09/2014

Tìm đến nhà ông Hàn Văn Chiến ở thôn Tân Hào, xã Tân Liên, (Hướng Hóa, Quảng Trị) dễ dàng hơn chúng tôi nghĩ. Nhiều người dân ở đây không chỉ nhiệt tình chỉ đường mà còn kể thêm cho chúng tôi nghe nhiều thông tin thú vị về ông.

Năm 1978, ông Chiến tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Bốn năm sau, ông xuất ngũ, trở về quê hương và được tín nhiệm bầu giữ chức xã đội trưởng xã Tân Liên. Trong suốt những năm công tác, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm.

Ông cho biết, ước mơ ấp ủ bấy lâu nay chính là muốn có nhiều thời gian để tập trung phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống sung túc rồi sẽ nhân rộng mô hình cho những người dân đang gặp nhiều khó khăn tham khảo, học tập.

Sau khi xuất ngũ vào năm 1995, ông Chiến bắt tay vào xây dựng mô hình chăn nuôi bò với số lượng hơn 20 con. Qua hai năm chăm sóc, đàn bò của ông tăng về số lượng. Qua năm thứ 3, ông bắt đầu gặp khó khăn trong phát triển chăn nuôi bò, bởi những cánh đồng cỏ rộng lớn được chính quyền địa phương quy hoạch thành khu dân cư.

Năm 1998, thấy việc chăn nuôi bò khó mang lại kết quả cao, ông quyết định bán hết đàn bò và huy động thêm vốn từ nhiều nguồn khác nhau để tiến hành đầu tư xây dựng mô hình trang trạng chăn nuôi lợn với quy mô lớn.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình chăn nuôi lợn, ông Chiến cho biết thêm, để mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông đã lên đường tìm đến các mô hình chăn nuôi lợn có hiệu quả ở các địa phương trong, ngoài tỉnh để học tập kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh và tích cực tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề về chăn nuôi, thú y…

Khi trang bị được các kiến thức tổng hợp trong chăn nuôi, ông mua hơn 50 con lợn giống về thả trong chuồng. Hơn một năm sau, ông cho xuất chuồng hơn 3 lứa với số lượng trên 30 con lợn thịt, lãi hàng chục triệu đồng.

Thế nhưng, niềm vui về sự khởi đầu khá thuận lợi ấy không kéo dài được bao lâu, vì chỉ vài tháng sau, đàn lợn gần trăm con của ông bị bệnh tai xanh gây thiệt hại trên 200 triệu đồng. Giọng ông chùng xuống: “Đó là thất bại lớn nhất mà tôi đã trải qua trong phát triển kinh tế.

Chỉ còn vài tháng nữa là tôi cho xuất chuồng hàng chục con lợn thịt, thu về một khoản tiền không nhỏ, vậy mà lại trở thành người trắng tay, nợ nần chồng chất. Các thành viên trong gia đình chỉ biết động viên nhau, quyết tâm làm lại từ đầu”.

Sau đợt thất bại đó, ông Chiến quyết tâm gây dựng lại mô hình từ hai bàn tay trắng và những khoản nợ lớn. Việc đầu tiên ông làm đó là xây dựng, nâng cấp chuồng trại, thường xuyên tiêu độc, khử trừng và tiếp tục hành trình học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ trong chăn nuôi lợn, tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm.

Đầu năm 2001, ông mua hơn 70 con lợn giống về thả, chính thức khởi động lại hành trình làm giàu từ mô hình chăn nuôi lợn. Niềm vui lại xuất hiện trên khuôn mặt người cựu chiến binh này khi đàn lợn của ông phát triển mạnh, không bị dịch bệnh và cho xuất chuồng nhiều lứa lợn có trọng lượng lớn, lại bán được giá. Đây chính là động lực giúp ông tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại, phát triển đàn lợn với số lượng hàng trăm con lợn thịt, lợn nái.

Ông cho biết thêm, từ năm 2001 cho đến nay, năm nào trang trại chăn nuôi cũng có trên 100 con lợn thịt, hơn 20 con lợn nái, cho xuất chuồng 3 lứa/năm, sau khi trừ chi phí, bình quân hàng năm lãi ròng hơn 200 triệu đồng.

Ngoài ra, ông còn mở đại lý cung ứng thức ăn cho gia súc, mỗi năm lãi hàng chục triệu đồng. Cuộc sống gia đình ông đã thực sự đổi thay, không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Với nguồn thu từ mô hình kinh tế tổng hợp mang lại, ông Chiến đã xây dựng lại nhà cửa khang trang, chăm lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn. Hiện nay, 4 người con của ông đã có 2 người là bác sĩ, y sĩ đang công tác tại Trạm Y tế Tân Lập (Hướng Hóa), 2 người vừa tốt nghiệp Đại học kinh tế Huế và Trung cấp y tế Quảng Trị.

Ông tâm sự: “Với tôi, chuyện học hành của các con bao giờ cũng đặt lên hàng đầu. Vì thế, dù gặp hoàn cảnh khó khăn, tôi vẫn luôn khuyến khích, động viên các con học hành, trở thành người có ích cho xã hội”.

Ông Lê Đức Hữu, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Liên không giấu được niềm tự hào khi nói về ông Hàn Văn Chiến: “Cựu chiến binh Hàn Văn Chiến là tấm gương sáng về tinh thần năng động, sáng tạo, vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đạt kết quả cao.

Ông còn là người luôn gương mẫu tiên phong trong việc tham gia và có nhiều đóng góp quan trọng cho các hoạt động xã hội tại địa phương. Bình quân mỗi năm ông ủng hộ hơn 40 triệu đồng cho các hoạt động từ thiện xã hội như giúp đỡ người nghèo, tri ân các anh hùng liệt sĩ…

Đặc biệt, ông luôn sống hết mình vì mọi người bằng cả trái tim, tấm lòng yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ những người có hoàn cảnh bằng những việc làm, hành động thiết thực như hướng dẫn kinh nghiệm phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, cho vay vốn không lấy lãi. Nhờ vào sự giúp đỡ của ông mà có rất nhiều hộ đã thoát được nghèo, có cuộc sống ổn định”.


Có thể bạn quan tâm

Kiếm 1 tỷ/ngày từ phân bò Kiếm 1 tỷ/ngày từ phân bò

Với 300.000 con bò thịt và bò sữa, theo tính toán, “Bầu” Đức dư sức kiếm hơn 20 triệu USD mỗi năm từ nguồn phân bò.

17/04/2015
Nghệ An nuôi tôm an toàn sinh học theo quy trình VietGAP Nghệ An nuôi tôm an toàn sinh học theo quy trình VietGAP

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng FITES đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm chân trắng theo VietGAP” tại huyện Diễn Châu và huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An với nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự án Khuyến nông trung ương năm 2014.

18/04/2015
Nghêu chết vẫn chưa rõ nguyên nhân Nghêu chết vẫn chưa rõ nguyên nhân

Hiện chưa có con số thống kê chính xác những thiệt hại do nghêu chết gây ra. Nhưng chắc chắn một điều rằng đó sẽ là những con số không nhỏ. Bởi theo thống kê sơ bộ của UBND xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), vụ nghêu năm nay người dân thả nuôi khoảng 1.500 ha, đến ngày 9 - 4 đã có 220 sân nghêu của 170 hộ dân bị chết, với tỷ lệ thiệt hại bình quân 50%, cá biệt có sân nghêu bị chết đến 90%, tổng sản lượng thiệt hại dự kiến lên đến 13.000 tấn.

18/04/2015
Phát triển bền vững ngành thủy sản trong tương lai Phát triển bền vững ngành thủy sản trong tương lai

Ngành thủy sản Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh và toàn diện, sản lượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) và giá trị sản xuất hằng năm đều tăng trưởng.

18/04/2015
Cá lóc nuôi nhiễm bệnh, nổi trắng mặt ao Cá lóc nuôi nhiễm bệnh, nổi trắng mặt ao

Các hộ nuôi cá lóc trên địa bàn xã Hòa Lạc (Phú Tân - An Giang) đang lo lắng trước tình trạng cá bệnh trắng mình và xuất huyết. Cụ thể, đuôi cá xuất hiện vết trắng rồi lan dần về phía đầu làm cho cá mất nhớt, bong da… dẫn đến chết hàng loạt.

18/04/2015