Đưa Rau Đạt Chuẩn VietGAP Vào Hệ Thống Co.opMart

Trong chiến dịch hành động hướng đến mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn, đảm bảo quy trình truy suất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn tại TPHCM, Sở Công thương TPHCM vừa chủ trì buổi kết nối các DN sản xuất rau đạt chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) với Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) nhằm hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.
Bước đầu, Saigon Co.op đã ký kết với 16 đơn vị được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (9 đơn vị là các DN, các HTX sản xuất rau củ quả của TP, số DN còn lại là của 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận). Ký kết này mang lại lợi ích cho cả 3 bên: DN sản xuất an tâm đầu ra, nhà kinh doanh siêu thị an tâm có đầu vào đạt chuẩn, và quan trọng hơn hết là người tiêu dùng an tâm vì được cung cấp rau an toàn thường xuyên, đảm bảo chất lượng với giá hợp lý.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết hiện nay toàn hệ thống siêu thị Co.opMart tiêu thụ 120 tấn rau quả/ngày. Sắp tới, rau quả VietGAP sẽ chiếm 60% (riêng tại các Co.opMart trên địa bàn TPHCM, rau VietGAP đã chiếm hơn 90%) tổng sản lượng rau quả bày bán trong hệ thống nhưng giá bán sẽ thấp hơn 10% - 15% so với thị trường. Có được yếu tố này là nhờ Saigon Co.op mua trực tiếp rau quả VietGAP tại vườn đơn vị sản xuất, không thông qua trung gian và tham gia chương trình bình ổn giá. Tiến tới, Saigon Co.op sẽ chủ động đầu tư, phát triển diện tích thâm canh rau củ quả để cung ứng cho hệ thống siêu thị Co.opmart.
Theo Sở Công thương, sở đang tiếp tục chọn các hệ thống siêu thị khác để thực hiện việc ký kết, nhằm hỗ trợ và khuyến khích các DN tập trung sản xuất các sản phẩm rau an toàn cung ứng cho thị trường TP. Ngoài ra, TP cũng đang thí điểm chọn 2 chợ là Bến Thành và chợ đầu mối Hóc Môn để triển khai mô hình chợ an toàn vệ sinh thực phẩm.
Rau an toàn và rau VietGAP
Ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM, cho biết: Rau an toàn là rau được sản xuất đảm bảo 4 yêu cầu: không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; không có kim loại nặng; không có hàm lượng nitrate; không có vi sinh vật gây hại.
Rau VietGAP ngoài 4 yêu cầu trên còn phải tuân thủ hệ thống các chỉ tiêu khác, chủ yếu về quản lý: Sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc, có bao bì rõ ràng; người sản xuất phải được tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; nơi sản xuất phải đạt chuẩn VietGAP như: nhà xưởng phải đảm bảo vệ sinh, ngăn chặn côn trùng, đảm bảo đủ nguồn sáng và nguồn nước...; được tổ chức nào đó chứng nhận và cấp giấy phép đủ điều kiện sản xuất rau VietGAP, tất nhiên phải tốn chi phí.
Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ, huyện Càng Long- Trà Vinh cho biết: hiện thanh long ruột đỏ thương lái đến thu mua tại vườn giá 47.000 đ/kg nhưng HTX không đủ nguồn cung cấp.

Những năm gần đây, nhiều nhà vườn ở các xã cù lao của huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đã áp dụng phương pháp đậy mủ xử lý chôm chôm ra hoa nghịch vụ để dễ tiêu thụ và bán được giá cao. Đặc biệt năm nay, nhờ thị trường hút hàng nên chôm chôm nghịch vụ càng trúng giá và cho lợi nhuận cao.

Theo ghi nhận ở ĐBSCL, hiện giá lúa nông dân bán vẫn dao động ở mức khá thấp, khoảng 4.300 đồng/kg lúa thường, 4.800 đồng/kg lúa dài, chất lượng cao.

Theo quy trình kỹ thuật cho loại hình nuôi tôm công nghiệp (NTCN) thì ao lắng nước là một phần diện tích bắt buộc phải có trước khi thực hiện mô hình này. Song, hiện nay ao lắng không được người nuôi quan tâm, thiết kế. Đây là điều mà các ngành chức năng lo lắng cho sự thành công của vụ nuôi, nhất là trong mùa khô.

Gần đây, trên một số tờ báo điện tử xuất hiện thông tin có tới 98% thủy sản ở Hà Nội nhiễm kim loại nặng, khiến người tiêu dùng hoang mang. Tuy nhiên, theo kiểm tra của Sở NN&PTNT Hà Nội, việc đưa ra những thông tin nêu trên chưa hoàn toàn chính xác, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố.